Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/8/2022
Ai Cập đang muốn biến cảng El Hamra thành "trung tâm kinh doanh dầu mỏ toàn cầu". Ảnh minh họa: tanknewsinternational |
Việt Nam cần 8 tỉ đến 14 tỉ USD đầu tư điện mỗi năm
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam sẽ cần đầu tư từ 8 tỉ đến 14 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để phát triển các nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện. 75% trong số này sẽ dành cho các nhà máy điện mới, ưu tiên năng lượng tái tạo và 25% cho việc mở rộng lưới điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2021 Việt Nam đã cam kết trở thành trung hòa carbon vào năm 2050, sẽ nâng công suất gió ngoài khơi lên 7 gigawatt (GW) vào năm 2030 và lên 65 GW vào năm 2045, đồng thời cắt giảm tỉ trọng than trong cơ cấu năng lượng của mình.
Theo đó, Việt Nam sẽ không bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào quy hoạch tổng thể phát triển điện và sẽ chỉ tiếp tục các dự án than đang được xây dựng cho đến năm 2030. Tháng trước, Bộ Công Thương đã yêu cầu chính phủ loại bỏ các dự án than với tổng công suất trong tương lai là 14,12 GW khỏi Quy hoạch điện VIII đang được soạn thảo.
EU chính thức “cấm cửa” than Nga
Lệnh cấm hoàn toàn của Liên minh châu Âu (EU) đối với than nhập khẩu từ Nga bắt đầu có hiệu lực từ đêm 10/8 và được đưa ra vào thời điểm EU đang vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hồi tháng 4, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU đã đồng ý lệnh cấm vận than của Nga nhằm tác động vào mục tiêu xuất khẩu năng lượng quan trọng của nước này. Biện pháp này phải chịu thời gian gia hạn 120 ngày trước khi thực hiện đầy đủ, để cho phép các hợp đồng đã có từ trước được thực hiện.
Cho đến năm ngoái, EU đã nhập khẩu khoảng 45% lượng than, ước tính trị giá khoảng 4 tỉ Euro (4,1 tỉ USD) từ Nga. Một số quốc gia bao gồm Đức và Ba Lan sử dụng than để sản xuất điện nên đặc biệt phụ thuộc vào Moscow. Lệnh cấm vận đối với Nga đã thúc đẩy EU đẩy mạnh nhập khẩu từ các nguồn khác, bao gồm Mỹ, Australia, Nam Phi và Indonesia.
Nga nối lại dòng chảy cung cấp dầu cho EU
Nhà điều hành đường ống Transneft cho biết dòng chảy dầu từ Nga sang EU được khởi động lại sau khi Ukraine nhận được phí trung chuyển. Theo đó, dầu đã được bơm qua nhánh phía nam của đường ống Druzhba bắt đầu từ 13h00 (giờ GMT) hôm 10/8.
Hôm 8/10, Transneft thông báo Ukraine đã đình chỉ dòng chảy dầu thô đến các khu vực của Trung Âu qua đường ống Druzhba vì các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Moskva không thực hiện được các khoản thanh toán.
MOL hôm 10/8 cho biết họ đã chuyển phí vận chuyển để sử dụng đoạn đường ống của Ukraine. Theo hãng thông tấn RIA Novosti, phí trung chuyển được thực hiện từ cả Hungary và Slovakia, trong khi Kiev đã xác nhận đã nhận được tiền.
Nhu cầu than tăng vọt trên toàn thế giới
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 9/8 ra thông báo cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt, chủ yếu do xung đột ở Ukraine, đã khiến nhu cầu than toàn cầu tăng mạnh, ước tính mức tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu tăng 0,7% vào năm 2022, đạt 8 tỉ tấn.
Theo IEA, tiêu thụ than toàn cầu trong năm 2021 đã lên hơn 7,9 tỉ tấn, từ năm 2021, sản lượng than tiêu thụ đã tăng trở lại, khoảng 6%. Nguyên nhân bởi sự gia tăng các hoạt động sản xuất và kinh tế sau đại dịch Covid-19 và do giá khí đốt tự nhiên tăng lên khiến nhiều nước có xu hướng chuyển sang sử dụng than đá.
Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, đã tăng nhu cầu thêm 4,6% vào năm 2021, đạt mức kỷ lục 4,23 tỉ tấn. Tại Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu than cũng dự kiến tăng 7% do xuất khẩu khí đốt của Nga giảm. Tuy nhiên, châu Âu chỉ chiếm khoảng 5% lượng tiêu thụ than trên thế giới.
Ai Cập triển khai kế hoạch mở rộng cảng dầu El-Hamra
Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla cho biết, nước này đã bắt đầu triển khai kế hoạch mở rộng cảng dầu El-Hamra - nằm bên bờ Địa Trung Hải - bằng cách bổ sung 4 bể chứa dầu, với mỗi bể có dung tích 630.000 thùng, đưa tổng công suất chứa dầu của cảng El-Hamra lên 5,3 triệu thùng.
Kế hoạch mở rộng này là nhằm đưa cảng dầu El-Hamra trở thành trung tâm lưu thông dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ chiến lược trên bờ Địa Trung Hải. Trang web "Oil Price" của Mỹ cho hay cảng dầu El Hamra đã trở thành tuyến đường vận chuyển dầu mới của Nga, đồng thời cho rằng Ai Cập đang muốn biến cảng El Hamra thành "trung tâm kinh doanh dầu mỏ toàn cầu".
Ai Cập cũng đang quyết tâm trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng xanh chủ chốt trong khu vực. Thông qua các thỏa thuận có tổng trị giá lên tới 40 tỉ USD ký với các công ty quốc tế, nhiều dự án sản xuất hydro xanh dự kiến sẽ được triển khai trong Khu kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập vào năm 2030.
Dầu thô Libya hóa giải vấn đề giá dầu thế giới tăng
Sau nhiều tháng giảm sản xuất, sản lượng dầu thô Libya tăng lại hơn 1 triệu thùng/ngày, kể từ giữa tháng 7. Trước đó, Libya chỉ sản xuất một nửa sản lượng, chủ yếu do tình trạng bất ổn chính trị tiếp diễn ở nước này.
Theo các nhà phân tích thị trường, nhờ Libya không ngừng sản xuất dầu thô nên giá dầu trên toàn cầu đã hạ xuống dưới 100 USD/thùng hồi đầu tháng 8. Việc Libya chưa bao giờ ngưng sản xuất dầu là chìa khóa giúp thị trường dầu quốc tế cân bằng trở lại và hạ giá bán, đồng thời là một cách ổn định chính trị ở nước này.
Theo Ben Fishman - chuyên gia về Libya và là nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Chính sách Cận Đông (Mỹ), việc ổn định sản lượng dầu của Libya vốn được miễn trừ khỏi mức trần sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có thể giúp thị trường có thêm từ 500.000 đến 1 triệu thùng dầu/ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tăng nguồn cung khí đốt nếu cần
Ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez tuyên bố, nước này sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga.
Ông Donmez nêu rõ: "Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã tuyên bố ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ không tuân thủ quyết định dựa trên các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Chúng tôi có hợp đồng hiện hành với Nga, cũng như Azerbaijan và Iran, về cung cấp khí đốt. Chúng tôi đang liên hệ với họ. Nếu cần, chúng tôi có thể tăng nguồn cung".
Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhiều nước phương Tây đã đưa ra một số gói trừng phạt Moscow. Hiện một số quốc gia đang kêu gọi phương Tây từ bỏ nhiên liệu của Nga, bao gồm cả khí đốt tự nhiên.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/8/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/8/2022 |
T.H
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)