Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những vấn đề "nóng" nhất trên thị trường tài chính – ngân hàng năm 2012

11:10 | 09/02/2013

1,760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nợ xấu, vi phạm pháp luật, tái cơ cấu, lãi suất,... và đặc biệt là những chính sách đối với thị trường vàng là những vấn đề lớn của lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

 

Ngành ngân hàng đã trải qua một năm không mấy... vui vẻ!

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong năm 2012 là 8,91% và đây là mức tăng thấp nhất từ năm 1992 đến nay.

Theo lý giải của giới chuyên gia thì việc tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu yếu, khả năng tiêu thụ sản phẩm khó khăn, hàng tồn kho cao nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn; các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng nhằm ngăn chặn nợ xấu…

Ngoài ra, dư nợ bất động sản lên tới 1,5 triệu đồng (chiếm khoảng ½ tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng).

Nợ xấu tăng vọt

Có thể khẳng định ngay đây là vấn đề “nóng” nhất, nổi bật nhất và thực tế đã trở thành chủ đề bàn thảo, là bài toán nan giải nhất mà nền kinh tế đang phải đối diện. Thách thức này còn đến từ những khó khăn mà các ngành, các lĩnh vực sản xuất đã phải đối diện trong năm 2012 như tồn kho, sản xuất, kinh doanh đình trệ, bất động sản đóng băng,..

Theo thống kê mới nhất thì mức tăng nợ xấu trong năm 2012 lên tới 64% so với với cùng kỳ năm 2011. Và theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 là 8,82% trên tổng dư nợ và ước cả năm vào khoảng 8,5% - 10%.

Đáng chú ý, nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai chiếm đến hơn 70% tổng nợ xấu.

Đặc biệt, nợ xấu lại tập trung chủ yếu ở nhóm các ngân hàng thương mại với 95,5% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong nước (NHTM Nhà nước chiếm 50,5%).

Lợi nhuận của ngành ngân hàng sụt giảm tới 40%

Khó khăn chung của nền kinh tế cũng đẩy lợi nhuận của các ngân hàng giảm mạnh trong năm 2012, thậm chí có nhiều tổ chức tín dụng lâm vào cảnh thua lỗ.

Báo cáo tài chính 9 tháng của một loạt các tổ chức tín dụng cho thấy, lợi nhuận đã giảm trung bình 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt trong quý 3 có một số ngân hàng lỗ nặng như ACB, SHB.

Còn theo nguồn tin từ Thanh tra NHNN, trong năm 2012 đã thanh tra 32 TCTD. Có một số ngân hàng báo lãi, nhưng sau khi thanh tra lại thành lỗ, âm vốn điều lệ như Navibank, Habubank, TienPhongBank, GP.Bank, WesternBank, TrustBank.

Lãi suất giảm 3-8%

Trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, năm 2012, nền kinh tế cũng chứng kiến những nỗ lực rất đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng qua việc giảm lãi suất cơ bản tới 6% so với cuối năm 2011, từ mức trần 14%/năm xuống 8%/năm.

Các mức lãi suất điều hành khác cũng giảm mạnh. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống còn 7%/năm trong khi lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 9%/năm.

Lãi suất cho vay giảm mạnh từ 3 – 8%/năm. Lãi suất cao nhất chỉ còn 15%/năm.

Độc quyền vàng miếng

Là một trong những câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội trong năm 2012, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng Quốc gia đã và đang gây lên khá nhiều ý kiến trái chiều, đồng thuận có và phản đối cũng có. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là thị trường vàng trong nước đã ổn định hơn, không còn những “cơn sốt” “chụp giật” như thời gian trước đó.

Đó có thể xem là cái được của quyết định độc quyền vàng miếng nhưng việc mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 3 triệu đồng/lượng là điều mà không ít chuyên gia đang đặt ra câu hỏi.

Cũng trong năm 2012, giá vàng trong nước tăng 4,6 triệu đồng/lượng (tăng 10%) trong khi vàng thế giới tăng chưa đến 7%.

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém

Đây có thể xem là vấn đề nổi bật của ngành tài chính – ngân hàng trong năm 2012 và đặc biệt sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013.

Trong số 9 ngân hàng thuộc diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu thì đã có 3 ngân hàng hợp nhất trong năm 2011 là SCB - Đệ Nhất - Tín Nghĩa. Và đến năm 2012 thì có thêm một vụ sáp nhập thành công là Habubank - SHB vào ngày 28/8.

Ngoài ra, Ngân hàng TienPhongBank cũng đã tự tái cơ cấu thành công hồi tháng 6 sau khi Tập đoàn DOJI chi tiền mua lại 20% cổ phần.

Như vậy, đến cuối năm 2012, vẫn còn 4 ngân hàng là Navibank, GPBank, TrustBank, WesternBank chưa công khai phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, NHNN cho biết chỉ còn 1 ngân hàng nữa chưa có phương án tái cơ cấu.

Đổi chủ ngân hàng

"Bầu" Kiên và Lý Xuân Hải - câu chuyện được đánh giá là "Hot" nhất năm 2012.

Không nóng như nợ xấu, cũng không chấn động như các thương vụ mua bán – sáp nhập nhưng đây cũng lại là câu chuyện gây lên nhiều bất ngờ nhất trong năm 2012.

Đầu tiên phải kể đến trường hợp của Sacombank, ngân hàng này đã thay đổi gần như toàn bộ Hội đồng Quản trị, trong đó có sự hiện diện của 4 thành viên đến từ Ngân hàng Phương Nam. Ban Giám đốc cũng có tới 12 sự thay đổi và đáng chú ý nhất là việc ông Đặng Văn Thành - người từng có gần 20 năm gắn bó với Sacombank (người luôn được gắn với những thành công của Sacombank) đã nhường ghế cho ông Phan Huy Khang - một nhân vật còn khá lạ lẫm với nhiều người.

Còn tại TienPhongBank, sau khi gia đình họ Đỗ mua lại 20% cổ phần của ngân hàng và trở thành cổ đông lớn thì ông Đỗ Minh Phú-Chủ tịch DOJI cũng lên làm Chủ tịch TienPhongBank. Phó Chủ tịch ngân hàng hiện là em trai Đỗ Anh Tú.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng thay đổi cơ cấu cổ đông lớn như Vietcombank bán 15% cổ phần cho Mizuho của Nhật thu về 11.800 tỷ đồng, Vietinbank bán 20% cổ phần cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ thu về 15.465 tỷ đồng, ACB thoái vốn khỏi Eximbank và KienLongBank thu về 4.500 tỷ đồng…

Vi phạm pháp luật

Thị trường tài chính – ngân hàng năm 2012 cũng đã chứng kiến một loạt các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của không ít cán bộ ngan hàng được phành phui, khởi tố.

Điển hình nhất phải kể đế vnụ vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro của ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, cùng đồng phạm. Vụ án đã kết thúc điều tra với 17 bị can bị khởi tố.

Ngoài ra còn có những cái tên như Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là “bầu” Kiên), ông Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch ACB, ông Phạm Thanh Tân – nguyên Tổng giám đốc Agribank,...

Thanh Ngọc