Nhiều vướng mắc trong cấp vốn cho các dự án năng lượng xanh
Năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ
Ngày 29/12, tại Hà Nội Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Kinh tế Việt Nam, GIZ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Vietinbank và doanh nghiệp ngành năng lượng…
Đánh giá về những kết quả đã đạt được và những khó khăn thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định, văn bản nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) |
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển vừa qua còn có nhiều bất cập như giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển lúc nóng lúc lạnh; việc phát triển lưới điện phân phối truyền tải không đồng bộ với sự phát triển của các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến quá tải lưới truyền tải và giảm công suất phát của một số nhà máy điện năng lượng tái tạo…“Tính đến hết tháng 10/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000MW. Hiện cũng có khoảng 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất khoảng 500MW và 325MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10MW…” - ông Quân nói.
Cũng theo Phó cục trưởng Cục điện lực Năng lượng tái tạo, để có thể phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào chính sách, chuyển sang đấu thầu cạnh tranh tạo công bằng minh bạch cho các nhà đầu tư; tăng cường hạ tầng truyền tải, hệ thống lưu trữ, điều độ vận hành hệ thống điện…
Vướng mắc trong thu hút nguồn vốn
Đại diện doanh nghiệp năng lượng, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, hiện tại việc tiếp cận nguồn vốn từ các nguồn tài chính để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề về thủ tục pháp lý. Tại Việt Nam có hơn 30 loại giấy tờ cần phải chuẩn bị, nếu là nhà đầu tư trong nước sẽ mất khoảng một năm, nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải mất khoảng 2-3 năm do không thông thạo thị trường.
Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam. |
Bên cạnh đó, việc huy động vốn đầu tư từ các ngân hàng tương đối khó khăn trong khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong nước còn hạn chế. Từ những khó khăn trên, ông Huân đề nghị Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, có những hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, mặc dù đứng trước nhiều cơ hội đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững nhưng đây cũng là lĩnh vực đầu tư mới, hành lang pháp lý liên quan cũng được được cơ quan chức năng ban hành và hoàn thiện nên việc cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, vướng mắc về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư là yếu tố đầu tiên bởi nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư hiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn yêu cầu nguồn vốn tương đối lớn trong khi thời gian xây dựng và lắp đặt ngắn… Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác liên quan đến việc tính toán, dự báo sản lượng điện khi lập dự án, tiến độ hoàn thành dự án, việc vận hành dự án, việc đấu nối, truyền tải điện…
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Nói về những khó khăn trong huy động nguồn vốn cho năng lượng tái tạo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro. Việc thẩm định các dự án năng lượng tái tạo do phải tuân thủ quy hoạch ngành có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao, năng lực yếu kém của một số chủ đầu tư, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là ngắn hạn, dự án gặp khó khăn về hạ tầng, đấu nối truyền tải điện dẫn đến không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện, chính sách phát điện chưa ổn định...
Kiến nghị, giải pháp
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đại diện VietinBank kiến nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với định hướng phát triển ngành điện, ban hành các hướng dẫn cụ thể, thông tin hỗ trợ về thủ tục đầu tư, quy trình thực hiện dự án… Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại; nghiên cứu cho phép ngân hàng thương mại được sử dụng trái phiếu/khoản cấp tín dụng cho ngành năng lượng làm tài sản đảm bảo để tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng nhà nước…
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản về chính sách tín dụng cho năng lượng tái tạo, văn bản quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Từ đó, các ngân hàng thương mại đã nghiên cứu xây dựng và triển khai các sản phẩm cho vay dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo như: BIDV cam kết tài trợ tương đương 37 triệu USD cho dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp; VCB ký kết hợp đồng tín dụng 200 triệu USD tài trợ cho các dự án NLTT; SHB triển khai "dự án phát triển năng lượng tái tạo - REDF" do ngân hàng thế giới tài trợ; TPBank với gói tín dụng "tài trợ dự án điện mặt trời dành cho doanh nghiệp"...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng và các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có thể giải quyết tốt nhất việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Theo số liệu của VietinBank, việc tài trợ lĩnh vực năng lượng hiện tại đang chiếm 15% danh mục tín dụng của VietinBank, trong đó, 37% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành dầu khí, 40% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành than, 78% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành điện. Riêng đối với ngành điện, VietinBank đã triển khai giải pháp theo chuỗi giá trị ngành điện, trong đó có quan hệ với 90% các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện, tài trợ 500 dự án phát điện, 20 dự án truyền tải và đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 100% các doanh nghiệp phân phối điện. |
Xuân Hinh
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Emirates sử dụng 37% năng lượng sạch để vận hành trung tâm kỹ thuật
-
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bản tin Năng lượng xanh: EU thay đổi quy tắc đấu giá dự án hydrogen để hạn chế sự hiện diện của công ty Trung Quốc
-
Bản tin Năng lượng xanh: Báo cáo của IRENA cho thấy tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo thúc đẩy sự cạnh tranh về chi phí