Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những kẻ "ăn chặn" của con trẻ

07:00 | 31/05/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Bộ Tài chính quyết định áp giá trần cho 25 sản phẩm sữa bột của 5 doanh nghiệp, chiếm tới 90% thị phần, bắt đầu từ ngày 1/6 tới thì phản ứng đầu tiên của các doanh nghiệp này là phản đối. Và điều này cũng được đoán trước. Thế nhưng để đối phó với việc áp giá trần này cũng như một số quy định khác của các cơ quan chức năng, trước đó, các doanh nghiệp sữa đã bằng mọi cách để tăng giá, dù đó là cách có thể coi là “hạ đẳng” nhất như “rút ruột” nhưng vẫn giữ nguyên giá bán. Nói chung vẫn là thói quen “móc túi” người tiêu dùng, “ăn chặn” của con trẻ mà các doanh nghiệp sữa không muốn từ bỏ

Năng lượng Mới số 326

Tăng giá hay giữ giá?

Thị trường sữa trong những ngày này ảm đạm chưa từng thấy. Bởi từ cuối năm ngoái, khi các doanh nghiệp lớn ngấm ngầm tăng giá một số sản phẩm sữa của mình thì người tiêu dùng đã chán ngấy cái cảnh lúc nào cũng phải gồng mình chạy theo các hãng để mua sữa cho con nên đã đổi sang các “tên tuổi” khác vừa có giá cả ổn định vừa bảo đảm chất lượng. Chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở 150 Ngọc Hà, Hà Nội nói: “Việc giá sữa lúc nào cũng tăng mà chẳng thấy giảm đã khiến người tiêu dùng mệt mỏi không muốn mua những loại sữa bấp bênh ấy nữa, kể cả đó là loại từ trước tới nay vẫn được coi là “đầu bảng” về chất lượng”.

Còn chủ cửa hàng sữa lớn nhất ở phố Đội Cấn thì vừa lắc đầu vừa than phiền: “Hàng bán chậm lắm, giảm gần một nửa so với năm ngoái. Bây giờ một số hãng lại còn tăng giá bán bằng cách giảm trọng lượng nhưng giữ nguyên giá thì hàng còn tồn đọng nữa. Chưa kể tới đây áp giá trần, không biết thế nào. Nói chung chỉ “chết” người bán hàng như chúng tôi”.

Một quầy bán sữa trong siêu thị tại Hà Nội

Và xem giá niêm yết cũng như trọng lượng sản phẩm, chúng tôi thấy Pediasure B/A loại hộp 900g của Abbott trước đây được thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ cho người tiêu dùng là 610.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold loại 900g cũng thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850g, giá bán duy trì ở mức 715.000 đồng/hộp. Nếu theo tính toán thì sản phẩm này thay vì giữ giá lại tăng gần 40.000 đồng/hộp. Còn hãng sữa Mead Johnson thì công khai hơn khi tăng giá 5-7% với lý do thay đổi mẫu mã sản phẩm: như Enfa A+ loại 1,8kg mới sẽ tăng lên 850.000 đồng/hộp, giá cũ là 805.000 đồng/hộp. Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus và bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội như vậy thì thực chất là các hãng sữa đã tăng giá chứ không phải giá bán không đổi.

Thực ra, nếu việc tăng giá sữa nói một cách công bằng nếu vì những lý do chính đáng sẽ không có gì phải bàn. Nhưng đằng này, các doanh nghiệp đưa ra những “căn cứ” rất vô lối kiểu như nguyên liệu đầu vào tăng, thuế, phí tăng… Mà sự thật không phải vậy, trong khi giá thế giới tăng 1 thì ở Việt Nam, cũng với loại sữa đó, nó đã gấp 2 và tất nhiên, vì thế giá sữa sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn rất nhiều.

Ví như đợt tăng giá tháng 10/2013, để mở đường cho quyết định này, các hàng sữa liên tục lên tiếng kêu rằng nguyên liệu đầu vào tăng, xăng dầu tăng… Tuy nhiên, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho thấy, giá sữa bột nguyên liệu trên thế giới không tăng, giá sữa tươi trên thị trường thậm chí còn giảm nhẹ, vậy mà không những giá sữa không giảm chút nào mà chỉ có tăng là điều vô lý.

Mưu ma chước quỷ

Hay như chuyện các doanh doanh nghiệp liên tục kêu lỗ, rằng không tăng giá thì sẽ thế này, thế kia… nhưng rồi, lợi nhuận mà họ thu về vẫn quá khủng, lên tới 20-30% như năm 2013 (báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 4). Và rồi, chỉ với hơn 90 triệu người, thị trường sữa Việt Nam vẫn thu hút hơn 200 hãng sữa cả trong và ngoài nước tham gia…

Tất cả những điều đó cho thấy, chuyện viện lý do này, lý do kia để tăng giá sữa là vì thị trường sữa Việt Nam thiếu minh bạch!

Theo thống kê, chỉ riêng việc tăng giá tới 7 lần trong năm 2013 và tới 30 lần trong 3 năm gần đây, trong đó có không ít lần bất chấp chỉ đạo của cơ quan chức năng yêu cầu không được tăng giá sữa. Đây chính là sự coi thường pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh sữa.

Chẳng đâu xa, mới tháng 3 vừa rồi, bất chấp yêu cầu của Bộ Tài chính không được tăng giá các mặt hàng sữa khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, hơn 90% nhãn sữa dành cho trẻ em vẫn được điều chỉnh tăng giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã thẳng thắn cho rằng, thái độ của doanh nghiệp như vậy là coi thường văn bản của Cục Quản lý giá.

Coi thường các quy định, yêu cầu của cơ quan chức năng… dường như đã trở thành chuyện có tính “bản chất” của các doanh nghiệp sữa khi mới đây, sau khi Bộ Tài chính ra quy định về việc áp trần giá sữa với 25 mặt hàng sữa và lấy giá của 25 mặt hàng sữa này làm giá cơ sở cho các mặt hàng sữa khác trên thị trường, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa đã tự ý rút trọng lượng sữa/lon (hộp) mà vẫn giữ nguyên giá bán.

Ví như sản phẩm PediaSure BA dành cho trẻ, Ensure Gold dành cho người già của Abbott chẳng hạn, trọng lượng đã bị giảm từ 900g xuống còn 850g, nhưng giá bán lại không thay đổi. Và theo tính toán, với “thủ đoạn” này, tính ra, giá mỗi hộp sữa đã tăng thêm 40.000 đồng/hộp (tăng khoảng 5% so với trước).

Trả lời những băn khoăn về hiện tượng này, một chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thông tin, việc điều chỉnh trọng lượng sữa/lon (hộp) là cho phù hợp với mẫu mã chung của hãng tại các nước khác. Nhưng rõ ràng, cái lý này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là nó lại rơi vào đúng thời điểm quy định áp trần giá sữa sắp có hiệu lực (theo quyết định của Bộ Tài chính, việc áp trần giá sữa sẽ thực hiện từ ngày 1/6/2014). Dư luận xã hội vì thế càng tin rằng, đây là “chiêu trò” lách luật mới và càng thể hiện rõ sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh sữa.

Đó là câu chuyện mang vấn đề pháp lý, còn xét dưới góc độ đạo đức, văn hóa doanh nghiệp thì những hành vi như trên cũng không thể chấp nhận được, thể hiện sự vô cảm của các doanh nghiệp sữa với người tiêu dùng.

Đành rằng, đã là doanh nghiệp, đã tham gia thương trường thì ai mà chẳng muốn thu về thật nhiều lợi nhuận nhưng trong kinh doanh, ngoài mục tiêu đó ra còn có vấn đề đạo đức, văn hóa của người làm kinh doanh, còn có cả yếu tố lợi ích của người tiêu dùng. Có thể vì những quy định pháp luật về mặt hàng này còn có lỗ hổng, có thể việc thực hiện chức năng quản lý giá mặt hàng sữa còn chưa nghiêm… nhưng không thể vì thế doanh nghiệp sữa có thể tự tung, tự tác. Thử hỏi, trước khi tăng giá bán các mặt hàng sữa, đã có doanh nghiệp kinh doanh sữa nào đặt câu hỏi, giá sữa tăng sẽ tác động tới cuộc sống của người dân hay chưa? Hay họ chỉ nghĩ đến mình, đến túi tiền của mình mà bất chấp tất cả. Hay họ chỉ biết, vì tình yêu cho con trẻ nên dù giá sữa có tăng thế, tăng nữa, tăng vô lý đến mấy thì các bậc cha mẹ, phụ huynh vẫn phải chấp nhận, phải “ngậm đắng nuốt cay”, bớt ăn, bớt tiêu, tiết kiệm từng đồng tiền sinh hoạt hằng ngày để bù vào khoản tiền mua sữa cho con uống hằng tháng…

Đáp án cho những câu hỏi trên có lẽ chẳng cần nói thì ai cũng thấy rõ, từ việc tăng giá sữa vô lý, coi thường các quy định của pháp luật, rồi đến việc “chống đối” của quyết định của cơ quan chức năng về việc áp trần giá sữa, rút ruột trong lượng sữa/lon (hộp)... tất cả chỉ phục vụ lợi ích cho các hãng sữa. Họ không chỉ đang móc túi người tiêu dùng và “ăn tranh” cả sữa của con trẻ.

Và vì vậy, họ chính là những kẻ thất đức nhất Việt Nam khi đã và đang sống, trục lợi dựa trên tình thương của các bậc cha mẹ, phụ huynh dành cho con cái!.

Anh Ngọc