Nỗi ám ảnh chốn “địa ngục trần gian”
Đọa đày thân xác
Từ trung tâm huyện Tương Dương đến bản Na Bè (Xá Lượng) - nơi cư trú của gần 200 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú chỉ mất chừng 30 phút chạy xe máy, con đường nối Quốc lộ 7A về bản đã được trải nhựa từ mấy năm trước. Dạo con đường vừa mới hoàn thành, bà con vui lắm, ai cũng cười rất tươi và hy vọng nó sẽ dẫn lối cho dân bản thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, cuộc sống sẽ đổi thay từng ngày.
Nhưng sau gần 5 năm, thung lũng Na Bè chẳng có mấy đổi thay, vẫn là những ngôi nhà tạm nép mình bên dòng khe Ang, vẫn là những đứa trẻ lấm lem bùn đất, vẫn là cảnh giã lúa bằng tay. Cái nghèo vẫn bám riết lấy cư dân nơi đây, buộc người lao động phải phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, từ đó xảy ra không ít câu chuyện đau lòng. Những năm qua, người dân thi nhau rời bỏ làng bản đi làm ăn xa, phần lớn vào Quảng Nam làm “phu” cho các bãi vàng. Đáng nói hơn, không ít trẻ vị thành niên cũng tìm đường đến bãi vàng làm “phu”, để rồi lúc trở về mang theo nỗi ám ảnh.
Bản Na Bè hiện có nhiều người đang làm tại các bãi vàng ở tỉnh Quảng Nam |
Cuối tháng 4, thời tiết bắt đầu nóng nực, thung lũng Na Bè càng nóng hơn khi bà con đang xôn xao câu chuyện mấy đứa trẻ vừa trở về từ bãi vàng ở Quảng Nam. Mái đầu nhuộm vàng, dáng vẻ mảnh khảnh, cậu bé 15 tuổi Nộc Bún My kể lại quãng thời gian ở chốn “địa ngục” của những phu vàng người miền núi Nghệ An. Với cậu bé người Khơ Mú này, ký ức về quãng thời gian gần 2 tháng sống cảnh khổ ải nơi bãi vàng trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.
Câu chuyện bắt đầu từ 2 tháng trước, trong ngày vui lễ hội đền Vạn - Cửa Rào, một người phụ nữ khoảng 25 tuổi, người bản Lả (xã Lượng Minh) xuất hiện và nói chuyện về cuộc sống sung sướng và công việc hấp dẫn với mức lương 3 triệu đồng/tháng ở bãi vàng Quảng Nam. Vốn chẳng mặn mà gì việc học hành, lại tò mò vì nghe ở đó có rất nhiều người cùng quê đang làm rất vui vẻ, Nộc Bún My quyết định nghỉ học và theo 4 bạn đồng trang lứa lên đường. Người phụ nữ ấy dẫn Bún My và nhóm bạn vào Quảng Nam, rồi từ đây di chuyển đến vùng rừng núi hoang vu có bãi làm vàng. Cậu chẳng biết quãng đường dài bao nhiêu, chỉ biết đi bằng ôtô và mất 1 ngày tròn.
Mấy cậu bé được đưa đến một bãi vàng, ở đây có khoảng 200 người quê Nghệ An đang làm, vì Bún My nhận ra họ qua giọng nói quen thuộc. Cư dân trong vùng cũng là người dân tộc thiểu số, nhưng họ ít khi vào làm “phu” trong những bãi vàng. Ngày đầu tiên của Bún My ở bãi vàng bắt đầu bằng những lời hăm dọa của 2 gã chủ: “Đứa nào trốn về tao cắt tai! Đã đến đây là phải làm việc, không được lười biếng”.
Lữ Văn Thân (trái) kể chuyện về cuộc sống tại bãi vàng Quảng Nam |
Có một nỗi sợ còn khủng khiếp hơn, đó là những hầm vàng hun hút thọc sâu vào lòng núi, có những hầm vàng sâu đến 200m. “Lần đầu tiên chui trong hầm vàng cứ nghĩ mình như con dúi, con nhím trên rừng” - Bún My cho biết. Trong 2 tháng làm phu vàng, đã một vài lần Bún My chứng kiến cảnh “loạn bãi”. Những “phu vàng” không chịu được cảnh lao động cực nhọc đã bàn nhau tìm đường bỏ trốn, nhưng gần như ngay lập tức họ bị bắt lại và bị chủ đối xử một cách tàn nhẫn. “Một người cũng nhỏ tuổi như em bị đánh ngất. Sau khi dội nước lạnh cho tỉnh lại, cho ngủ một giấc ngắn, chủ bãi vàng lại bắt dậy đi làm” - Bún My kể tiếp.
Tiền công bèo bọt
Vừa từ Quảng Nam về được 2 ngày, Moong Văn May đã theo bố lên rẫy, vì mẹ cậu đang ở trên đó, đi suốt 2 tháng nên cậu rất nhớ mẹ. Gặp chúng tôi giữa đường, ông Moong Văn Long (bố May) cho biết: “Nó vừa về hôm trước, đi 2 tháng trời mà được có 2 triệu đồng, về đến nhà là vừa hết, không còn đồng nào nữa, tôi phải ra đón nó ở thị trấn”. Cậu bé có vóc dáng thư sinh này tỏ ra khá rụt rè, e ngại khi được hỏi về những ngày làm ở bãi vàng. Theo May, đi làm vàng mệt hơn làm rẫy, vì phải làm trong hầm sâu, càng vào sâu càng tối mịt. Công việc của cậu là hằng ngày dùng xe rùa chở đất đá từ trong hầm sâu ra ngoài, cậu không thể tính nổi mỗi ngày phải đẩy bao nhiêu chuyến. Chỉ biết cái đầu gối như muốn rời ra, cái tay tê buốt, ngồi xuống lưng đau ê ẩm, mồ hôi lúc nào cũng ướt đẫm. Đã thế, bữa ăn chỉ có cá khô và rau rừng, đói cũng không có gì thêm để ăn, ở nhà ăn uống đã kham khổ, đến đây còn khổ hơn. Làm được 2 tháng, May xin về quê vì mẹ ốm nặng, chủ bãi trả cậu 2 triệu xem như tiền công để làm lộ phí. Cậu đang cố quên những ngày tháng vất vả, cực nhọc và mong được trở lại lớp để kiếm thêm cái chữ.
Dù mới qua tuổi 16 nhưng cô bé Moong Thị Thơ đã có thâm niên 2 năm làm tại các bãi vàng ở Quảng Nam và khá sành sỏi các hoạt động của chủ bãi và “phu vàng”. Thơ cho biết, riêng huyện Phước Sơn có 6 bãi vàng, nơi nhiều nhất có tên gọi Bãi Muối (thuộc xã Phước Thanh) có hơn 300 lao động, bãi nhỏ cũng phải hơn 100 người. Trong thời gian 2 năm, Thơ đã trải qua 2 bãi vàng, ban đầu làm việc rửa bát, nấu cơm cho các “phu vàng”. Sau đó, Thơ được bố trí giữ kho nên có điều kiện tiếp xúc khá nhiều với các chủ “bưởng”. Cô bé người Khơ Mú này cho biết thực trạng ở bãi vàng mình từng đặt chân đến: “Con gái thì bị chửi, không cần biết lý do. Đàn ông bị đánh đập, chỉ thừa nước chết đi thôi, nhìn khủng khiếp lắm”. Nguyên do khiến cô gái 16 tuổi trốn khỏi bãi vàng cũng bởi những lời chửi bới thậm tệ, cuộc sống quá kham khổ và thường xuyên đau ốm. “Họ không xem mình là người, nhục quá, em trốn đi thôi, về với bố mẹ thôi!” - Thơ chia sẻ.
Theo lời những “phu vàng” tuổi thiếu niên ở Na Bè, hiện tại có rất nhiều người Nghệ An, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang làm thuê tại các bãi vàng ở Quảng Nam. Phần lớn họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, ngày làm trên 10 tiếng, ăn uống kham khổ, có lúc bị đánh đạp, cuộc sống chẳng khác gì “địa ngục”. Nhiều người muốn bỏ trốn, trở về quê hương nhưng sợ chủ “bưởng” bắt được sẽ cho người đánh thừa sống thiếu chết nên phải gắng chịu đựng để chờ thời cơ.
Trao đổi về chuyện những “phu vàng” tuổi học trò, thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Xá Lượng cho biết: “Chúng tôi rất buồn vì tình trạng học sinh bỏ học và đi khỏi địa bàn vẫn còn diễn ra. Các thầy cô đã đến từng gia đình để vận động và tìm hiểu nguyên nhân, nhưng nhiều phụ huynh cũng không biết con em mình đã đi ở đâu, làm việc gì. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, toàn trường có tới hơn 10 em bỏ học, có nhiều em đã đi khỏi địa bàn”.
Còn theo lời anh Hùng Văn Khoa - Trưởng bản Na Bè, hiện tại không có con số thống kê chính xác về số lượng người của bản đang làm ở các bãi vàng tỉnh Quảng Nam. Con số ấy có thể là 50, hoặc hơn thế, đa số đều ít liên lạc với gia đình. Nguyên nhân họ rời bỏ địa bàn đi làm ăn xa là do thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Rời Na Bè, chúng tôi mang theo nỗi day dứt về cảnh sống của bản làng, về những cô cậu học trò sớm rời bỏ trường lớp để đi làm thuê ở bãi bãi vàng, bị đối xử tàn tệ và quá sức chịu đựng. Bao giờ Na Bè khởi sắc? Câu hỏi ấy chúng tôi không thể tự tìm câu trả lời!
Trần Công Kiên
Năng lượng Mới 524
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo