Nhật ngăn cản máy bay ném bom Nga vào không phận
Máy bay ném bom TU-95 của Nga
Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nhật ngày 22/8 cho biết như trên. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên máy bay Nga xâm phạm không phận Nhật kể từ tháng 2/2013, khi hai chiến đấu cơ Nga tiến vào khu vực gần đảo Hokkaido.
Hai máy bay ném bom loại TU-95 bay trong không phận Nhật khoảng gần 2 phút vào lúc trưa ngày 22/8, theo nguồn tin trên. Nhật đưa các phản lực cơ chiến đấu F-2 lên ngăn chặn.
Tại Matxcơva, khi được hỏi về việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Luskashevich, nói rằng ông không biết và sẽ tìm hiểu thêm. Còn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận cáo buộc trên của Nhật.
Vụ này xảy ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 4/2013 đồng ý sẽ tái lập các cuộc thương thảo để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Hôm 19/8 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cũng đã có cuộc hội đàm tại Matxcơva về khả năng hai nước ký Hiệp ước hòa bình, và những nội dung cần được bàn bạc trong giai đoạn tiếp theo của cuộc thương lượng về quần đảo Kurils.
Phát biểu với báo giới trước cuộc họp, Thứ trưởng Morgulov cho biết: “Như các lãnh đạo hai bên đã đồng ý, chúng tôi lo việc thảo luận về những nét chính, những thể thức dùng cho những cuộc đàm phán sắp tới về thỏa thuận hòa bình”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga hy vọng hai nước sẽ sớm tiến đến việc phát triển quan hệ đối tác trong nhiều lãnh vực.
Phía Nhật Bản cũng hy vọng thúc đẩy nhanh chóng công cuộc tìm kiếm những giải pháp khả dĩ được hai bên chấp nhận. Ông Sugiyama còn nói lên cảm nhận là hai bên là những người bạn thân thiết, nhưng ông cũng thận trọng cho là không biết lúc nào đàm phán hòa bình thực sự có thể bắt đầu.
Đảo Kunashiri, một trong bốn hòn đảo thuộc nhóm đảo Kurils đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga
Tokyo và Matxcơva đang tranh chấp chủ quyền ở khu quần đảo mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là Nam Kurils. Tranh chấp này khiến hai bên không ký được thỏa ước để chính thức chấm dứt tình trạng thù nghịch thời Thế chiến thứ hai.
Theo giới phân tích, chuyến thăm Nga hồi tháng 4/2013 của Thủ tướng Abe có ý muốn hòa hoãn với Nga vì mục tiêu chính trị cũng như kinh tế. Ông Abe rút kinh nghiệm quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc trong tranh chấp các đảo Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Dokdo, cho nên muốn làm dịu đi quan hệ với Nga.
Ngoài ra, Nhật cần nhập năng lượng từ Nga, sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ngược lại, Matxcơva cũng muốn nâng trao đổi thương mại song phương với Tokyo. Kim ngạch trao đổi hai bên đạt 32 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy là hai láng giềng gần nhưng Nga chỉ là đối tác thương mại đứng hàng thứ 15 của Nhật Bản.
Nh.Thạch
Reuters
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới