Những việc ngành y tế Hà Nội cần làm ngay trong thời gian "siết" giãn cách
Hà Nội cơ bản kiểm soát tình hình nhưng nguy cơ vẫn rất cao
Một khu vực bị phong tỏa liên quan ca Covid-19 tại Hà Nội. |
Tính từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 261 trường hợp, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 181 trường hợp.
Từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 183 trường hợp F0, đáng chú ý là 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 có số F0 khá cao là: 90 Nguyễn Khuyến (34 F0), B8 Tân Mai (16 F0) và 132 Bùi Thị Xuân (14 F0).
"Tình hình của Hà Nội hiện tại vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, không được chủ quan vì đây vẫn là địa bàn có nguy cơ rất cao", đó là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với Dân trí vào sáng nay (19/7).
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. |
Theo PGS Phu, vừa qua Hà Nội xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và cả các khu công nghiệp. Đáng chú ý, gần đây tiếp tục xuất hiện thêm một số ổ dịch chưa xác định nguồn lây. Hà Nội có mật độ dân số cao, người dân đi lại nhiều, có nhiều trường hợp về từ vùng dịch, đặc biệt là người về từ TPHCM do đó đây vẫn là một địa bàn có nguy cơ dịch rất cao.
Công điện 15 được ban hành kịp thời
Trong bối cảnh trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, rải rác ở nhiều quận huyện, đặc biệt nhiều chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Công điện 15, "siết chặt" các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. Nội dung công điện yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…
Nhiều chốt kiểm soát gồm lực lượng công an, tự quản, dân quân và y tế được bố trí trên khắp các khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm với mục đích nhắc nhở người dân thực hiện tốt công điện mới được áp dụng, không ra đường khi không có việc cần thiết. |
PGS Phu nhận định: "Công điện 15 được Hà Nội ban hành rất kịp thời, trong tình hình hiện tại, hướng đến mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo được sản xuất, kinh tế và an sinh xã hội của người dân".
Theo ông, trong lúc này người dân Hà Nội cần tuyệt đối tuân thủ các quy định trong công điện. Bên cạnh đó, thực hiện tốt khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế vì đây là yếu tố quan trọng giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
"Thực tế vừa qua chúng ta có thể thấy nhờ thực hiện tốt 5K mà nhiều trường hợp không phát hiện được nguồn lây nhưng sau đó cũng không lây lan cho người tiếp xúc gần và dịch không bùng mạnh lên. Qua đó, có thể thấy tầm quan trọng của 5K", PGS Phu phân tích.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào lúc 19h ngày 18/7, tại một trung tâm thương mại trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), rất đông người dân đã đổ đến đây để mua hàng. |
Cũng theo ông, trong lúc thành phố siết chặt thêm các biện pháp giãn cách, người dân không nên quá lo lắng và đổ xô đi mua sắm nhu yếu phẩm, để làm hình thành các đám đông gây lây lan dịch bệnh.
Hà Nội tăng gấp 3 lượng hàng thiết yếu, người dân không cần tích trữ
Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường. Dự kiến, lượng hàng hóa chuẩn bị trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.
Nhiều quầy hàng ở các siêu thị vẫn đầy ắp, đảm bảo cung ứng cho người dân. |
Trao đổi với báo chí sáng 19/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Thành phố cũng đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Những việc ngành y tế Hà Nội cần làm ngay trong thời gian "siết" giãn cách
Theo PGS Phu, trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách theo Công điện 15, Hà Nội cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên quan trọng để kiểm soát dịch:
Nhanh chóng thực hiện các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch khi phát hiện các ổ dịch mới.
Tình hình dịch hiện nay của Hà Nội vẫn có thể và cần tiếp tục làm xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng nhưng có chỉ định vừa để phát hiện ổ dịch vừa để đánh giá mức độ nguy cơ của tình hình dịch trên địa bàn để có đáp ứng kịp thời. Đặc biệt, công tác phát hiện ca bệnh ở tuyến cơ sở là rất trọng. Theo PGS Phu, trong lúc này Hà Nội phải giám sát hết tất các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, đau họng ngay từ cộng đồng, đây là ca chỉ điểm hết sức quan trọng để phát hiện ổ dịch mới. Chuyên gia này cũng đề nghị xét nghiệm diện rộng nhưng không xét nghiệm tràn lan mà theo chỉ định dịch tễ.
PGS Phu cho hay: "Hà Nội cần xét nghiệm cho tất cả các trường hợp bị sốt, ho, đau họng. Có thể thấy vừa qua, chính nhờ những trường hợp có triệu chứng này mà chúng ta phát hiện được các ổ dịch. Tôi cũng mong rằng, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải khai báo y tế để được xét nghiệm ngay. Tránh tự đi mua thuốc về điều trị, sau đó không khỏi lại đến cơ sở y tế, việc này có thể làm chậm sự phát hiện và dịch bị lây lan nhanh ra diện rộng".
Theo PGS Phu, Hà Nội cần rà soát, xét nghiệm cho những trường hợp bị ho, sốt hoặc đi về từ vùng dịch trên địa bàn. |
Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát và xét nghiệm triệt để các đối tượng có yếu tố dịch tễ, đi về từ vùng dịch.
Nhiệm vụ tiếp theo là cần tổ chức tập huấn cho lực lượng chống dịch, chuẩn bị 4 tại chỗ, từ vấn đề dự phòng, điều trị cho đến xét nghiệm, để khi dịch bùng phát mạnh hơn có đủ năng lực để chống dịch.
Cuối cùng, khi tiếp cận được nguồn vắc xin cần nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho người dân trên địa bàn. Bởi vắc xin là giải pháp căn cơ để chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Theo Dân trí
dantri.com.vn
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn