Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/3/2023
Xuất khẩu dầu mỏ Iran đạt mức cao nhất trong 4 năm qua - kể từ năm 2018, khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Ảnh: Tehran Times |
Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đạt mức cao nhất kể từ khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt
Hãng tin Tasnim dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Owji ngày 12/3 thông báo xuất khẩu dầu mỏ nước này đạt mức cao nhất trong 4 năm qua - kể từ năm 2018, khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Theo Bộ trưởng Javad Owji, năm nay theo lịch Iran (bắt đầu từ ngày 21/3/2022), xuất khẩu dầu của nước này tăng 83 triệu thùng so với năm trước và tăng 190 triệu thùng so với mức từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022. Xuất khẩu khí đốt của Iran cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran năm 2018, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều nước ngừng mua dầu mỏ của nước này. Ngày 9/3 vừa qua, Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với khoảng 39 thực thể mà Washington cho là tạo điều kiện cho Iran tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Brian O'Toole nhận định động thái này của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu khí của Iran.
Thị trường dầu mỏ trở nên thiếu chắc chắn sau xung đột Nga-Ukraine
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Burkhard thuộc công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Mỹ), nhận định thị trường dầu mỏ về một số mặt đã hoàn toàn thay đổi so với trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Theo ông Burkhard, một thị trường toàn cầu với sự cạnh tranh mở không còn tồn tại nữa và tình trạng hiện tại được gọi là phân vùng.
Việc châu Âu cắt đứt nguồn cung nhiên liệu khỏi Nga đã khiến “lục địa già” phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Đông và Mỹ. Sự thay đổi trên giúp Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, trong khi những nước từ chối mua dầu thô của Nga phải trả thêm phí để nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác.
Ông Burkhard cho hay hiện nay dầu được định giá dựa trên nguồn gốc chứ không phải chất lượng. Tình trạng phân vùng thị trường cũng ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển dầu thô. Việc châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga buộc hàng xuất khẩu của Nga phải đi xa hơn để đến tay người mua.
Ấn Độ và Trung Quốc tranh mua dầu thô Nga
Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc đang cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ về khối lượng dầu hỗn hợp ESPO vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 4, hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết.
Sau khi các khách hàng phương Tây từ bỏ, không mua trực tiếp năng lượng xuất khẩu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những người mua lớn. Trung Quốc thường mua toàn bộ khối lượng dầu thô ESPO được vận chuyển từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương do vị trí gần, dự kiến sẽ nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong tháng 3.
Trong khi đó, tính hết các hợp đồng giao hàng trong tháng 4, các nhà máy lọc dầu độc lập của Ấn Độ Reliance Industries và Nayara Energy báo cáo đã thu gom ít nhất 5 trong số khoảng 33 lô hàng dầu thô ESPO do giá thấp. Con số này tăng so với chỉ một tàu giao hàng vào tháng 3. Giá dầu thô ESPO bốc hàng trong tháng 4 tới Ấn Độ thấp hơn khoảng 5 USD/thùng so với báo giá của Dubai trên cơ sở giao hàng xuất xưởng (DES).
Pháp chính thức ban hành Luật tăng tốc năng lượng tái tạo
Pháp đã chính thức ban hành Luật về tăng tốc năng lượng tái tạo ngày 12/3, một tháng sau khi Quốc hội nước này chính thức thông qua. Luật này nhằm mục đích giúp Pháp bắt kịp tiến trình phát triển năng lượng tái tạo sau khoảng thời gian trì trệ.
Văn bản này đã được Quốc hội Pháp chính thức thông qua vào ngày 7/2/2023, sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện. Hôm 9/3, Hội đồng Hiến pháp đã hợp thức hóa việc công nhận các lý do cấp bách về lợi ích công cộng (RIIPM) đối với một số dự án năng lượng tái tạo, đã được đưa vào luật.
Tiếp theo luật này, Cơ quan hành pháp sẽ trình bày trước Quốc hội về Dự luật thúc đẩy việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới. Sau đó, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định, chậm nhất là vào mùa hè này, về tương lai năng lượng của Pháp, cùng với Luật về chương trình năng lượng áp dụng trong nhiều năm, ấn định tỷ lệ của từng loại năng lượng, bao gồm cả hạt nhân.
Ấn Độ không vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây vì mua dầu thô của Nga
Ấn Độ sẽ không vi phạm các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga, bao gồm cả cơ chế áp trần giá 60 USD/thùng dầu thô từ Moscow, Bloomberg mới đây trích dẫn. Trong khi đó, các quan chức Ấn Độ đã không công bố rằng họ sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt và giới hạn giá dầu thô do Nhóm G7 áp đặt đối với Nga.
Trong những tháng qua, Ấn Độ - quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, đã nắm bắt cơ hội để mua dầu thô hàng đầu của Nga với mức giá chiết khấu tốt, đây là bàn đạp để quốc gia này chống lạm phát năng lượng.
Cam kết của Ấn Độ giữ nguyên giá trần và tiếp tục mua dầu thô từ Moscow được đưa ra trong bối cảnh lo ngại dòng chảy trong tương lai có thể tạm thời bị ảnh hưởng sau khi các nhà tài chính cảnh giác với việc vi phạm lệnh trừng phạt và yêu cầu của phương Tây và các đồng minh.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/3/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/3/2023 |
H.T (t/h)