Nóng tại hội nghị Nga - NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Cuộc họp này được triệu tập theo sáng kiến của Liên minh quân sự Bắc Đại tây dương dưới sự chủ trì của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, về phía Nga có đại diện thường trực tại NATO, Alexander Grushko. Cuộc họp được tiến hành theo định dạng thông thường với sự tham gia của đại diện 28 quốc gia thuộc khối NATO.
Được biết, sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO sẽ đưa ra tuyên bố tổng kết.
Chương trình nghị sự
Chương trình nghị sự của cuộc họp tập trung vào ba tiêu điểm chính: tình hình Ukraina, Afghanistan và vấn đề an ninh ở châu Âu.
Ông Alexander Grushko, đại diện của Nga phát biểu: "Chúng tôi không bao giờ từ bỏ định hướng của Hội đồng Nga – NATO. Hiện tại, chương trình nghị sự sẽ tập trung vào các yếu tố quan trọng nhất liên quan đến an ninh châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà ưu tiên hàng đầu là việc thực hiện thỏa thuận Minsk".
Theo ông, hội nghị cũng sẽ thảo luận các vấn đề về hoạt động quân sự của NATO. "Chúng tôi lo ngại về các kế hoạch quân sự của Liên minh (NATO), được xây dựng trên điều kiện tiên quyết là khắc chế Nga, mà điều đó thì làm xấu đi đáng kể tình hình an ninh và trái với các nghĩa vụ kiềm chế quân sự, được ghi nhận trong Điều lệ sáng lập Hội đồng Nga-NATO. Trong khi đó, vấn đề đáng quan tâm hàng đầu là tình hình bất ổn ở Afghanistan và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung" – ông Grushko phát biểu.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã cảnh báo trước cuộc họp rằng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ "như trước đây" với Nga một khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa được giải quyết hoàn tất.
Không thể trở lại các định dạng trước
Tuy nhiên, hiện nay Nga không mấy quan tâm đến việc trở lại với các định dạng trước đây trong mối quan hệ với NATO.
Trong lĩnh vực này, đối với Moscow ngày nay quan trọng nhất là phải hiểu NATO dự định xây dựng các hoạt động an ninh của họ ở châu Âu như thế nào trong tương lai, bởi vì hiện nay, lời nói và hành động của họ rất mâu thuẫn nhau.
Ngoài miệng nói không mong muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới và không muốn theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, áp sát hầu như toàn bộ chiều dài đường biên giới với Nga và Belarus, đồng thời đang nghiên cứu khả năng triển khai ở châu Âu các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mới và công khai nói về ý định "răn đe quân sự" đối với Nga.
Vấn đề đáng quan ngại ngày nay: NATO vẫn tiếp tục lao theo đà quán tính của quá khứ, khi mục đích duy nhất của khối quân sự Bắc Đại tây Dương là chống Liên Xô và củng cố pháp lý về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu.
Trong bối cảnh đó, sự suy yếu tình hình an ninh tại Afghanistan nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã trở nên nghiêm trọng, trở thành mối quan ngại sâu sắc đối với cả Nga lẫn NATO, mà NATO thì đã sa lầy nên vẫn không thể rút chân khỏi khu vực này.
Mặc dù gần 15 năm chiến tranh với sự hiện diện của các lực lượng NATO ở Afghanistan, (quân Mỹ lần đầu tiên có mặt tại đây từ tháng 12 năm 2001 để trả đũa cuộc tấn công khủng bố ở New York và Washington vào ngày 11/9), hiện nay tại đất nước này vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan, và nếu trước đây chúng hoạt động thống nhất trong phong trào Taliban thì ngày nay các thủ lĩnh khủng bố đã bắt đầu tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Vì vậy, ngày nay, rất nhiều khu vực rộng lớn của đất nước Afghanistan đã trở thành cơ sở hoạt động khá tự do cho các nhóm khủng bố quốc tế. Đó mới thực sự là vấn đề đang quan tâm hàng đầu chứ không phải việc Crimea trở về với đất mẹ Nga.
Thiện Tâm
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo