Nỗi niềm cô dâu Việt
Ngồi nhóm lửa nấu nồi bánh tét, bà Lan thấy lòng nôn nao khó tả vì mấy hôm trước, từ Đài Loan, con gái của bà gọi điện thoại nói Tết này sẽ đưa cháu về thăm bà ngoại. Nghe vậy, bà Lan mừng rơi nước mắt, chạy khắp xóm khoe với bà con.
Trong số hàng trăm cô dâu Việt trở về từ Đài Loan dịp Tết này, không ít người mang nặng nỗi buồn tha hương
Cám cảnh Tết xa quê
Những ngày qua, nhiều gia đình ở miền quê xứ Mỹ Điền (xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) xôn xao đón những phụ nữ áo váy sặc sỡ đặc trưng của xứ Đài, điệu con trước ngực, kéo vali theo sau, trong khi bà Lan chẳng thấy Hồng Xuân - con bà đâu. Sốt ruột, bà quay vào thắp nén hương cho chồng thì nghe tiếng í ới ngoài ngõ: “Hồng Xuân về rồi bà Lan ơi!”. Bà vội chạy ra sân, chưa kịp hỏi han gì, 2 mẹ con đã ôm chầm nhau khóc nức nở. Hồng Xuân an ủi mẹ: “Con mới đi mà mẹ già nhanh quá!”. Bà Lan buông con ra rồi nói: “Hơn 3 năm rồi con, trước ngày ba tụi bây mất đúng 1 tháng!”.
Một lão nông đón cháu ngoại từ Đài Loan về.
Hồng Xuân thắp hương cho ba, nghẹn ngào: “Ba à! Con đi là để kiếm tiền chữa bệnh cho ba, vậy mà không ngờ khi vừa sang bên ấy, con lại nhận được tin ba mất. Xin lỗi ba vì tới hôm nay, con mới về thăm ba được”. Hồng Xuân kể sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô đi dạy được một thời gian thì cha cô mắc bệnh ung thư gan. Hai đứa em trai đi làm mướn, thu nhập không ổn định. Tiền thuốc men cho cha cô ngày càng tăng lên khiến gia đình kiệt quệ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô quyết định lấy chồng Đài Loan với hy vọng có thể giúp gia đình vượt qua bi kịch. Chồng Hồng Xuân hơn cô gần 20 tuổi.
“Sau đám cưới, để lại cho mẹ được một khoản tiền kha khá, tôi yên tâm cùng chồng bay qua Đài Bắc” - Hồng Xuân tâm sự. Hồng Xuân cho biết hôm nhận được tin buồn, cô xin chồng về nước để lo hậu sự cho ba nhưng gia đình chồng không đồng ý dù cô đã năn nỉ và khóc hết nước mắt.
“Ngày tháng dần trôi qua, tôi càng thấy nhớ nhà, nhớ quê hương. Nỗi nhớ ngày càng da diết khi tôi thấy cuốn lịch đã sắp hết. Có lần, tôi lên sân thượng để nhìn về một nơi xa xăm, mặc cho cái lạnh cắt da. Thấy tôi buồn, chồng khẽ bước sau tôi và an ủi. Tôi chỉ tay về phía xa xa ấy rồi nói em muốn về nhà, em nhớ nhà, nhớ Tết lắm. Chồng tôi chảy nước mắt, nói: “Xin lỗi, năm nay anh sẽ sắp xếp cho em về Việt Nam” - Hồng Xuân kể lại.
Theo Hồng Xuân thì không phải cô dâu Việt nào ở xứ Đài cũng được về quê ăn Tết như cô. “Hai năm đón Tết ở xứ người, không lần nào tôi không khóc. Cũng may, tôi được gia đình chồng yêu thương. Nhiều chị khổ lắm, lấy phải chồng nghèo lại sáng xỉn chiều say. Nhiều chị tâm sự rằng người thân ở Việt Nam điện thoại qua hỏi: “Tết đến con có gửi tiền về không? Gửi bao nhiêu?”... chứ không hề hỏi đến cuộc sống làm dâu ở xứ người. “Vì vậy, nhiều chị phải tìm mọi cách để xin tiền chồng gửi về cho gia đình dù không dễ tí nào, có người phải khóc đến hết nước mắt mới được” - Hồng Xuân bộc bạch.
Tan mộng đổi đời
Về trong dịp Tết này, N.H, ở quận Cái Răng - TP Cần Thơ, lại có hoàn cảnh không như Hồng Xuân. Dù có việc làm ổn định tại một xưởng may ở Việt Nam nhưng thấy nhiều bạn bè lấy chồng nước ngoài, N.H. cũng quyết định lấy một người Đài Loan lớn hơn cô gần 30 tuổi làm chồng.
Dù bị cha phản đối nhưng N.H. và mẹ vẫn một mực tổ chức đám cưới với hy vọng cô sẽ được sung sướng. Đám cưới diễn ra chóng vánh tại một quán nhậu bình dân. “Khi đến nhà chồng, em mới nhận ra rằng ý định đổi đời của mình đã lầm. Nhiều lần định trốn về Việt Nam nhưng nghĩ đến sự tức giận của cha và mặc cảm với bạn bè nên em từ bỏ ý định” - N.H. nói.
Theo N.H., chồng cô phụ bán quán ăn ở Đài Loan với thu nhập rất bấp bênh. Gia đình chồng có đến 7 người nhưng sống trong một căn nhà thuê chưa đến 40 m2. Tháng đầu tiên về nhà chồng, hầu như ngày nào N.H. cũng khóc vì nhớ quê và không chịu được cuộc sống quá khó khăn của gia đình chồng. Cũng may, dù nghèo nhưng gia đình chồng rất cảm thông và thương yêu N.H. Mẹ chồng cô là người dạy tiếng Đài Loan mỗi ngày để H. từng bước thích nghi với cuộc sống ở đó. Nhờ vậy, N.H. được theo chồng phụ việc ở một quán ăn nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống. Đến khi sinh con, cuộc sống của gia đình N.H. càng khó khăn hơn.
Gần 4 năm lấy chồng nhưng chưa một lần N.H. có tiền để gửi về như lời hứa khi lên máy bay sang xứ người. “Nhờ vợ chồng ông chủ quán ăn thương tình cho chút tiền nên em và con gái mới về quê được. Về đến nhà, em không dám nhìn ai hết vì cảm thấy xấu hổ vô cùng” - N.H. tâm sự. Nghe bà nội hỏi “năm sau con lại về chứ?”, đôi mắt đỏ hoe, N.H. nói khẽ: “Chưa biết nữa, nội ơi!”.
Ðừng vì mục đích kiếm tiền Ông Phan Văn Hùng, Trưởng Phòng Hộ tịch - Quốc tịch - Lý lịch Tư pháp thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, cho biết hiện nay, tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm trước. Trong năm 2012, toàn tỉnh có 288 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Theo ông Hùng, để tránh rủi ro hoặc những phát sinh ngoài ý muốn, những phụ nữ muốn kết hôn với người nước ngoài cần phải biết rõ phong tục tập quán, ngôn ngữ của nước sở tại; phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình bên chồng và quan trọng nhất vẫn là phải biết mình sẽ làm gì khi về nhà chồng. “Nếu kết hôn với người nước ngoài chỉ để kiếm tiền thì rất dễ dẫn đến xích mích với gia đình bên chồng rồi ly hôn. Nhiều người trong số đó đã tự kết liễu đời mình” - ông Hùng cảnh báo. |
Theo NLĐ
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí