Niềm vui cho con trẻ
Năng lượng Mới số 334
Người tiêu dùng lần đầu tiên được hưởng quyền lợi chính đáng của mình và cũng lần đầu tiên người tiêu dùng thấy rõ các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu sữa phải lộ rõ bộ mặt của kẻ “đánh cắp đồ ăn của con trẻ” khi chấp hành mức trần giá sữa. Bởi với mức giá mới, nếu lỗ sẽ không bao giờ họ “chịu” phương án này.
Bớt cảnh đìu hiu
Trái hẳn với thị trường sữa cách đây khoảng một tháng - đìu hiu, vắng vẻ hơn cả chùa Bà Đanh thì nay tấp nập, người ra kẻ vào ở những nơi bán sữa. Có vẻ như sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” để chờ đợi “giờ G sẽ điểm” đối với mặt hàng thiết yếu này, người tiêu dùng như có cơ hội bung ra để mua sản phẩm đúng với giá trị thực của nó. Họ vui mừng, phấn khởi hơn bao giờ hết. Tại phố Sơn Tây quận Ba Đình, Hà Nội, nơi bán nhiều loại sữa bột dành cho trẻ em, từ ngoài vào đến bên trong các cửa hàng, nhộn nhịp khách hàng mua sữa với số lượng ít nhất là một hộp, nhiều nhất là cả thùng, đến nỗi chủ cửa hàng thu tiền không kịp.
Chị Nguyễn Thu Hà, nhà ở phố Kim Mã, đang nuôi con nhỏ 14 tháng tuổi hồ hởi tâm sự: “Trước đây (khi chưa áp giá trần) mỗi khi mua sữa, điều làm tôi cân nhắc hơn cả là giá tiền. Vì giá sữa thì cao, thu nhập của tôi lại có hạn nên nếu mua loại đắt tiền, tôi không có khả năng. Còn chất lượng sữa hiện giờ theo tôi tương đương nhau nên không phải băn khoăn về việc “tiền nào của nấy”, quan trọng là sữa nào hợp với con mình. Thế nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, tôi vẫn ưu tiên giá cả hơn. Bây giờ giá sữa giảm đến gần 200 nghìn đồng/hộp thế này (loại Enfagrow A+ nặng 1,8kg) thì tốt cho chúng tôi và cả con chúng tôi quá”.
Chị Nguyễn Minh Thu, ở phố Tây Sơn, khách hàng quen thuộc của cửa hàng Nghi Nga, chuyên kinh doanh các loại sữa bột lớn nhất phố này cũng không giấu nổi niềm vui khi mua sữa với giá mới giảm đến hơn 20% so với giá cũ. Chị bảo không ngờ thị trường sữa lại có ngày này. Nếu như trước đây, con chị mỗi tháng phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền sữa thì nay số tiền ấy sẽ chưa đến 2 triệu đồng, “đỡ” bao nhiêu cho người có thu nhập hạn hẹp như chị và nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay, giảm được chi phí nào hay chi phí ấy.
Khách hàng mua sữa tại siêu thị
Không chỉ khách hàng mà chủ các cửa hàng kinh doanh sữa cũng vui mừng khi giá sữa giảm. Bởi cửa hàng của họ sẽ không còn cảnh vắng hiu hắt, sữa chất đống đến nỗi bụi bám đầy mà không có ai động vào. Tiền vì thế mà cũng tồn đọng không lưu thông… Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh sữa bột ở 150 Ngọc Hà phấn khởi nói: “Từ đầu năm (tức là thời điểm tăng giá sữa) đến trước thời điểm này khoảng 1 tháng, kinh doanh sữa phải nói là ế ẩm chưa từng thấy đến mức tôi không dám nhập nhiều hàng về, chỉ áng chừng đủ cho khách hàng thường xuyên, nhất là đối với những mặt hàng tăng giá vùn vụt. Doanh thu giảm hẳn một nửa so với mọi năm. Kể từ hôm áp trần giá sữa, người mua quay trở lại nhiều hơn, họ chọn loại phù hợp với con mà không phải “nhấc lên đặt xuống” nhiều vì giá. Họ mua liền mấy hộp thay vì chỉ duy nhất 1 hộp như trước đây. Lần đầu tiên kể từ ngày kinh doanh sữa, tôi thấy họ hào hứng khi mua sản phẩm như vậy”.
Nếu lấy ngày bắt đầu thực hiện áp trần giá sữa bán buôn và bán lẻ (chỉ cách nhau khoảng 10 ngày) làm “mốc” thì từ hôm đó đến nay, các loại sữa bột có mặt trên thị trường đều đồng loạt giảm giá và giảm đáng kể. Cụ thể sữa Enfamil A+1 loại 400g có mức giá cũ là 271 nghìn đồng/hộp, nay chỉ còn 215 nghìn đồng/hộp, tức là giảm 21%; Sữa Enfagrow A+3 vanilla, loại 1.800g giá cũ gần 700 nghìn đồng/hộp, giá mới niêm yết chỉ còn 647 nghìn đồng/hộp, như vậy giảm 23%; Sữa Enfamil A+1 loại 400g giảm xuống 21%, còn lại là 215 nghìn đồng/hộp; Sữa Imp Friso Gold 3 loại 1.500g có giá mới là 618 nghìn đồng/hộp thay vì 694 nghìn đồng/hộp như trước đây; Sữa Dielac Alpha Step 2 HT loại 900g giảm 19%, tức từ 220 nghìn đồng/hộp xuống còn 194 nghìn đồng/hộp…
Có “áp” có hơn
Theo thông báo của Bộ Tài chính, đúng ngày 21/6 vừa qua, đã có 181 sản phẩm của 7 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm mạnh, trong đó có sản phẩm 5 doanh nghiệp bị thanh tra là Công ty TNHH Tiên Tiến, chuyên phân phối các sản phẩm sữa của Mead Johnson, Công ty CP Dinh dưỡng 3A, nhà phân phối độc quyền sản phẩm Abbott, Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Công ty Friesland Campina Việt Nam…
Và sản phẩm của Công ty 3A được coi là có giá khuyến nghị là cao nhất khi ở mức 727 nghìn đồng/hộp đối với giá bán lẻ sản phẩm Similac GainPlus IQ loại 1700g và giá bán buôn là 692 nghìn đồng. Tiếp đến là sản phẩm Baby’s Only Organic loại 900g của Công ty CP TM&PT Organic Việt Nam khuyến nghị giá bán lẻ 710 nghìn đồng/hộp loại 900g dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, giá bán buôn 621 nghìn đồng/hộp…
Các sản phẩm của Vinamilk được xem là có giá khuyến nghị thấp nhất trong số các sản phẩm khi với mặt hàng sữa như Optimum Step1 HT loại 900g có giá bán lẻ chỉ khoảng 375 nghìn đồng/hộp và Dielac Alpha 123 HG loại hộp giấy 400g chỉ có giá 76 nghìn đồng/hộp, chỉ vượt 6% so với giá bán buôn trong khi mức cho phép tối đa là 15%.
Thông tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính còn cho thấy, mặc dù mức giá bán lẻ được quy định không vượt quá 15% giá bán buôn nhưng nhìn chung sản phẩm của các công ty phân phối chỉ vượt ở mức 5-12%. Như vậy, trái hẳn với phản kháng ban đầu của các doanh nghiệp khi cho rằng, với mức trần mà các sản phẩm của họ bị áp sẽ không thể thực hiện được do không đủ so với vốn bỏ ra… Thậm chí, có doanh nghiệp còn tuyên bố với công thức tính giá trần như vậy thì chỉ có “nước” không kinh doanh loại mặt hàng sữa nữa.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã lại cho thấy động thái khác của các doanh nghiệp - giảm giá sản phẩm như đã nói, lại còn thấp hơn mức giá trần mà Bộ Tài chính đã đưa ra. Điều đó có nghĩa là họ phải thừa nhận giá của họ trước đây khi chưa áp giá trần là vô lý, nhất là giá bán lẻ. Việc tăng giá vô tội vạ trong những năm qua lại càng vô lý hơn, không khác nào hành động móc túi của khách hàng và đánh cắp đồ ăn của con trẻ. Mặc dù để có sự thừa nhận này, Bộ Tài chính cũng đã phải tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp với sự tham gia của đại diện quốc tế như ông Jean Jacques Bouflet, Phó đại sứ Liên minh châu Âu tại Hà Nội và đại diện thương mại của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Đúng là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa đã đẩy mình vào tình cảnh: “Thân lừa ưa nặng”!
Để các doanh nghiệp thực hiện áp trần giá sữa đã khó. Để duy trì việc này nhằm ổn định thị trường càng khó hơn, đặc biệt là đối với thị trường bán lẻ do công tác kiểm tra, kiểm soát giá trên thị trường đòi hỏi phải chặt chẽ. Trong khi khó khăn lớn nhất là mạng lưới bán lẻ với hàng nghìn đại lý, cửa hàng ở khắp nơi trên toàn quốc, lại chằng chịt dưới nhiều hình thức kinh doanh. Đã vậy, lực lượng thanh kiểm tra lại mỏng… Nói chung, bình ổn thị trường giá sữa về lâu dài vẫn là một bài toán nan giải. Ngay cả việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa như hiện nay, cũng chưa phải là kế hoạch dài hơi mà chỉ được Bộ Tài chính xác định trước mắt thực hiện trong 1 năm. Sau đó, sẽ dừng nếu thị trường lành mạnh, tăng giá đầu vào của giá thành sản phẩm sữa hợp lý, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu quản lý giá… Như vậy, niềm vui của người tiêu dùng dường như chưa được khẳng định dài lâu…
Nguyễn Bách
-
Không quân Việt Nam chuẩn bị khai thác dòng máy bay huấn luyện mới
-
[Chùm ảnh] Lớp tập huấn nghiệp vụ cho chủ tịch công đoàn cơ sở tham quan cảng Vietsovpetro
-
[PetroTimesTV] Cảm xúc kỳ bảo dưỡng
-
“Mùa xuân và người lính biển” - cảm xúc đong đầy của người dầu khí
-
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau