Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những người phụ nữ xứng đáng được tặng quà

17:19 | 06/03/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
“Phú quý sinh lễ nghĩa” – câu nói cha ông đã đúc kết từ ngàn xưa có lẽ đúng nhất với những người phụ nữ này. Khi cuộc sống chật vật với cơm, áo, gạo, tiền còn bủa vây lấy họ thì những thứ “phú quý” như quà cáp hay những lời chúc tụng vào những ngày lễ lớn cũng trở nên xa xỉ vô cùng.

Dì tôi - một người phụ nữ làm nghề nông chất phác tại một vùng quê nghèo nhất của mảnh đất Hà Tĩnh quanh năm “Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/Không ai gieo cứ mọc trắng mặt người”. 365 ngày thì gần như ngày nào dì cũng tất bật từ sáng đến tối. Kể cả đêm 30 hay sáng mồng một Tết dì cũng lúi húi ở ngoài vườn. Lúc thì đàn lợn ốm lúc thì bầy gà mới nở cần che chắn khỏi gió rét rồi những luống rau mới lên xanh non, không kịp nhổ cỏ bắt sâu thì chỉ ngày một ngày hai nó cũng lụi tàn…

Nhiều lần gặp dì, thấy dì cứ đi lại thoăn thoắt, luôn chân luôn tay, tôi hỏi đùa:

- Làm quần quật cả ngày thế dì không mệt à?

- Giờ ngồi yên không chịu được. Cứ làm việc này chưa xong đã nghĩ đến việc khác rồi. Làm nhiều nó cũng quen tay?

- Dì làm quá sức, ốm nằm xuống đấy thì lại khổ ra?

- Không được phép ốm. Ốm cũng cố mà dậy. Mọi thứ một mình lo liệu, nằm cũng không nhắm mắt nổi mà con.

Dì mất chồng đã gần chục năm. Và cũng ngót nghét gần chục năm trước đó, chồng dì bị tai biến nằm một chỗ nên một mình chèo chống nuôi cả gia đình. Ba đứa con cũng vào độ tuổi ăn tuổi học nên áp lực nuôi chồng, nuôi con luôn đè oằn cả đôi vai gầy bé nhỏ.

Tuổi thanh xuân, dì cũng có một thời sôi nổi. Giai đoạn đất nước bước vào thời kì đổi mới, cầm được tấm bằng Cao đẳng ngành kế toán trên tay, không phải ai cũng có. Dì học giỏi nổi tiếng cả huyện lúc bấy giờ, lại con nhà gia giáo, bao nhiêu đám đến ngó nghiêng nhưng dì vẫn một mực học lấy cho được cái bằng để về làm người nhà nước. Vào làm cơ quan thương nghiệp, rạng rỡ được mấy năm rồi cơ chế thay đổi dì buộc phải nghỉ ra ngoài tự buôn bán. Chống chèo mưu sinh vất vả thế rồi dì chấp nhận về quê làm bạn với con trâu, cái cày. Lấy chồng rồi sinh con. Và cứ thế miệt mài “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” từ bấy đến nay.

Tôi không bao giờ dám hỏi dì nghĩ gì về những ngày lễ lớn như Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam hay Ngày lễ tình nhân. Bởi tôi biết, những ngày này nó không thuộc về dì và gần như dì cũng không có bất cứ một suy nghĩ về những ngày lễ đó. Đó là những ngày bình thường như bao ngày khác. Dì vẫn ra đồng, mải miết với những củ sắn, củ khoai, ruộng lúa, nương ngô; vẫn về nhà và vội bát cơm cùng những hạt muối vừng vài ba con cá mắm để rồi lại tất bật với những mớ rau, con gà con lợn và lẩm bẩm tính toán xem tháng này có thể bán được những món gì để có đủ tiền còn gửi cho những đứa con đang trọ học nơi xa.

Nhớ có lần dì kể, thằng con trai út đi học Cao đẳng ở Hà Nội, không biết mượn điện thoại của ai, ngày mồng 8/3 cũng gọi điện về chúc mừng mẹ. Nó bảo: “Mẹ biết hôm nay là ngày gì không? Ở ngoài này, con gái, phụ nữ ngày này ai cũng được tặng quà, chúc tụng. Con ở xa không về được, con gọi điện cho mẹ. Con chúc mẹ ngày Quốc tế phụ nữ nhé”. Dì kể xong rồi mếu máo khóc luôn.

“Thằng này vẽ chuyện quá. Ở đây ngày nào chả như ngày nào” - giọng quở trách của dì lẫn vào trong dòng xúc cảm đang trào dâng trên khóe mắt nhăn nheo nhưng chất chứa đầy niềm vui và tự hào về con trẻ.

Nói đến đây tôi lại chợt nhớ đến một người phụ nữ mà tôi đã từng gặp trong suốt nhiều năm sống tại Hà Nội. Chị làm nghề giúp việc theo giờ. Quê chị ở Hải Dương, lên Hà Nội làm việc theo giới thiệu của một người quen biết trong làng. Hồi mới lên thành phố chị lớ ngớ không dám đi đâu chỉ an phận ở nhà lo quét dọn, cơm nước cho nhà chủ. Thế mà, sau mấy năm bôn ba ở đất khách, chị đã dẫn dắt theo được nhóm gần mười chị em từ quê lên cùng làm nghề giúp việc theo giờ với chị.

Dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn. Miệng nói, tay làm, thoăn thoắt cả ngày. Vừa làm chị vừa bắt quen rồi nhờ vả mọi người giới thiệu mối làm. Việc càng ngày càng nhiều hơn, chị về quê dẫn dắt hết em cô, em cậu, chị dâu, chị gái rồi hàng xóm thân cận lên theo rồi chỉ vẽ họ học nghề kiếm tiền. Chỉ sau một thời gian, không chỉ thu nhập của chị ổn mà các chị em cũng có thu nhập hơn gấp nhiều lần ở quê lần mò từng củ sắn, củ khoai.

Có lần chị tâm sự: “Ở quê phụ nữ khổ lắm. Làm quần quật quanh năm không đủ sống. Chồng thì suốt ngày say khướt. Chỉ cần có đám giỗ thì đàn ông cả làng tụ tập say sưa, bỏ bê cả ruộng vườn. Say rồi về nhà đánh, mắng vợ như con ở. Tôi khổ tận cùng rồi tôi rất hiểu. Chỉ mong đưa được chị em đi, họ kiếm thêm được đồng tiền trang trải cuộc sống và hơn nữa là để họ có cuộc sống tự do”.

Có lần vì muốn chị đến dọn dẹp nhà để chuẩn bị có đám giỗ, tôi tìm đến chỗ ở của chị. Vào sâu trong ngõ ngách của một vùng dân cư ở phường Tân Mai, một dãy nhà trọ được xây khá lâu năm, nằm ẩm thấp dưới một dãy cây trứng cá. Ngày đó chị đưa theo cả đứa con gái tầm 10 tuổi đi làm cùng. Thuê dãy trọ lụp xụp ở cho đỡ tốn tiền. Hai mẹ con ở riêng ra một góc và ăn uống riêng còn các cô, các dì, các mợ thì ăn cùng, ngủ cùng nhau. Tất cả rải chiếu xuống nền nhà ngủ.

"Đông người ngủ cùng nhau thế này có khó ngủ không ạ?" - Tôi hỏi.

"Làm việc cả ngày quần quật, khi về chỗ trọ là mệt quá rồi, ăn xong thế là lăn ra ngủ, chẳng ai biết mất ngủ là gì. Tư tưởng thoải mái lắm" - chị trả lời tôi.

"Thế cháu bé nhà chị theo mẹ đi làm mà không đi học à?"

Nghe tôi hỏi xong, thấy chị cúi mặt không trả lời câu hỏi của tôi mà quệt nước mắt. Con bé con nhìn tôi rồi bê tô cơm ra ngồi ăn ở cửa. Tôi chột dạ nghĩ mình hỏi khó người ta nên vội nói lấp liếm sang chuyện khác. Sau này, khi đến dọn nhà cho tôi, chị kể:

Chồng chị không chịu làm việc gì, chỉ lúc nào tỉnh rượu thì đi thả câu thả lưới bắt cá. Ăn không đủ chưa nói đến việc nuôi ba đứa con. Mới đây lại sinh ra tính ghen bóng ghen gió, vu cho vợ lên Hà Nội theo thằng nọ thằng kia. Ông bắt về không cho làm nữa. Tôi kiên quyết đi làm vì không thể chịu cảnh đói ăn thiếu mặc mãi được. Cuối cùng ông ấy bắt tôi phải đưa theo đứa con gái đi cùng thì mới cho đi. Nghĩ con ở nhà không có mẹ, con gái tuổi mới lớn, còn hồn nhiên vô tư nhiều cái tôi không yên tâm nên xin cho cháu nghỉ học theo mẹ. Sau này về tính tiếp.

- Con bé lớn thế kia rồi mà nó cũng đồng ý theo chị à?

- Ở nhà một mình nó cũng vất vả lắm. Ruộng, vườn rồi trâu bò, lợn, gà mình nó không thể kham nổi. Bố thì say khướt suốt ngày không giúp được gì. Còn mấy thằng anh không ai kèm cặp cũng mải chơi.

- Thế thì ở nhà ai trông nom đám ruộng, con trâu, con bò?

- Tôi bán hết rồi dành dụm tiền làm vốn sau này cho con

- Thế chồng chị cũng đồng ý?

- Ông ấy say có biết nhà có con gì với con gì đâu.

- Thời đại này, ai lại để con thất học được. Chị phải tính cách nào cho cháu đi học lại, chứ không con gái mặt mũi sáng sủa, tươi tắn thế để cháu thất học sao được?

- Tôi cũng khổ tâm lắm. Cái gì cũng đến tay. Giờ mà về thì lấy tiền đâu cho con đi học. Hai thằng con trai ở nhà không ai kèm cặp cũng sinh hư thân.

Bẵng đi một thời gian, không thấy chị đến dọn nhà cho tôi. Tôi gọi điện thì chị bảo đang về quê thu hoạch mùa, lúc thì bảo về ăn cỗ. Sau này tôi mới biết, chồng chị lên Hà Nội bắt chị về vì cho rằng chị đã “nối giáo cho giặc”, đã làm hư các chị em khi tạo cớ để cho các chị em “trốn nhà đi chơi”. Rồi chồng chị cũng ghen tuông mà đánh đập chị nhiều hơn trước.

Đòn roi của người chồng chắc chắn không phải là lý do khiến chị rời bỏ công việc giúp chị có thể làm “ra cơm ra cháo” mà tôi tin, lý do chị trở về là bởi những đứa con. Những lời tâm sự chị hay kể với tôi lúc nào cũng day dứt về chúng. Với một người phụ nữ tràn đầy nghị lực, lanh lẹ thông minh như chị, rồi chị sẽ có cách để chiến thắng cái đói cái nghèo ở vùng quê mà có lúc chị nghĩ, chị sẽ buông bỏ nó.

Một câu chuyện khác về người phụ nữ miền Trung. Phát hiện bị bệnh ung thư vú khi chị vừa bước qua tuổi 45. Chị cũng vừa sinh xong đứa con thứ 5 tròn 12 tháng. Đứa thứ 5 là con trai khi trước nó có tận 4 chị gái. Dù xã hội đã có nhiều đổi thay, tư tưởng con người đã có nhiều đổi mới, thế nhưng ở cái làng quê nghèo nhất của dải đất miền Trung thì việc nhà có 4 cô con gái mà không có thằng con trai vẫn là một điều thật tồi tệ.

“Sau khi đi siêu âm về biết bầu con trai, mình cười rồi khóc, khóc rồi cười mất mấy ngày. Bố nó cũng thế. Cuối cùng thì cũng có người “chống gậy” cho bố nó. Cuối cùng thì bố nó cũng ngẩng cái mặt lên mà ngồi chiếu trên” - chị Mai nhớ lại.

"Thế nhỡ may bầu lần thứ 5 mà chị không sinh ra con trai thì làm sao?"

"Lúc ấy thì cũng xác định tư tưởng rồi. Nếu mà đẻ đứa thứ 5 con gái thì chắc là cả đời tôi không thể ngẩng mặt lên được với chồng và nhà chồng".

"Đến giờ rồi mà sao chị và gia đình chị vẫn còn nặng nề cái tư tưởng “trọng nam khinh nữ” thế?"

"Tôi thương mấy đứa con gái lắm. Giờ chúng nó lớn rồi, cũng đỡ đần được mẹ nhiều. Ở quê, cái thói trọng nam bao năm vẫn nặng nề lắm. Tôi biết nếu không có thằng cu thì tôi khó mà sống yên thân. Biết làm sao được".

Nhìn chị nằm mê mệt trên giường sau một đợt truyền hóa chất để điều trị bệnh ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mà tôi không khỏi xót xa.

- Thế chồng chị đâu? Người nhà đâu? Truyền hóa chất rất mệt, phải có người nhà chăm sóc chứ?

- Anh ấy đưa tôi ra đây xong thì phải về để còn lo cho bầy con ở nhà. Những đứa lớn phải đi học, đứa bé còn khát sữa và còn phải chạy thêm tiền cho tôi điều trị nữa. Chắc phải ngày kia mới ra được. Đi lại tốn kém phải hạn chế.

- Thế bác sĩ có nói tình trạng bệnh của chị như thế nào? Phải chữa trị thời gian dài không?

- Bác sĩ có nói, tôi sinh con muộn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú. Phải tích cực điều trị thì mới hy vọng duy trì được vài ba năm.

Nói đến đây chị Mai khóc nghẹn giọng. Nhìn gương mặt khắc khổ hằn sâu vết chân chim của một người cả cuộc đời lam lũ của chị khiến tôi cũng không thể cầm lòng. Rồi đây, đứa con trai bé nhỏ còn khát sữa mẹ của chị sẽ phải sống cảnh xa mẹ lâu ngày, ai chăm sóc? Rồi đây, chị lấy đâu sức lực và tiền bạc để chống chọi lại với căn bệnh quái ác đang mỗi ngày gặm nhấm cơ thể nhỏ bé, xanh xao?

Tôi ra về lòng nặng trĩu, mỗi bước chân như có ai níu giữ. “Con ơi, con đã cứu đời mẹ rồi” – Câu nói mà chị nói khi lần đầu tiên nhìn thấy con trai, lần đầu tiên được ôm “niềm mong nước bấy lâu” vào lòng, chị kể, cứ ám ảnh tôi suốt cả chặng đường dài. Đứa con trai bé nhỏ ra đời đã giúp cho người mẹ tội nghiệp đỡ cảm thấy tủi nhục trước những tư tưởng cổ hủ lạc hậu tưởng rằng chỉ còn là dĩ vãng của một thời u muội. Nhưng để cứu được người mẹ đáng thương lúc này không thể ai khác ngoài sự quyết tâm, kiên cường chống chọi của chị.

Bên cạnh những người phụ nữ phải chịu số phận buồn tủi, nghiệt ngã thì mỗi ngày tôi vẫn được gặp gỡ, được chứng kiến không ít những người đàn bà được số phận ưu ái, yêu chiều.

Chị bạn thân tôi hiện đang công tác tại một bệnh viện tuyến trung ương. Chị đẹp người đẹp nết. Ở chị luôn toát lên dáng vẻ của một người phụ nữ chín chắn, hiểu biết, mặn mà. Chồng chị là một doanh nhân thành đạt. Nhà cao, cửa rộng, con cái học hành nên nổi cả. Những người chơi thân với chị thì ai cũng biết, mỗi dịp ngày lễ, tết, chồng chị là người luôn tâm lý, ga lăng. Có đồng nghiệp của chị còn kể lại rằng: “Ngày mồng 8/3 hay Ngày 20/10 rồi Ngày Lễ tình nhân 14/2 chồng chị đều nhờ người chở hoa đến cơ quan tặng vợ. Ngày phụ nữ có cả hoa tặng cho các chị em ở phòng, ban rồi đích thân anh đến cơ quan mời mọi người đi ăn để cảm ơn những đồng nghiệp đã luôn yêu thương, giúp đỡ vợ mình”. “Mọi người ngưỡng mộ lắm” - chị đồng nghiệp còn cho biết thêm.

Tôi không nằm trong số những đồng nghiệp may mắn của chị nhưng nhiều lần đến chơi nhà, ngồi nói chuyện với chồng chị, tôi cũng khá ngạc nhiên về suy nghĩ, lối sống của người đàn ông này. Có lần, anh bảo: “Tên của mình chỉ nằm trên các hóa đơn thu tiền điện, nước, rác, internet còn người đứng tên chủ hộ, bìa đỏ hai căn nhà mặt phố là vợ”. Chẳng biết thật hư thế nào, nhưng trong cách nói chuyện của anh, tôi cảm thấy rõ anh là một người thân thiện, hòa nhã, thích đùa.

Gần đây, trong một lần ngồi uống nước tôi tò mò hỏi chị:

- Anh nhà chị ga lăng với chị thế, chị có sợ cũng sẽ ga lăng với nhiều chị em khác không?

- Không - Chị trả lời gọt lỏn.

- Chị tự tin quá không?

- Thực ra không phải tự tin nhưng chị nghĩ, có được cái gì thì hưởng cái đấy. Mình không nên đòi hỏi nhiều. Với chị, chỉ cần mình thấy đủ là được rồi.

- Thế chị có thấy mình thực sự hạnh phúc?

- Có chứ. Một người chồng biết quan tâm vợ đúng lúc. Ở ngoài thì luôn làm đẹp mặt vợ. Về nhà không bao giờ chửi mắng, đánh đập vợ. Đặc biệt, không bao giờ để vợ thiếu tiền. Thế là tốt rồi. Đòi hỏi gì nữa hả em?

Chị cười tươi lộ ra hàm răng trắng đều nằm gọn trong khuôn miệng xinh xắn dưới ánh nắng của buổi sáng tháng ba ấm áp. Tôi cũng vui lây với chị. Có được cuộc sống như chị, có được tư tưởng sống thỏa mãn với những gì mình có như chị liệu được bao nhiêu người?

Ai cũng biết rằng, phụ nữ thời nay là phải tự chủ cuộc sống, là phải biết yêu thương bản thân mình. Rồi phải biết làm đẹp cho bản thân cả hình thức lẫn tâm hồn. Phụ nữ thời nay phải biết buông bỏ những gì không cần thiết phải bó buộc về mình để bản thân được thảnh thơi bay nhảy. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, không chỉ ở những vùng quê mà ngay cả trên những con đường, những ngõ ngách của chốn thị thành thì ta vẫn gặp rất nhiều những thân phận phụ nữ đang mải miết, mệt nhọc với những gánh nặng mưu sinh. Với họ, buông bỏ nghĩa là chấp nhận đầu hàng với số phận.

Lê Minh