Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những người làm văn hóa nói về văn hóa đọc hiện nay

07:00 | 06/05/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nhà xuất bản đang "làm loạn" thị trường sách, khiến cho thị hiếu của người đọc ngày càng "rẻ" hơn. Nhiều chuyên gia, những người làm văn hóa đã tỏ ra lo ngại về vấn đề này.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Người đọc nên có sự lựa chọn thông minh.

Văn hóa đọc sa sút có nhiều nguyên nhân khi mà công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống tinh thần của con người bị chi phối bởi nhiều loại hình nghe nhìn khác nhau. Có nhiều sự lựa chọn, vô hình trung nhu cầu đọc sách, nhất là sách văn chương cũng giảm.

Những sai sót do cẩu thả, những hiện tượng làm sách chụp giật ngoài động cơ về lợi nhuận còn xuất phát từ nhận thức thiếu lành mạnh ở một bộ phận người làm sách.

Những hiện tượng đó cũng là do ảnh hưởng và xu hướng phát triển tự nhiên khi mà xã hội, các phương tiện nghe nhìn nhan nhản những thông tin giật gân. Hạn chế được vấn đề này thực sự khó, mà đòi hỏi phải hành động đồng bộ. Còn việc các NXB dùng “mánh khóe” biên tập, cắt xén, thay đổi ngôn ngữ hay thay hẳn tiêu đề của tác phẩm để thu hút công chúng thì trách nhiệm thuộc về các NXB.

Trước thực trạng đó, tôi nghĩ rằng người đọc trước nhất vẫn phải có sự lựa chọn thông minh cho “gu” đọc sách của mình. Tìm đọc những cuốn sách thực sự viết ra vì mục đích vị nghệ thuật lẫn vị nhân sinh chứ không vị lợi nhuận. Việc này hoàn toàn không khó chỉ cần đọc mấy chục trang sách của một cuốn sách mấy trăm trang sẽ hoàn toàn biết cuốn sách có nên đọc tiếp hay không.

Một khi người đọc đã nâng cao khả năng miễn dịch và tự nhận biết thì tất yếu những sản phẩm độc hại tự thân nó sẽ bị đào thải. Về phía những người làm nghệ thuật, người tạo ra tác phẩm văn chương, tất nhiên nên lao động nghiêm túc để giữ gìn sự “trong sáng” cho tiếng Việt và họ sẽ biết điểm dừng của việc dùng các yếu tố nhạy cảm.

Dịch giả - Nhà văn Di Li: Thực tế sách không có nhiều yếu tố thị trường thì rất khó bán.

Nói về việc ngôn ngữ văn chương đương đại thiếu “trong sáng” tuy chỉ là số ít, là hiện tượng thì tôi nghĩ cũng do hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là do trình độ thẩm mỹ và văn chương của người viết thấp nên câu cú thành ra tối nghĩa, diễn đạt phi thẩm mỹ, thiếu nhã nhặn, chủ yếu là những phạm trù liên quan đến tình dục.

Thứ hai là do người viết muốn sách của mình giật gân câu khách nên thêm mắm thêm muối những chi tiết không liên quan nhiều đến nội dung cốt truyện, không bổ ích gì thêm cho người đọc mà chỉ để kích thích trí tò mò. Nhưng vì lý do gì thì vẫn quy vào tài năng văn chương của tác giả thôi.

Còn về xu hướng dùng những mánh khóe biên tập để thu hút độc giả cũng là phát triển tự nhiên, khi xã hội rộng rãi thì văn chương nhiều màu. Thực tế những năm trở lại đây, tình hình xuất bản gặp nhiều khó khăn bởi nền kinh tế suy thoái, mọi hạng mục chi tiêu đều thắt chặt, lượng tiêu thụ sách sụt giảm.

Những giao dịch về sách giữa Bắc Nam hầu như đứng lại. Vì thế các nhà sách cũng không tha thiết in nhiều nữa, thậm chí là những tác phẩm của những tên tuổi đương đại hàng đầu trên thế giới cũng còn khó bán. Cộng với văn hóa đọc của chúng ta thì ngày càng thấp dần đều, nên kinh doanh phải vì lời nhuận. Một minh chứng rõ ràng và đáng buồn hiện nay là sách không có nhiều yếu tố thị trường thì rất khó bán.

Các tác giả muốn được in sách nên nhiều khi cũng đành chấp nhận lao theo yếu tố thị trường, chí ít thì cũng để cho NXB làm bìa khêu gợi, giật gân hoặc giật những cái tít khơi gợi trí tò mò, cho dù sách của họ cũng rất nghiêm túc. Còn về việc các dịch giả tự động lựa chọn ngôn từ gây sốc để dịch thì tôi phủ nhận điều ấy, dịch giả không được lợi lộc gì ở việc đó cả. Cũng như không có NXB nào chỉ đạo cho dịch giả phải dịch sai thành sốc. Nếu dịch giả có dịch sai thì đó là do dịch ẩu hoặc do trình độ thôi.

Nhà thơ Vương Tâm: Không thể thả nổi việc xuất bản sách như hiện nay.

Thị trường sách hiện nay đang bị thao túng, Nhà nước không quản lý được. Thế nên, mọi người có gì đọc nấy. Truyện tranh, sách sến Tàu đang tràn ngập thị trường. Ngôn ngữ cụt lủn, khô khan, thậm chí bậy, mang ngôn ngữ đời sống vào trong tranh sách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người đọc.

Chúng ta sẽ không có cơ hội được tư duy bằng thứ ngôn ngữ mang tính xã hội cao, giàu hàm lượng văn hóa nữa. Có một hiện tượng, các tác phẩm kinh điển giờ cũng biến thành truyện tranh hết… Nhưng cái hay, cái đẹp của các tác phẩm đó là ngôn ngữ, nó có tác động đến chiều sâu tâm hồn, tư duy của người đọc. Một trong những giá trị cốt yếu của ngôn ngữ là tính lãng mạn, giúp phát huy trí tưởng tượng của con người. Thế mà, chúng ta cắt cụt đi.

Rất nhiều tác phẩm không đạt được chất lượng tối thiểu, chỉ chạy theo thị hiếu của một số người đọc cấp thấp, câu khách, rẻ tiền, chặt chém ngôn ngữ. Nó làm mất đi cái căn bản của loài người, đó là tư duy, được khẳng định qua ngôn ngữ. Điều đó khiến con người ta thui chột về nhân cách, tình cảm, tâm hồn, khiến họ thiếu khát vọng.

Chúng ta nói, văn hóa đọc đang được nâng cao, nhưng theo tôi, văn hóa đọc đang bị thui chột vì những tác động trực tiếp từ những cuốn sách nhố nhăng như vậy. Chúng sẽ làm thui chột tâm hồn, dập tắt những ước mơ và khát vọng của các bạn trẻ.

Giờ có nhiều người trẻ đọc sách, nhưng cái quan trọng là họ đọc cái gì. Nếu là những chuyện yêu đương nhăng nhít, sến sẩm của Tàu thì tôi thấy nguy hại cho lớp trẻ, sống trong những thứ tình cảm yêu đương ủy mị. Nên có những định hướng xuất bản sách chứ không thể thả nổi như hiện nay.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: Cần sự chung tay góp sức của các NXB - tác giả - xã hội.

Thực ra chuyện này không phải bây giờ mới xảy ra, trước đây NXB Kim Đồng hay Công ty Sách Nhã Nam cũng đã phát hành những quyển truyện tranh có hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm, không phù hợp với lứa tuổi của các em: như các truyện dành cho tuổi 16+ nhưng thường xuyên đề cập đến những chuyện “người lớn”.

Hiện nay trên thị trường xuất hiện tràn lan những truyện tranh có hình ảnh và lời lẽ không phù hợp với lứa tuổi các em và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo tôi, trước hết truyện tranh bị tác động bởi thời buổi kinh tế thị trường. Khi mà mọi người đều tất bật, không có nhiều thời gian để đọc những tác phẩm văn học, tiểu thuyết dài lê thê, rồi ngay cả đến các nhà văn cũng chỉ viết truyện ngắn, nhà báo thì viết bài chú trọng giật tít giật gân, thâu tóm được nội dung, giảm tối đa thời gian đọc chữ, còn thiếu nhi cũng theo trào lưu đó chỉ đọc truyện tranh cho nhanh, ít chữ, nhiều tính giải trí.

Một thực trạng đáng buồn là, “Ngày hội sách và văn hóa đọc 2013” thì sách giảm giá nhiều vô kể nhưng vẫn ế ẩm, không có ai mua. Vì sao văn hóa đọc xuống cấp như vậy? Theo tôi chính là bởi thế hệ cách đây 15-20 năm cũng đã mê mẩn nhiều cuốn truyện tranh như: “7 viên ngọc rồng”, “Đô-rê-mon”, “Nhóc Maruko”, “Siêu quậy Teppi”…

Việc say mê đọc truyện tranh với nhiều hình ảnh giải trí và ít chữ trong thời gian quá dài khiến việc dành thời gian đọc những tác phẩm văn học có tính văn chương, văn hóa bị giảm đi đáng kể. Với đà này thì tiếp theo 5-10 năm nữa thế hệ trẻ sẽ ra sao? Trong khi hiện nay sách truyện dành cho lứa tuổi này ngày càng biến tướng và ảnh hưởng tới tâm lý, định hướng thẩm mỹ, giáo dục của trẻ.

Thời buổi kinh tế thị trường, các NXB quá quan tâm đến lợi nhuận đem lại từ những quyển sách có nội dung “giật gân”, càng bị chỉ trích thì lại càng “hot”. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác biên tập, kiểm duyệt quá kém và cẩu thả, hoặc là bản lĩnh của người biên tập không có, họ phó thác cho các “đầu nậu”, hoặc là họ có xem, có biết những chi tiết, từ ngữ đó là phản cảm, nhưng ở một khía cạnh khác họ lại cho rằng, như thế mới ăn khách, mới có lợi nhuận.

Thậm chí, nếu truyền thông vào cuộc thì càng tăng độ “hot” cho ấn phẩm đó. Để nâng cao văn hóa đọc lên, rất cần sự chung tay góp sức của các NXB - tác giả - xã hội (mà ở đây là truyền thông, nhà trường, gia đình).

Nhà văn Trần Thị Trường: Nên đặt việc làm giàu tâm hồn con người lên hàng đầu.

Đọc sách dịch, người đọc có thể có những ý thích, yêu cầu khác nhau. Có người thích được đọc một văn bản sáng tạo lại trên cơ sở của căn cốt. Có người thích sát nghĩa - đúng từ. Không giống nhau là chuyện bình thường. Dịch giả không thể chiều theo tất cả, dịch giả cũng có quyền của họ.

Dĩ nhiên, ẩu là một điều không tha thứ được vì ẩu không đồng nghĩa với sáng tạo. Chuyện này ở đâu trên thế giới cũng xảy ra, vì thế bạn đọc có quyền tẩy chay những NXB thiếu uy tín, làm ẩu, cốt câu khách. “Khách nào dễ câu”? Cứ hỏi câu này đi, bạn đọc sẽ ngẫm nghĩ và ngày một lựa chọn tốt hơn.

Tôi cho rằng, đã làm kinh doanh thì ai cũng nghĩ đến bài toán lợi nhuận. Nhưng một nhà kinh doanh đáng kính thì luôn nghĩ rằng, nếu buộc phải làm việc bẩn - ẩu để có lợi nhuận thì có đáng không, có nên không?

Còn trong lĩnh vực xuất bản, theo kinh nghiệm của những người bạn của tôi thì họ đặt những gì làm giàu tâm hồn con người lên hàng đầu… và hình như cũng mang lại lợi nhuận chẳng kém gì. 

 

Nhóm phóng viên