Năng lượng hạt nhân có dấu hiệu “nóng” trở lại?
Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Nga không ngừng mở rộng ngành công nghiệp hạt nhân thì nhiều nước phương Tây lại đi theo hướng ngược lại do chi phí xây dựng công nghệ này quá cao và có nhiều giải pháp thay thế rẻ hơn.
Gần đây, mối lo ngại về sự nóng lên toàn cầu và an ninh nguồn cung năng lượng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dấy lên sự quan tâm mới về nguồn năng lượng nguyên tử.
Nhiều quốc gia đang mở rộng đầu tư vào năng lượng hạt nhân. |
Các quốc gia đang tái đầu tư vào năng lượng hạt nhân như thế nào?
Một số quốc gia cam kết xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới công suất lớn. Một số khác đang chi tiền để kéo dài tuổi thọ của các cơ sở hiện có. Nhiều lò phản ứng ở các quốc gia giàu có đang sắp hết tuổi thọ thiết kế ban đầu, thường là 40 năm. Tuổi thọ của lò phản ứng có thể được kéo dài, nhưng sẽ tiêu tốn khoản đầu tư đáng kể.
Một số quốc gia cũng đang đầu tư vào các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Theo đó, các bộ phận tiêu chuẩn sẽ được chế tạo tại nhà máy và vận chuyển để lắp ráp tại chỗ, do đó giảm chi phí của lò phản ứng. Nhưng việc thương mại hóa SMR đã bị trì hoãn, do vậy việc triển khai còn kéo dài nhiều năm nữa.
Ai đang hành động?
Tại các quốc gia phương Tây, Anh và Pháp là người dẫn đầu. Anh, nơi các lò phản ứng hiện tạo ra khoảng 15% điện, muốn tăng con số này lên 25% vào năm 2050, bằng cách xây dựng tới 8 lò phản ứng công suất lớn. Pháp, nơi đã tạo ra 70% điện bằng năng lượng hạt nhân, có kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới, đồng thời kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hiện có.
Nhật Bản, từng là một trong những quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn để khởi động lại ngành công nghiệp của mình sau thảm họa năm 2011 tại nhà máy Fukushima, khiến 3 lò phản ứng hạt nhân bị phá hủy sau trận động đất và sóng thần buộc hơn 100.000 người phải di dời. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn muốn nâng tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện lên 50% vào năm 2030.
Tại các quốc gia châu Âu khác: Hungary đang xây dựng một cặp lò phản ứng mới với Rosatom Corp. của Nga. Cộng hòa Séc đã chọn Korea Hydro & Nuclear Power Co. để xây dựng 2 tổ máy và Ba Lan đã chọn Westinghouse Electric Corp. để xây dựng nhà máy đầu tiên, mặc dù nguồn tài chính của cả hai vẫn chưa được đảm bảo. Đức đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào tháng 4/2023, nhưng vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu.
Hoa Kỳ đã hoàn thành lò phản ứng mới đầu tiên sau 3 thập kỷ vào tháng 6/2024 nhưng chưa có thêm bất kỳ dự án mới nào được lên kế hoạch, thay vào đó các nhà đầu tư tập trung vào việc phát triển SMR và khôi phục các nhà máy đã bị đóng cửa sớm. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bắt đầu vận hành lò phản ứng mới thứ tư vào tháng 3/2024. Hàn Quốc, quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại UAE, muốn xây dựng ít nhất 3 lò phản ứng mới trong nước vào thập kỷ tới và đầu tư thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài. Các quốc gia khác đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những lập luận phản đối năng lượng hạt nhân
Những người phản đối nói rằng Fukushima là thảm họa gần đây nhất chứng minh rằng năng lượng hạt nhân quá nguy hiểm. Các thảm họa khác cũng từng giải phóng bức xạ xảy ra tại Three Mile Island, Hoa Kỳ vào năm 1979 và Chernobyl, Ukraine, khi đó thuộc Liên Xô, xảy ra 7 năm sau đó.
Ngoài ra còn gây tốn chi phí và rủi ro về môi trường khi xử lý rác thải lò phản ứng, do rác thải này vẫn có thể còn phóng xạ nguy hiểm trong hàng nghìn năm.
Những người chỉ trích chỉ ra rằng tình trạng chi phí quá lớn đã cản trở các dự án lò phản ứng mới ở Hoa Kỳ và châu Âu. Việc xây dựng các nhà máy mới công suất lớn có thể mất tới một thập kỷ, điều đó sẽ không kịp đối với các quốc gia đã cam kết cắt giảm một nửa ô nhiễm khí nhà kính vào năm 2030. Những người phản đối lập luận rằng các loại năng lượng sạch hơn và an toàn hơn, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể được triển khai nhanh hơn.
Những lập luận ủng hộ năng lượng hạt nhân
Những người ủng hộ chỉ ra rằng tai nạn rất ít và nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại về người nhiều hơn mỗi năm do tai nạn và ô nhiễm. Các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cho thấy không có tác động xấu nào đến sức khỏe con người do tiếp xúc với bức xạ từ vụ tai nạn Fukushima. Những người ủng hộ điện hạt nhân cũng nhấn mạnh rằng các lò phản ứng nhỏ hơn, tiên tiến hơn trong tương lai sẽ thậm chí còn an toàn hơn.
Họ lập luận rằng, sự lựa chọn không phải giữa năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo mà là giữa hai nguồn năng lượng này cùng hoạt động hay không thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Các nguồn carbon thấp cung cấp khoảng 2/5 nguồn cung cấp điện của thế giới vào năm 2023 - con số này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2026 khi năng lượng tái tạo được mở rộng và nhiều năng lượng hạt nhân hơn vẫn được sử dụng.
Lập luận cho rằng năng lượng hạt nhân là giải pháp cho biến đổi khí hậu đã được thúc đẩy vào năm 2022, khi các nhà lập pháp Liên minh châu Âu bỏ phiếu cho phép các dự án năng lượng hạt nhân được dán nhãn là khoản đầu tư xanh.
Năm nay, các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ đã chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ mà họ đang xây dựng để vận hành các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
D.Q
Bloomberg
-
Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương
-
Năng lượng hạt nhân có dấu hiệu “nóng” trở lại?
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
VOOWESS 2024: Hội nghị quốc tế về lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG