Những phận đời hoàn lương nhọc nhằn mà thanh thản
Chiều trên xóm hoàn lương
Con đường mùa khô ngai ngái bụi đất đỏ ở một nơi từng được coi là có nhiều trọng phạm nhất cả nước dẫn chúng tôi đến những phận đời đặc biệt ấy. Tôi đã từng đến thăm "Thung lũng hoàn lương" bên dòng sông Cu Đê (Đà Nẵng) dịu dàng chảy, bây giờ lại vô tình được biết đến những phận đời hoàn lương trên xứ cao nguyên mà như người ta bảo đặc sản chỉ có “nắng, gió, và muỗi đốt” này.
Ngày trước, người lên vùng kinh tế mới ở hai xã H'ra, Ayun và thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang (Gia Lai) chỉ bám núi, rồi men theo lối cũ về xuôi, đi miết thành lối, thành đường. Tôi biết, đã có không ít “xóm hoàn lương” thế này nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên cả nước. Những con người đã thức tỉnh này muốn quên đi quá khứ, và quan trọng hơn là xã hội đã không quên họ, không xa lánh mà ngược lại giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Giờ đây, về những xóm nhỏ bên bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, bạt ngàn thông reo vi vu, người ta không còn có cảm giác đây là nơi cư trú của những con người tội lỗi mà nó là những xóm nhỏ hiền lành với những cư dân nhọc nhằn lam lũ. Còn chính các cư dân ở nơi này, chắc họ cũng không muốn nhắc lại quá khứ tội lỗi ngày nào.
Học được cái nghề trong trại, anh Thanh, anh Hậu đã có thể mưu sinh sau khi hoàn lương
Như bao ngôi làng khác trên mọi miền đất nước, ở khu dân cư đặc biệt này cũng những con người cần cù một nắng, hai sương sống trong mái nhà hạnh phúc, có tiếng trẻ bi bô, có bếp lửa bập bùng khi đêm xuống... Nhưng có một nét đặc biệt khác là những thành viên trong làng không phải là người gốc ở đây. Họ cũng không cùng quê. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ cùng có chung một quá khứ lầm lỗi.
Trời chiều cao nguyên trong veo, tôi đi sâu vào làng, đến gia đình của anh Hoàng Quốc Dự, một trong những công dân ở đây. Sau cái chép miệng, anh Dự nhắc về quá khứ một thời của mình: “Hồi mới lập nghiệp ở đây, phải sáu rưỡi, bảy giờ tối, vợ chồng tôi mới lọ mọ từ rẫy mì về. Đi tối ngày như vậy cũng không đủ nuôi sống gia đình, nhưng vẫn phải cố thôi, còn lũ trẻ nữa chứ!”.
Câu chuyện của cựu trại viên khét tiếng quê gốc Hòa Bình có cái tên rất “kêu” này cho tôi biết về quá khứ lỗi lầm của anh. Tuổi trẻ của Dự chỉ biết ăn chơi lêu lổng, bao nhiêu lời dạy bảo của cha mẹ và thầy cô Dự đều bỏ ngoài tai. Và anh đã phải trả giá cho những ngày tháng đó bằng hình phạt 20 năm tù. Mẹ anh buồn quá lâm bệnh nặng mà chết. Trong tù nghe tin mẹ mất, anh chỉ biết khóc, thầm hứa với linh hồn của mẹ là ra tù anh sẽ làm lại từ đầu, sẽ thành người tốt để tạ lỗi với mẹ. Và như có duyên nợ với mảnh đất này, sau khi trả án, anh đã lập gia đình và sinh sống tại đây, trở thành một công dân “lúc nào cũng ngẩng cao đầu” như cách nói của anh Dự.
Cũng như anh Hoàng Quốc Dự, do “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, anh Nguyễn Hữu Phước, quê Bắc Giang, đã phải vào trại giam. Năm 1987, anh ra trại và hiện nay đã trở thành một “công dân chính hiệu” của xã Ayun. Anh Phước kể: “Ngày xưa, ở vùng đất gần Trại Gia Trung, thuộc xã Ayun này hiu hắt lắm, chỉ lưa thưa vài căn nhà tạm, nhưng rồi dần dần đông thêm vì có rất nhiều người được ra trại như tôi ở lại với quyết tâm xây dựng cuộc đời...”.
Cũng khó có thể tưởng tượng được có một thời các tay “anh chị”, những gái giang hồ khét tiếng ấy lại trở thành những công dân hiền thục, những người cha, người mẹ đầy trách nhiệm như vậy.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình anh Hoàng vẫn đầm ấm, hạnh phúc
Anh Phước không kể về cuộc đời mình, nhưng qua tìm hiểu, tôi biết được gia đình anh Phước là một trong những gia đình điển hình ở đây. Với số lúa thu được hàng năm ước chừng 50-60 tấn cộng với thu nhập từ tiệm ảnh riêng do vợ chồng tự đầu tư, hiện mỗi năm, vợ chồng anh có thu nhập vài trăm triệu đồng đó không phải là một điều dễ dàng với những người như thế.
Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Phước, chúng tôi đến thăm vợ chồng “cựu tù nhân” Bùi Tấn Thanh, người từng thụ án ở Gia Trung nhiều năm. Nhìn cảnh sau bữa ăn, anh Thanh ngồi trước màn hình tivi xem thời sự, hai đứa nhỏ cặm cụi học bài trong phòng với sự trợ giúp của mẹ, có thể thấy được sự đầm ấm của gia đình anh. Hai vợ chồng anh tiếp khách tự nhiên, không như chúng tôi suy nghĩ, và anh bảo, nếu muốn viết về quá khứ lầm lỗi của anh để mọi người nhìn vào đó như một bài học, anh cũng sẵn lòng. Nhưng tôi biết điều đó là không cần thiết, bởi điều quan trọng hơn là sau những chuỗi ngày tăm tối ấy, anh đã thật sự thay đổi để trở thành một con người tốt. Điều đó mới đáng hoan nghênh.
Bên chén rượu nhạt, anh Sinh không ngần ngại kể về quá khứ buồn của mình và không hề có ý giấu rằng tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày dài khổ cực, lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề và không ít lần “chôm chỉa”, rồi bị bắt đi tù. Ngày được tự do, anh đã chọn con đường ở lại nơi này và nhờ sự thông cảm cùng với tình yêu chân chất nhưng sâu đậm của một cô gái người địa phương, anh đã quyết tâm tu tỉnh để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Thời gian đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ rất khó khăn mà nói như anh là “sáng chống gối, tối đổ nồi” mới có cái ăn. Hai vợ chồng đi kiếm củi từ khi sương núi chưa tan, mãi tận đỏ đèn mới về nhà, nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được mươi ngàn đồng mua gạo. Nhưng từng ngày một, hai vợ chồng cùng cố gắng, cố gắng hơn cả mức bình thường để có được ngày hôm nay.
Cơ ngơi của anh Dự sau nhiều tháng ngày cật lực làm lụng
Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc trên mắt anh, tôi hiểu được rằng tất cả những gì những người như anh, như chị đang làm chỉ là để chứng minh rằng, quá khứ đã lùi xa và họ đang sống tốt, sống thiện lương như những con người bình thường khác. Và ở cái xóm nhỏ ấy đã có bóng dáng những đứa trẻ chạy đi chạy lại, ê a học bài. Ở nơi này con cái họ đã trưởng thành, lập gia đình, sinh con. Có nhiều cháu đã đạt được những thành tích trong học tập. Cuộc sống đã đổi thay, những người dân lầm lỡ này cũng đang tích cực hòa nhập với cuộc sống, cần mẫn làm việc và tìm thấy niềm vui bên xóm nhỏ…
Hoa niềm tin đã nở trên đất cằn
Nếu để viết hết những hoàn cảnh, những phận đời lầm lỗi một thời ở địa phương này, có lẽ cần đến vài cuốn sách. Bởi mỗi phận đời có những sự éo le, và có cả sự cố gắng riêng với niềm tâm niệm khắc khoải khác nhau. Nhưng tôi nhận ra một điều chung ở họ, con đường hoàn lương của những “cựu trại viên” ở H’ra và A Yun này chẳng dễ dàng gì, điều đó khiến tôi vô cùng cảm phục.
Như lúc anh Dự ngồi ngẩn ngơ nhìn xa xa ra khoảng rừng thông xanh thẫm trước mặt mà ngậm ngùi: “Hạnh phúc với tôi là một cái gì đó rất giản dị, bởi khi con người ta thực sự vượt qua được chính mình, vượt qua được những khinh bỉ, sự toan tính, dị nghị và cả những bất hạnh của đời thường để rồi sống thật với con người của chính mình. Ở đây ngoài những người từng là trại viên, còn có cả những người đã biết vượt qua tất cả quá khứ để sống một cuộc sống êm ấm nơi này bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Điều đó không dễ đâu nhà báo ạ!”.
Tôi hiểu những con người đã thức tỉnh này muốn quên đi quá khứ, và quan trọng hơn là xã hội đã không quên họ, không xa lánh mà ngược lại giúp họ hòa nhập cộng đồng. Ngày lại ngày, họ rau cháo nuôi nhau, cùng sẻ chia sướng khổ, vui buồn, học tập, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, phát triển đồi rừng.
“Sống bên nhau như vậy là hạnh phúc rồi. Chúng tôi bây giờ ai cũng cầu mong cái ngày buồn xưa ấy sẽ ngủ yên, để hướng tới một cuộc đời mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn, và mong cho lũ trẻ mai này không còn mặc cảm vì cuộc đời cha mẹ chúng nữa!”- chị Nay H’Sỹ, vợ anh Dự nói.
Anh Phước hạnh phúc bên đứa con trai
Rồi anh Dự kể cho tôi nghe bước ngoặt cuộc đời mình trên mảnh đất này. Năm 1990, sau khi “hoàn thành” án tù 20 năm (nhưng anh được ra sớm tới gần 4 năm vì cải tạo tốt), trong lúc còn hoang mang chưa biết đi đâu, về đâu khi đời người bắt đầu chạm ngưỡng trung niên thì Nay H’Sỹ, một cô gái người địa phương đã chủ động đến với anh bằng câu “tỏ tình hay nhất” khiến anh không khỏi bối rối vì bất ngờ: "Anh hãy ở lại H'ra. Đất này nghèo nhưng con người tình cảm lắm. Mình sẽ sống chung một nhà, mình sẽ nuôi con, sẽ làm lại từ đầu!”.
Nghĩ đây là mảnh đất lành chim đậu cũng đúng, nhưng trong tâm tưởng của anh Dự còn cho rằng, với hoàn cảnh bản thân lúc bấy giờ, khi ra trại, anh khó có đường trở về quê. Đơn giản là vì nghề nghiệp học ở trại, ra đời không cạnh tranh nổi, hơn nữa, vốn cũng chẳng có để kinh doanh. Đó là chưa kể sự mặc cảm đối với những người nơi chôn rau cắt rốn.
Ở lại lập nghiệp trên mảnh đất đã cho anh được “trở lại làm người”, theo cách nói của anh Dự, với anh là cách chọn hợp lý và cách lựa chọn này đã đúng khi bây giờ, dù chưa giàu, nhưng vợ chồng anh đã được những giọt mồ hôi của chính mình đền đáp. Hai bàn tay trắng cùng những lời động viên, chia sẻ ban đầu của người vợ, vùng núi rừng đã “biến” thành một cơ ngơi khang trang cùng 3 đứa con chăm ngoan. Hiện, vợ chồng anh có thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế trang trại.
Còn anh Phước, sau cuộc lột xác tại “trường đời”, ra khỏi giam Gia Trung, đang bơ vơ không biết về đâu để an cư lập nghiệp, thì anh gặp chị Hồng, cũng là một cô gái người địa phương. Họ đã thương yêu nhau và thành vợ thành chồng. Cũng may, nhờ sự đảm đang của chị mà nhà có vài con heo, dăm cây đu đủ, cái giàn bí để cải thiện thêm.
Hiện tại, dù cuộc sống chưa hết khó khăn, nhà có đến 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy cà phê và mì, nhưng anh vẫn nói với vẻ tự tin: “Tôi sẽ lo cho mấy đứa con học hành đến nơi đến chốn... Chúng nó chính là tương lai của tôi, mà một thời, tôi không dám nghĩ đến…”. Nghe lời tâm sự của anh, tôi hiểu tình người nói chung, nghĩa vợ chồng nói riêng ở nơi mảnh đất này đã giúp họ tìm ra bản ngã của mình để thương yêu và chăm sóc những mái ấm gia đình mà họ đã từng đánh mất hoặc không có.
Đường vào Ayun.
Đêm cao nguyên trời cao lồng lộng, trăng tháng ba xanh ngắt, chúng tôi ngồi bên nhau cùng “lai rai ba xị đế” như đã hứa với các anh. Trong cuộc nhậu, khi đã đến độ “sương sương”, trong câu chuyện hôm ấy không có những quá khứ lầm lỗi nữa, mà tôi chỉ nghe thấy những lời bàn về rẫy cà phê cuối năm nay thu được nhiều trái, sẽ sắm sửa thêm cho lũ trẻ manh áo mới, sẽ sửa lại mái nhà bị dột từ mùa mưa trước hay câu chuyện về con anh này học giỏi được cô giáo khen, con anh kia chuẩn bị thi đại học…
Những câu chuyện cứ râm ran mãi như thế. Rồi một người mà chúng tôi không rõ tên bỗng cất lên câu hát nghêu ngao, có lẽ là “nhạc chế”, nhưng mới chỉ thoảng qua cũng thấy anh đầy tâm trạng: “Ayun trăm nhớ ngàn thương, ai đi đến đó vấn vương không về...”.
Trong câu chuyện với các anh, tôi hiểu rằng xã hội hôm nay đã thực sự xích lại gần hơn với những người một thời lầm lỗi, cho họ một đời thường để sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu con người khác. Nhìn những con người đã từng một thời lầm lỗi chăm sóc những luống rau tươi non trong ánh nắng chiều, khuôn mặt của ai cũng rạng ngời niềm hân hoan, tôi hiểu rằng, trên đời không có ai là không một lần lầm lỡ, những con người ở đây có thể đã từng lầm lỡ với xã hội, với chính họ, nhưng bây giờ họ là những con người đầy nghị lực thật đáng cảm phục trên nẻo đường hoàn lương chân chính.
Đêm khuya, ly rượu gạo đắng ngắt với kẻ không biết nhậu như tôi bỗng thơm nồng và dễ uống trước những câu chuyện, những ước mơ, những hy vọng của các anh đua nhau kể. Thì ra ở chốn hoàn lương này, chỉ tính riêng ở xã Ayun, không chỉ có anh Dự, anh Hoàng, anh Phước, anh Sinh, anh Thanh mà có đến hơn 100 hộ gia đình mà chủ của nó đã từng có một thời lầm lỗi. Họ đang hàn gắn chân dung mình với khát khao được sống lương thiện một cách mãnh liệt, nhờ vào mái ấm gia đình…
Gia Ly – Minh Ngọc