Những hiểu lầm về năng lượng hạt nhân (Kỳ 5)
Những hiểu lầm về năng lượng hạt nhân (Kỳ 4) |
Tất cả những việc làm trong lĩnh vực hạt nhân có thật sự cần thiết hay không? Tại sao nước Pháp vẫn tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp có nhiều rủi ro này? Các năng lượng tái tạo có thể tạo ra được số việc làm bằng với lĩnh vực điện hạt nhân không? Những câu hỏi này được đặt ra là do những hiểu nhầm và các quan điểm sai lầm sau đây:
Loại bỏ năng lượng hạt nhân sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm mới cho nước Pháp?
Có hơn 220.000 chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân ở Pháp |
Thật ra, ngành công nghiệp hạt nhân đang là một trong những ngành phát triển nở rộ tại Pháp, đứng thứ 3 sau ngành hàng không vũ trụ và công nghiệp ôtô. Ở thời điểm hiện tại, quốc gia này có hơn 2.500 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân, quy tụ hơn 220 nghìn chuyên gia có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hạt nhân còn tạo ra 50 tỉ euro doanh thu cho Pháp, trong đó đóng góp 14 tỉ euro giá trị gia tăng. Hơn thế nữa, ngành công nghiệp này còn đầu tư 1,8 tỉ euro cho các hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời tích cực tham gia công tác đào tạo thế hệ trẻ và giúp những người khuyết tật có thể hòa nhập với xã hội.
Hầu hết các công việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân không thể thuê các công ty bên ngoài làm. Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại một vùng lãnh thổ sẽ đem lại cho vùng đó những tác động tích cực về mặt kinh tế, giúp tạo ra việc làm và tăng doanh thu thuế...
Năm 2016, hơn 3/4 sản lượng điện hạt nhân của Pháp đến từ 4 khu vực chính: vùng Grand Est ở miền Đông Bắc nước Pháp với 4 nhà máy điện hạt nhân (sản lượng điện hạt nhân của 4 nhà máy này trong năm 2016 là 82,7 TWh, chiếm 77% tổng sản lượng điện khu vực năm đó); vùng Centre-Val de Loire có 4 nhà máy (sản lượng điện hạt nhân thu được là 75,7 TWh 2016 và chiếm 96% tổng sản lượng khu vực); vùng Auvergne Rhône-Alpes có 4 nhà máy (75 TWh trong năm 2016, chiếm 69% tổng sản lượng khu vực); và vùng Normandie với 3 nhà máy điện hạt nhân (đạt 57,3 TWh năm 2016 và chiếm 89% tổng sản lượng điện của khu vực).
Tại nhà máy điện hạt nhân ở Dampierre-en-Burly, miền Trung nước Pháp, hiện đang có 1.366 nhân viên của Tập đoàn EDF đang làm việc, bên cạnh đó còn có 500 nhân viên thường trực của các công ty dịch vụ làm việc tại đây trong suốt cả năm. Ngoài ra, trong những khoảng thời gian phải dừng hoạt động của các lò phản ứng để bảo trì, còn phải bổ sung thêm các nhân viên thường trực đến từ các công ty dịch vụ: cần khoảng 600-2.000 nhân viên tùy theo loại lò phản ứng. Chưa kể cũng cần đến sự giúp đỡ của rất nhiều doanh nghiệp địa phương. Năm 2017, các nhà máy này đã ký hợp đồng trị giá 26 triệu euro với các doanh nghiệp địa phương để thực hiện công tác bảo trì. Hơn thế nữa, nhà máy điện hạt nhân còn đóng góp cho địa phương hơn 69,9 triệu euro tiền thuế, trong đó 7,4 triệu euro là dành cho thuế bất động sản.
Việc loại bỏ nhanh chóng điện hạt nhân sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội. Ngay cả lĩnh vực đang được đánh giá có tiềm năng phát triển như năng lượng tái tạo thì theo Cơ quan Quản lý Môi trường - Năng lượng Pháp (ADEME), sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo trong 5 năm tới cũng sẽ chỉ giúp tạo ra khoảng 10.000 việc làm trong lĩnh vực về điện gió và quang điện, bổ sung thêm nguồn nhân lực cho 19.000 lao động hiện có trong lĩnh vực này. Trong khi đó chỉ tính riêng giới chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực hạt nhân đã lên tới hơn 220 nghìn người.
Sản lượng điện hạt nhân xuất khẩu của Pháp rất ít?
Ngược lại, Pháp là quốc gia đứng đầu trên thị trường quốc tế về xuất khẩu năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, đất nước này cũng đã được thế giới công nhận về trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và đảm bảo an toàn hạt nhân. Pháp cũng đang phát triển những công nghệ mới, như tham gia sản xuất lò phản ứng hạt nhân EPR, đây là công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Pháp cũng xuất khẩu hơn 5-10 lần so với mức trung bình trong ngành công nghiệp, nhất là xuất khẩu cho các quốc gia tại châu Á và Bắc Mỹ.
Theo Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN), việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân EPR trong 7 năm sẽ giúp tạo ra 8.350 công việc, rồi sau đó trong 60 năm tới sẽ cần thêm 1.650 lao động để vận hành lò phản ứng này.
(Xem tiếp kỳ sau)
S.Phương
-
Năng lượng hạt nhân có dấu hiệu “nóng” trở lại?
-
Các ngân hàng hàng đầu thế giới ủng hộ năng lượng hạt nhân
-
Các nhà đầu tư đặt cược vào sự trở lại của năng lượng hạt nhân
-
Phía sau việc phương Tây do dự trừng phạt ngành hạt nhân Nga
-
Bản tin Năng lượng xanh: Thủ tướng Nhật Bản Kishida tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về việc tái khởi động nhà máy hạt nhân của Tepco
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh