Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nỗi buồn… đám đông!

19:53 | 24/12/2013

3,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có những đám đông xuất hiện trong hai câu chuyện thời sự vừa qua, vụ “hôi bia” ở Đồng Nai và vụ hai cô bảo mẫu hành hạ trẻ ở TP HCM. Và, có những sự bất ổn của tâm trạng xã hội khi nhìn từ những đám đông ấy!

1. Vụ “hôi bia” xảy ra ở Đồng Nai đã đi đến hồi kết bằng việc anh tài xế đến ngân hàng chuyển trả lại toàn bộ số tiền của những người hảo tâm đã ủng hộ anh trước đó. Rõ là khổ thân cho anh tài xế khi đã đi hết từ ngỡ ngàng này đến bàng hoàng khác trước hành vi ứng xử của đồng loại mình, sau sự cố vận chuyển bia của anh.

Đầu tiên, khi hàng trăm thùng bia lăn ra đường, một đám đông đã tụm lại nhặt bằng hết, khuôn mặt người nào cũng khẩn trương, vui tươi như nhận được của từ trên trời rơi xuống! Sự khóc lóc, van xin của anh tài xế trước tình cảnh ấy đều vô nghĩa, đám đông vẫn cứ mang bia về trong sự thản nhiên.

Anh tài xế đi hết từ ngỡ ngàng này đến bàng hoàng khác trước cách cư xử của đồng loại mình

Khi những hình ảnh vụ “hôi bia” được đưa lên các trang báo, dư luận nổi cơn phẫn nộ. Đó cũng là cảm xúc hoàn toàn dễ hiểu bởi bất cứ ai cũng ít nhiều cảm thấy bị tổn thương khi đồng loại mình lại hành động như thế!

Và một số người đã giải tỏa cảm xúc phẫn nộ ấy của mình bằng nhiều cách khách nhau.

Một mặt, họ bày tỏ lòng thương xót của mình bằng cách hô hào cùng nhau quyên góp tiền để ủng hộ anh tài xế, dẫu cho anh chưa đến mức phải chính thức cầu xin sự thương xót ấy của cộng đồng!

Mặt khác, đám đông trút cơn phẫn nộ vào một đối tượng khác, đó chính là ông chủ của người tài xế. Lý do đơn giản vì người này giàu có mà chẳng có lương tâm, rằng ông cũng vô cảm như chính đám đông đã “hôi bia” trước đó khi để anh tài xế phải bồi thường!

Công bằng mà nói thì hãng bia Tiger chẳng có lỗi gì trong sự cố vận chuyển của anh tài xế. Họ trả tiền để số bia của mình được vận chuyển an toàn vì thế không có lý gì bắt họ phải chịu trách nhiệm với sự cố không may đó. Nhưng để giải quyết khủng hoảng trước sức ép của dư luận, hãng bia thôi không buộc anh tài xế phải bồi thường nữa! Và kể từ đây, vụ “hôi bia” lại rẽ hướng sang một hướng bi kịch khác!

Khi anh tài xế không phải bồi thường, sự từ thiện của một đám đông lúc này không còn cần thiết nữa. Và, nhiều người như những đứa trẻ con đòi lại quà đã cho trước đó: họ đi đòi lại tiền từ thiện! Một số người trực tiếp đến nhà anh, như “ăn vạ” để đòi lại bằng được số tiền đó. Không gì khác hơn, đó là một sự vô lối tận cùng!

Nhưng điều đáng nói nhất là sự vô lối này lại được một đám đông khác xúm vào đồng cảm. Đám đông đó không những lên tiếng bắt anh tài xế trả lại tiền cho các nhà hảo tâm, họ còn trách móc, lên án anh là tham lam, lợi dụng lòng tốt của người khác. Và trước sự tủi nhục ấy, anh tài xế phải bằng mọi cách chuyển trả lại toàn bộ số tiền mà anh nhận được.

Đã không có bất kỳ lòng tốt trong câu chuyện này, việc từ thiện một cách đầy cảm tính của đám đông cũng đã giết chết lòng tốt. Câu chuyện “hôi bia” đã diễn biến càng ngày càng tệ đi và cuối cùng kết thúc trong bẽ bàng vì sự vô lối và lòng tốt cảm tính từ một đám đông là như thế!

2. Cũng lại là phẫn nộ, mọi người có cảm xúc đó khi xem những hình ảnh trong đoạn clip ghi lại cảnh hành hạ những đứa trẻ, ở ngay tại nơi trông giữ trẻ, bởi chính bàn tay của người làm nhiệm vụ chăm sóc chúng. Không phẫn nộ sao được khi mà các cô bảo mẫu “tra tấn” trẻ với vẻ mặt thư thái đến lạnh lùng. Sự điềm nhiên của hai cô bảo mẫu ở nhà trẻ “chui” Phương Anh (Q. Thủ Đức, TP HCM) ấy cho thấy một sự thật rợn người rằng: Việc tra tấn những đứa trẻ là việc làm thường ngày của hai cô bảo mẫu đó!

Có một đám đông đang nhân danh tình thương, đạo đức để vùi dập hai người đàn bà mà quên rằng mình biến thành kẻ man rợ tự lúc nào! 

Những đứa trẻ bị hành hạ đương nhiên là đáng thương! Nhưng nhân danh tình thương ấy, một đám đông đã trở nên man rợ mà không hề hay biết. Họ gào lên đòi giết, đòi đánh, đòi bêu ra đường để xử lưu động, thậm chí là đòi sửa luật để trừng trị thích đáng hai người đàn bà này!

Và vì hai người đàn bà này vừa hành hạ trẻ, vì coi họ là ác thú nên một đám đông phóng viên đã leo cả lên bàn, chen chút nhau, thậm chí cười nói để chụp hình họ. Khi đó, hai người đàn bà đang trong tình trạng rúm ró dựa tường, không điểm lùi, không gì che chắn.

Và một đám đông khác đồng tình với hình ảnh ấy bởi: mới đáng tội hai mụ ác nhân!

Đám đông nhân danh đạo đức, sự tử tế để mà căm giận việc hai người đàn bà hành hạ những đứa trẻ không thể tự vệ. Nhưng thử hỏi đạo đức và sự tử tế đó ở đâu khi mà chính họ lại đang ra sức vùi dập hai người đàn bà, cũng đang trong tình trạng không còn khả năng tự vệ?!

Không hẳn hai người đàn bà này hay nhữn nhân vật trong các vụ bạo hành trẻ vừa rồi đều là kẻ ác bẩm sinh, bởi nếu thật sự là kẻ ác thì hẳn họ đã thấy vui sau vụ việc đó. Thật ra, họ cũng là nạn nhân đáng thương mà thôi, bởi trong số họ hầu như là những người phải kiếm sống bằng nghề mà bản thân họ không hề được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết. Chẳng có mấy ai trong số họ là bảo mẫu được đào tạo cả! 

Đám đông hẳn có nhiều lý do để vùi dập hai người đàn bà kia. Để răn đe những người bảo mẫu trong các cơ sở mầm non tư thục khác? Hay để xã hội không còn những đứa trẻ bị hành hạ nữa?... Đó cũng là những mong muốn chính đáng!

Song, từ năm 2008, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa đã phải đi tù, đã bị cả xã hội gọi là ác thú nhưng không lâu sau đó lần lượt có bảo mẫu Thị Phụng, Lê Vy, Ngọc Nhờ, Thiên Lý, Đông Phương tiếp nối. Vì sao? Người xưa nói bản thiện chi sơ, cái ác ở mỗi người không tự nhiên sinh ra mà nó phải được thúc đẩy hình thành trong một môi trường cụ thể nào đó. Điển hình đó là môi trường thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà chức trách!

Mới đây, trả lời về vụ trẻ bị hành hạ, bà Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non còn thản nhiên cho rằng: do phụ huynh gửi con “bừa phứa”; rồi lời hứa của Vụ này về việc ban hành Quy chế hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục từ năm 2008 tới nay vẫn chưa thấy tác dụng ở đâu; và câu: “chúng tôi không thể nắm được!” vẫn còn vô tư thốt ra từ các cán bộ địa phương mỗi khi có vụ trẻ bị bạo hành ở một nhà trẻ chui nào đó trong địa phương mình… Như vậy, việc những “bảo mẫu ác nhân”, những vụ “tra tấn” trẻ tiếp diễn sau những thị Lý, thị Phương xem ra cũng là một lẽ đương nhiên mất rồi!

Trúc Vân