Nông sản điêu đứng do công nghiệp chế biến chậm phát triển
Cục Chế biến Nông – Lâm - Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng hợp 9 ngành (gạo, chè, cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, điều, thủy sản, gỗ) năm 2013 giá trị xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ kể cả thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, nhìn chung, nông sản Việt Nam vẫn chưa đứng vững trên thị trường vì từ trước đến nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, tươi mà chưa qua chế biến.
Thời gian qua, người nông dân liên tục điêu đứng hứng chịu cảnh trái cây được mùa mất giá như: dưa hấu, xoài, thanh long, vải thiều… Hè năm 2014 là một mùa trái cây buồn ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ khi mà xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt rớt giá thảm hại ngay khi vào mùa. Nhiều nhà vườn đau lòng khi cho trái cây rụng bỏ vì tiền bán không đủ để thuê nhân công thu hoạch. Còn ở tỉnh Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn gặp khó vì thị trường không ổn định.
Ông Đào Xuân Hiển, ở Định Quán, Đồng Nai cho hay: Sau khi đặt tiền cọc mua xoài, thương lái chạy “mất dép” vì giá xoài rớt thê thảm. Giá thu mua tại vườn chỉ dao động ở mức 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là vì nguồn cung quá cao trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp. Ngoài ra, đối với những trái cây xuất khẩu khi thị trường gặp khó khăn là rơi vào tình trạng đổ đống. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính vì khả năng chế biến nông sản thực phẩm trong nước chậm phát triển.
Vải thiều được mùa rớt giá
Các chuyên gia nhận định, hiện nay muốn tăng giá trị cho sản phẩm vải thiều cũng rất khó bởi chưa có công nghiệp chế biến tiên tiến. Họa chăng, cũng chỉ dừng lại ở chế biến nước ép vải thiều hoặc đóng túi chân không, đông lạnh. So với các nước trên thế giới, công nghiệp chế biến Việt Nam đi sau rất nhiều, điểm xuất phát lại thấp nên sản phẩm chế biến gặp không ít khó khăn khi tham gia vào thị trường. Giai đoạn mở cửa, nông sản, thực phẩm chế biến ngoại tràn vào khiến doanh nghiệp nội vất vả cạnh tranh ngay trên sân nhà; xuất khẩu thì gặp khó về hàng rào kỹ thuật.
Ở các nước khác công nghệ chế biến đã tiến rất xa. Như Malaysia từ quả thanh long các nhà sản xuất ở nước này có thể chế biến ra thành 5 – 6 sản phẩm khác nhau.
Nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án “Nâng có giá trị gia tăng trong chế biến nông, lâm, sản và giảm tổn thất sau thu hoạch”. Theo đó, tập trung sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa nguyên liệu – chế biến – tiêu thụ. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thuộc chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là định hướng đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp tin cậy về các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao.
Mai Phương
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng