Những tàn quân Đức không chịu buông súng sau Thế chiến II
Ngày 8/5/1945, Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh, đặt dấu chấm hết cho Thế chiến II. Tuy nhiên, hòa bình vẫn chưa được lập lại ở châu Âu. Tốc độ tiến quân nhanh và chiến trường rộng lớn khiến quân Đồng minh bỏ sót nhiều đơn vị Đức.
Những tàn quân này không chịu buông súng mà vẫn tiếp tục chiến đấu nhiều tháng sau khi chính phủ Đức Quốc xã đầu hàng, khiến quân Đồng minh tiếp tục hứng chịu thương vong, dù cuộc chiến trên danh nghĩa đã kết thúc.
Thành phố Dessau, phía đông nước Đức là nơi lực lượng Liên Xô và các nước phương Tây chưa hợp quân, tạo điều kiện cho lực lượng lớn của Đức tiếp tục hoạt động. Xa hơn về phía bắc, một số nhóm lính SS cũng chiếm đóng khu rừng quanh thị trấn Bad Segeberg, cố thủ trong công sự và quyết không chịu đầu hàng quân Đồng minh.
Quân Đồng minh tấn công một cứ điểm của Đức năm 1944. Ảnh: National Interest. |
Đô đốc Karl Dönitz, người đứng đầu nhà nước Đức sau khi Adolf Hitler tự sát, đã ra lệnh cho nhóm quân này đầu hàng nhưng không thành. Ông quyết định điều Sư đoàn dù số 8 của Đức đến Bad Segeberg để hỗ trợ Sư đoàn thiết giáp số 11 của Anh đánh bại nhóm tàn quân vào đầu tháng 5/1945.
Một trận đánh đẫm máu kéo dài nhiều ngày đã nổ ra giữa lính dù Đức - Anh với tàn quân SS, cho tới khi nhóm cố thủ chấp nhận đầu hàng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất tàn quân Đức không chịu buông vũ khí sau khi chiến tranh kết thúc. Hòn đảo Texel yên bình của Hà Lan lại là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng ở châu Âu trong Thế chiến II.
Đảo Texel là nơi đóng quân của tiểu đoàn bộ binh 82 với thành phần gồm 800 lính gốc Gruzia và khoảng 400 sĩ quan, binh sĩ Đức. Những người lính Gruzia này ban đầu chiến đấu cho Hồng Quân, nhưng sau đó bị bắt làm tù binh và chấp nhận gia nhập quân đội Đức.
Cuối tháng 4/1945, khi biết tin quân đội Canada chuẩn bị tiến vào Hà Lan, trung úy Sjalwas Loladze, một phi công Gruzia, đã thuyết phục các đồng đội nổi dậy chống lại quân Đức. Loladze lên kế hoạch đánh úp quân Đức và giữ đảo Texel cho đến khi quân Canada đến tiếp quản.
Các tù binh Gruzia tổ chức nổi dậy trong đêm, bắn chết 250 lính Đức và bắt sống số còn lại. Tuy nhiên, thiếu tá Klaus Breitner, chỉ huy tiểu đoàn 82, đã trốn thoát và ép một ngư dân đưa về cảng Den Helder gần đó để báo lên cấp trên. Quân Đức triển khai 3 tiểu đoàn với 3.500 binh sĩ dưới sự chỉ huy của Breitner nhằm chiếm lại đảo Texel.
Quân Đức đã tàn sát lính Gruzia và cả dân thường trên đảo đã che chở cho họ. Ngay cả khi Đức Quốc xã đã đầu hàng vào tháng 5/1945, đội quân của thiếu tá Breitner vẫn tiếp tục tàn sát phe nổi dậy.
Khi quân Canada đổ bộ lên đảo vào ngày 20/5/1945 để giải giáp quân Đức, khoảng 800 lính Đức, 550 lính Gruzia và hơn 100 dân địa phương đã thiệt mạng.
Căn cứ hải quân Đức ở Lorient bên bờ biển Pháp cũng kháng lệnh đầu hàng của đô đốc Dönitz. Năm 1944, tướng Mỹ George S. Patton từng định chiếm căn cứ này, nhưng các trận đánh tại Brest và cảng Breton khiến lực lượng của ông chịu thiệt hại nặng và phải hủy kế hoạch.
Chỉ huy căn cứ này là tướng Wilhelm Fahrmbacher, người từng được trao huân chương Chữ thập Hiệp sĩ khi chiến đấu ở mặt trận phía đông. Lực lượng Đức luôn được tàu ngầm và máy bay tiếp tế, bất chấp vòng vây xung quanh. Họ cũng nhiều lần tấn công vào sâu trong lãnh thổ do phe Đồng minh kiểm soát để mua thêm lương thực từ nông dân địa phương. Liên quân Pháp - Mỹ nhiều lần tổ chức tấn công dứt điểm nhưng đều thất bại.
Khi lương thực cạn kiệt, chỉ huy Đức ra lệnh trộn bột mỳ với mùn cưa để làm bánh. Tình thế ngày càng tuyệt vọng sau khi chính phủ Đức đầu hàng, tới mức mùn cưa cũng không đủ để làm thực phẩm. Tướng Fahrmbacher chỉ chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 10/5/1945, hai ngày sau khi Thế chiến II kết thúc.
Quân Đức từng đưa nhiều nhóm chuyên gia đến Bắc Cực từ năm 1940 để nghiên cứu và cập nhật tình hình thời tiết. Họ thường xuyên báo cáo để bộ chỉ huy Đức lập kế hoạch tác chiến, bất chấp lực lượng Đồng minh thường xuyên truy tìm.
Trung úy Wilhelm Dege, ngươi chỉ huy đơn vị Đức tại Bắc Cực. Ảnh: Eckbar Dege. |
Năm 1944, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi trung úy Wilhelm Dege đặt chân lên Bắc Cực. Các thông tin họ gửi về giúp Hitler bớt lo lắng trước những trận không kích của phe Đồng minh và lập kế hoạch phản công tại rừng Ardennes.
Nhóm của tiến sĩ Dege vẫn tiếp tục hoạt động tại Bắc Cực dù Hitler đã tự sát ngày 30/4/1945. Họ chỉ quyết định đầu hàng vào ngày 22/5, thời điểm chính phủ dưới quyền đô đốc Dönitz bị bắt và không còn ai để báo cáo. Ngày 3/9/1945, nhóm của Dege bắt liên lạc với quân Đồng minh, trở thành những lính Đức cuối cùng hạ vũ khí trong Thế chiến II.
Theo VNE
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Bản tin Năng lượng xanh: Cổ phiếu GE Vernova sụt giảm sau sự cố hỏng cánh tuabin tại trang trại gió ngoài khơi nước Anh
-
Bản tin Năng lượng xanh: Ý cắt giảm các thủ tục quan liêu về năng lượng xanh, kiểm soát các nhà máy bất hợp pháp
-
Bản tin Năng lượng xanh: Bồ Đào Nha có kế hoạch nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện lên 93% vào năm 2030
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng