Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm siêu tiêm kích tàng hình thế hệ 5
Mô hình siêu tiêm kích ATD-X được trưng bày tại triển lãm
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại và quốc phòng Thượng viện Nhật Bản, ông Onodera cho biết, việc bay thử ATD-X sẽ được tiến hành trong năm nay. Trước đó, theo trang tin quân sự Jane, ATD-X sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trong năm tài khóa 2014.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sẽ thử nghiệm động cơ trang bị trên mẫu máy bay chiến đấu tương lai, bao gồm cả việc thử nghiệm khả năng làm việc ở độ cao lớn, tính bền vững của thiết kế nhằm làm tiền đề cho chuyến bay thử đầu tiên.
Cũng trong năm 2014, hãng phát triển máy bay Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản sẽ tiến hành hàng loạt thử nghiệm trên nguyên mẫu ATD-X Shinshin. Đến năm 2015, mẫu tiêm kích mới này sẽ được chuyển giao cho lực lượng Phòng vệ trên không và Cục Quản lý Nghiên cứu và Phát triển TRDI (TRDI - Technical Research and Development Institute) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản để tiếp tục kiểm tra.
Nguyên mẫu ATD-X Shinshin
Dự án phát triển ATD-X Shinshin do TRDI xây dựng, còn MHI là nhà thầu chính. Nhật bắt đầu phát triển mẫu tiêm kích thế hệ 5 ATD-X từ năm 2004 và đến nay đã chế tạo thành công 2 mẫu thử nghiệm tĩnh để nghiên cứu cấu tạo và lắp đặt thiết bị. Nguyên mẫu ATD-X đầu tiên bắt đầu được lắp ráp vào tháng 3/2012.
Ngoài Mitsubishi Heavy Industries, tham gia dự án phát triển tiêm kích ATD-X còn có các công ty Fuji Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries. Các công ty này chịu trách nhiệm về thân vỏ, cánh, buồng lái và các trang bị buồng lái. Riêng khối động cơ phản lực luồng kép XF5-1 sẽ do công ty Ishikawajima-Harima Heavy Industries cung cấp.
Được biết, tiêm kích ATD-X ứng dụng công nghệ tàng hình, kể cả hình dáng tán xạ sóng radar, các vật liệu hấp thụ sóng điện từ và vật liệu composite. ATD-X Shinshin cũng có thể được trang bị radar đa chế độ với ăng-ten mạng pha chủ động, hệ thống điều khiển từ xa, hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống trao đổi thông tin thống nhất.
Động cơ phản lực luồng kép XF5-1 là sản phẩm của công ty Ishikawajima-Harima Heavy Industries
Tuy nhiên, Nhật Bản hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của dự án này. Sau khi hoàn tất giai đoạn phát triển, máy bay mới có thể được xem xét sản xuất hàng loạt và thay thế các tiêm kích F-2 lạc hậu (biến thể của F-16 Fighting Falcon) do Mitsubishi sản xuất.
Theo ông Onodera, vào năm tài khóa 2018, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ quyết định tự sản xuất mẫu tiêm kích tàng hình mới hoặc hợp tác phát triển trong khuôn khổ một chương trình quốc tế.
Trong năm tài khóa 2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã duyệt chi 2,7 tỉ yên (26,5 triệu USD) cho dự án nghiên cứu radar và các hệ thống điều khiển hỏa lực, cho phép phát hiện và tiêu diệt các máy bay sử dụng công nghệ tàng hình tối tân.
Minh Quân (Theo Lenta/SCMP)
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ