"Nói không" với sách lậu - Khó thay!
Vi phạm tràn lan
Năm 2017, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành 14 lượt kiểm tra cơ sở in, phát hành; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền là 383 triệu đồng, tiêu hủy 14.647 xuất bản phẩm các loại, 162.400 tờ bìa sách, ruột sách và 128 kẽm in ruột sách. Các đội liên ngành và thanh tra các sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra 2.234 lượt; phát hiện và xử phạt hành chính 161 cơ sở với tổng số tiền phạt 1,46 tỉ đồng, tịch thu, tiêu hủy 816 cuốn lịch blốc đại 2018 không dán tem, 44.100 xuất bản phẩm các loại, hơn 283 nghìn tờ in của xuất bản phẩm đang hoàn thiện...
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn in lậu sách. Cao điểm của tình trạng in lậu sách giáo dục thường rơi vào dịp chuẩn bị năm học mới. Đặc biệt tháng 8-2017, Ban Chống in lậu của NXB Giáo dục tại các miền đã phối hợp với các ban, ngành chức năng phát hiện nhiều vụ việc in lậu. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, đã phát hiện Công ty TNHH Hải Anh (ngõ 459 Bạch Mai, Hà Nội) in lậu 30.000 bìa sách giáo khoa tiếng Anh; Xưởng in bao bì Thiên Phú (Định Công, Hà Nội) và Công ty In bao bì Hải Chiến (huyện Thanh Trì, Hà Nội) gia công lậu một số lượng khá lớn bìa sách giáo khoa tiếng Anh...
Sách lậu và sách thật |
Trong khi sách giấy phải đối mặt với tình trạng bị in lậu thì sách điện tử (ebook) cũng gặp nhiều khó khăn vì bị vi phạm bản quyền khá nghiêm trọng. Thực tế, sách điện tử thường được mua, bán trên website của các NXB hoặc nhiều cửa hàng ủy quyền, phải “đối đầu” với việc người dân thiếu ý thức khi chia sẻ sách điện tử lên các trang mạng xã hội, diễn đàn. Nhiều cá nhân, tổ chức đã tự làm sách điện tử từ sách bản quyền rồi đăng tải, chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội khiến thị phần đọc sách điện tử của các NXB bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng do việc sách điện tử bị xâm phạm bản quyền, làm lậu tràn lan, nên có thời điểm NXB Trẻ phải hạ giá hàng loạt ấn phẩm được bạn đọc quan tâm, giá chỉ còn 5.000-10.000 đồng/bản, chấp nhận bù lỗ.
Giải pháp nào hiệu quả?
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 ngành xuất bản mới diễn ra đầu tháng 4-2018 tại Đắk Lắk, các đại biểu đã thừa nhận, vẫn còn khá nhiều bất cập trong công tác phòng, chống in lậu. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ở một số địa phương vẫn còn chậm. Việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các ngành liên quan của tỉnh vẫn có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.
Hiện Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang lấy ý kiến về đề xuất xây dựng dự thảo thông tư dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm.
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, việc thống nhất dán mẫu tem chung cho tất cả sách của các NXB là giải pháp tình thế. Tem chung được liên kết với trung tâm dữ liệu của Cục để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các địa phương và thuận tiện cho người đọc có thể dùng điện thoại thông minh (smartphone) tra cứu thông tin, nguồn gốc cuốn sách. Mỗi cuốn sách có một tem được mã hóa như giấy khai sinh. Muốn làm giả một cuốn sách thì phải làm giả tem. Nhưng tem đã mã hóa rất khó làm giả.
Tuy nhiên, việc dán tem chống ấn phẩm lậu vẫn chưa được thông qua bởi những băn khoăn từ các NXB và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Cụ thể, VCCI cho rằng, ngoài hiệu quả phân biệt thật, giả, giải pháp này không tạo ra bất kỳ hiệu quả nào khác và sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi như: Làm gia tăng chi phí xuất bản, lãng phí nguồn lực hiện tại, nguy cơ phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị làm sách…
Chính vì thế, đến thời điểm này, nhiều NXB, nhà sách phải tự mình ra sức chống sách lậu. Đã từng có thời điểm, Alpha Books đã liên tục tái bản 20 đầu sách bán chạy nhất của mình với mức giá chỉ còn bằng 60% so với bản in đầu tiên. Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những sáng kiến để có thể chạm tới cái đích hạ mức giá xuống còn... 50%. Toàn bộ các đầu sách trên được thay đổi về kích cỡ xuống còn gần một nửa so với bản in trước (từ 13cm x 20,5cm xuống còn 10cm x 15cm) nhằm giảm giá thành sản xuất mỗi cuốn xuống khoảng 50% so với thông thường. Theo các số liệu Alpha Books, với dòng sách giá rẻ này, chi phí sản xuất 110-170 đồng/trang so với 200-300 đồng/trang của khổ sách thông thường. Kèm theo đó, Alpha Books cũng chấp nhận giảm bớt một phần lớn doanh thu dự kiến để đi theo tiêu chí “lấy công làm lãi”.
Trước Alpha Book, một số nhà sách như Bách Việt, FirstNews hoặc NXB Văn hóa thông tin... cũng đã áp dụng việc hạ giá sách trong những lần tái bản để tránh sự cạnh tranh từ sách lậu.
Tuy nhiên, nhân tố quyết định sự thành bại trong “trận chiến” cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi nào độc giả “nói không” với sách lậu bằng cách mua sách ở những nhà sách, hiệu sách uy tín và coi việc mua sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, thì sách thật mới có “cửa sống” thực sự.
Nhiều cá nhân, tổ chức đã tự làm sách điện tử từ sách bản quyền rồi đăng tải, chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội khiến thị phần đọc sách điện tử của các NXB bị giảm sút nghiêm trọng. |
Vương Tâm
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
-
[VIDEO] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn của Nga
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD