Nhiều ngành nghề sẽ "bật dậy" trong mùa dịch
Chuyển đổi để thích nghi
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tiki, căn cứ theo dữ liệu của Tiki, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, chỉ số mua sắm của khách hàng tăng mạnh, nổi bật nhất là ngành hàng tiêu dùng. Ông Sơn dự đoán, trong thời kỳ hậu COVID-19, nhu cầu mua sắm chia thành hai thái cực tượng trưng cho hai nhóm khách hàng. Đầu tiên là nhóm khách hàng có nhu cầu giải trí ngay lập tức và sẽ hướng về các ngành như du lịch, giải trí. Nhóm khách hàng thứ hai tập trung vào tiêu dùng tiết kiệm, họ sẽ quan tâm tới mua sắm nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
Các doanh nhân khách mời tham gia Vietnam CEO Forum phần 3. |
CEO Tiki cho biết, với thị trường Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 22-25% thị phần, còn lại vẫn là bán lẻ truyền thống. Mặc dù tốc độ chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang hiện đại đang diễn ra nhanh hơn, nhưng một số ngành phải mất rất lâu để chuyển dịch như thực phẩm tươi sống, y tế, đặc biệt là ở nông thôn.
“Những ngành này trước đây có thời gian phải mất 10 năm mới có sự thay đổi nhưng nhờ dịch mà đi nhanh hơn, rút ngắn thời gian rất nhiều. Trong tương lai, để ngành hàng bán lẻ trụ vững và đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì doanh nghiệp phải tận dụng sức mạnh của cộng đồng và nhất là phải dùng sức mạnh của công nghệ”, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom nhận định, FPT thuộc 15% số doanh nghiệp hoạt động như trước đại dịch và hiện tại đang là “doanh nghiệp chiến đấu”, vì ông và đội ngũ doanh nghiệp phải làm việc nhiều hơn, giải quyết nhiều bài toán khó khăn hơn, thay vì chuyển sang trạng thái “ngủ đông” như phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch, hàng không, nhà hàng - khách sạn.
Theo ông Tiến, khoảng thời gian 4 đến 12 tuần sắp tới được xem là “lò xo nén”, 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh. Trên thực tế, đại dịch COVID-19 không hạ gục được cộng đồng doanh nghiệp Việt, vì vậy, ông tin tưởng và khẳng định lạc quan rằng “mặt trời” sẽ chiếu sáng nhiều ngành nghề khi chúng ta xác định sống chung với đại dịch.
So sánh mỗi doanh nghiệp như một xe đua công thức 1 trên đường đua đến thành công, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính, Tập đoàn NovaGroup cho biết, những doanh nghiệp đầu tàu - gần mặt trời nhất thì sẽ có cơ hội vực dậy sớm nhất. Bên cạnh đó, mỗi “chiếc xe đua” phải tận dụng những khúc cua trên đường để tạo thành lợi thế, tìm kiếm cơ hội sau mỗi khúc cua đó để bứt phá trên đường đua sau đại dịch.
“Năm 2020, NovaGroup tiếp tục tái cấu trúc với chiến lược trở thành Tập đoàn kinh tế gồm 3 trụ cột: Novaland Group, Nova Services Group, Nova Consumer Group, hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản, Thương mại - Dịch vụ, Nông nghiệp - Hàng tiêu dùng. Câu chuyện của NovaGroup phát triển đa ngành chính là tạo sự vững vàng để vượt qua những khúc cua sắp tới”, ông Thái Phiên cho biết.
Dịch vụ khách hàng là giải pháp cho doanh nghiệp
Về hướng phát triển cho các doanh nghiệp sau đại dịch, ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki nhận định, sẽ không có câu trả lời đúng toàn bộ cho tất cả doanh nghiệp. Ví dụ trong tương lai, Tiki dự định sẽ triển khai làm việc từ xa nhiều hơn. COVID-19 củng cố quyết tâm biến điều đó thành chiến lược lâu dài cho đội ngũ kỹ sư nội bộ, và thu hút kỹ sư nước ngoài.
“Tuy nhiên, việc đóng gói, giao hàng vận chuyển thì vẫn phải làm trực tiếp. Doanh nghiệp sản xuất cũng vậy. Giải pháp là tạo ra cơ chế để ản xuất an toàn. Sử dụng công nghệ để áp dụng được cho sản xuất số lượng lớn, và các doanh nghiệp cũng nên tính tới tự động hóa 1 phần”, CEO Tiki nhận định.
Trong tương lai, Tiki dự định sẽ triển khai làm việc từ xa nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đóng gói, giao hàng vận chuyển thì vẫn phải làm trực tiếp. |
Là một doanh nghiệp công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom dí dỏm nhắc về trải nghiệm riêng biệt của từng khách hàng thông qua một món ăn bình dân, như món bún ốc cũng có thể tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Do vậy, dịch vụ khách hàng chính là giải pháp cho các doanh nghiệp.
“Chúng ta không bán sản phẩm, mà chúng ta bán trải nghiệm mua hàng. Không quan trọng sản phẩm, mà là trải nghiệm của khách hàng khi mua sản phẩm đó. Ví dụ ngành hàng trang sức, hình thức mua bán online không thể thay thế được hình thức mua bán offline, vì trải nghiệm khách hàng rất đặc biệt”, ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cho rằng, cần phải xây dựng được hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Không chỉ bán lẻ, sản xuất, phân phối, viễn thông, tài chính. Người dẫn đầu doanh nghiệp phải có tư duy doanh nhân đặc biệt. Phải có lòng tin sắt đá là mình sẽ làm được mọi việc. Ai ứng dụng công nghệ tốt hơn, người đó sẽ chắc thắng.
Đồng ý với nhận định trên, ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch YBA, CEO Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, PNJ phải đóng 300 cửa hàng toàn quốc nhưng vẫn có đơn đặt hàng từ các dịch vụ online.
“Lúc đó chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu hình thức bán hàng online có thay thế được tất cả hay không? Nhưng kinh doanh trang sức chỉ thật sự hiệu quả khi mang đến trải nghiệm vật lý cho người mua, nên chắc chắn phải có cân bằng giữa online và offline. Trong thời buổi chuyển giao công nghệ, chắc chắn tỷ trọng mua sắm online sẽ tăng, và hành vi khách hàng cũng khác và biến động liên tục. Doanh nghiệp phải làm sao thay đổi cho kịp, mà vẫn theo đuổi cốt lõi phục vụ, mang đến giá trị cho khách hàng”, ông Lê Trí Thông chia sẻ.
Bài 1: Vì sao các hiệp hội ngành nghề phải kêu cứu? |
TP HCM: Quy định rõ 13 nhóm đối tượng không cần giấy đi đường |
Những ngành nghề nào nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận đầu tư? |
Theo DDDN
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Kiến tạo không gian phát triển mới cho mua bán hàng hóa
-
Tin tức kinh tế ngày 23/9: Thu thuế thương mại điện tử tăng trưởng đột phá
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt