Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhiễm khuẩn bệnh viện - S.O.S!

07:36 | 04/12/2017

609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết luận của Hội đồng chuyên môn về cái chết của 4 trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh chính là vì nhiễm khuẩn bệnh viện. Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây tử vong cho bệnh nhân trước khi họ chết vì bệnh lý. 

Nhiễm khuẩn từ chính nhân viên y tế

TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cảnh báo, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cần được coi là một vấn đề cấp bách trong công tác khám chữa bệnh hiện nay, đặc biệt là sau 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Điều đó cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện đã ở mức báo động nghiêm trọng.

Thông thường nhiễm khuẩn bệnh viện bắt đầu từ nhân viên y tế khi họ mang trong mình các tác nhân gây bệnh. Xét đến cùng thì sở dĩ nhân viên y tế mang mầm khuẩn gây bệnh như vậy cũng bắt đầu từ chính bệnh nhân. Họ đã thải vào môi trường có thể qua hình thức gián tiếp và trực tiếp số lượng lớn vi khuẩn tới mức vượt quá chỉ số cho phép để rồi lây chéo cho người khác và người khác tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Cứ như vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện tăng lên. Chưa kể các yếu tố bên ngoài tác động như môi trường nước, không khí…

nhiem khuan benh vien sos
Các nhân viên y tế phải rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân

TS Sơn phân tích: Nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ các yếu tố nội sinh như: bệnh nhân ở một số chuyên khoa có tình trạng miễn dịch kém, suy giảm khả năng phòng vệ của cơ thể, những người bệnh dùng thuốc kháng sinh kéo dài, trẻ sinh non tháng thì các vi sinh vật cư trú trên da, các hốc tự nhiên của cơ thể người bệnh có thể gây nhiễm khuẩn cơ hội, đặc biệt khi cơ thể bị giảm sức đề kháng.

Bên cạnh đó là các yếu tố ngoại sinh như: Vệ sinh môi trường, nước, không khí, chất thải, quá tải bệnh viện, nằm ghép, dụng cụ y tế, các phẫu thuật, các can thiệp thủ thuật xâm lấn… Nhưng quan trọng nhất trong đó là yếu tố liên quan đến sự tuân thủ quy định về phòng chống nhiễm khuẩn về vệ sinh tay, sử dụng chung găng, khẩu trang chưa đúng quy định (lạm dụng mang găng, dùng một đôi găng tay cho nhiều người bệnh..), các đơn vị khử khuẩn, tiệt khuẩn hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ mũi tiêm an toàn đạt các tiêu chuẩn đề ra còn thấp… Và như vậy có thể hiểu, nguyên nhân nhiễm khuẩn bệnh viện chủ yếu từ chính nhân viên y tế.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khảo sát khoảng gần 4.000 bệnh nhân tại 15 bệnh viện trên cả nước: Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 29,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở.

Phải vô khuẩn ở bệnh viện

Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện 3,5-10% người bệnh nhập viện. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao hơn, 5-15% và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các khoa hồi sức cấp cứu 9-37%. Riêng tại Việt Nam, nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được xác định đầy đủ do có ít tài liệu được công bố. Tuy nhiên, kết quả của một số cuộc điều tra của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện 4,2-8,1% với nhiễm khuẩn thường gặp như viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn huyết và một số nhiễm khuẩn khác.

Bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 đánh giá, nhiễm khuẩn bệnh viện ở nước ta đang là vấn đề nan giải. TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai nhận xét: “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam thực sự là một thách thức. Điều đó liên quan tới ý thức cá nhân, vai trò trách nhiệm của một người đối với mọi người. Một người không tuân thủ tốt nhiễm khuẩn thì nguy cơ nhiễm khuẩn là vẫn còn. Kể cả trong môi trường đã được phun thuốc diệt khuẩn”.

Để giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam, TS Nguyễn Việt Hùng khẳng định, đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh. Thứ hai, trong quá trình nhân viên y tế làm thủ thuật cho bệnh nhân cần đảm bảo vô khuẩn, nếu không đây sẽ là “con đường” cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân cũng là một đối tượng lưu giữ vi khuẩn định cư ở người bệnh vì là nơi thân cận, tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nên cũng phải thực hiện các biện pháp vô khuẩn đối với những người này. Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra một số biện pháp phòng chống nhiễm trùng khi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện cho cả nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân như rửa tay, dùng găng tay, dùng khẩu trang, kính, mặt nạ, mặc áo blouse, dụng cụ y tế bảo đảm vệ sinh, kiểm soát môi trường bệnh viện và giặt sạch, khử trùng các đồ từ vải…

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh dừng hoạt động khoa sinh non

Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, đơn nguyên sinh non của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tạm dừng hoạt động để sát khuẩn. Bởi kết quả cấy vi khuẩn trên tay y, bác sĩ và vị trí các bệnh nhi nằm tại khu vực chăm sóc trẻ sinh non Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, phát hiện có sự hiện diện vi khuẩn đang kháng thuốc nguy hiểm. Vi khuẩn này là thủ phạm gây sốc nhiễm khuẩn gây tử vong 4 trẻ sinh non hôm 20-11.

Để thực hiện được việc này, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã phải chuyển 20 trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng nhất lên tuyến trên: Bệnh viện Nhi Trung ương (8 cháu), Bệnh viện Phụ sản Trung ương (9 cháu) và Bệnh viện Bạch Mai (3 cháu) để chăm sóc và điều trị. Theo các chuyên gia y tế, kết quả cấy ở các cháu bé bệnh nặng nhất chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bạch Mai cũng cho thấy có vi khuẩn đa kháng thuốc. Một bé ở Bệnh viện Nhi Trung ương mắc vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter là cầu khuẩn gram âm, có khả năng tích lũy những cơ chế kháng thuốc. Các bé này đều được điều trị cách ly phòng riêng ở các bệnh viện để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.

Nguyễn Anh