Nhà trường không được ép học sinh mua sách tham khảo
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hiện tượng nhiều trường ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. "Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục", ông Đam nói.
Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ tối cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải trình nội dung này. Theo Bộ, sách tham khảo theo chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được nhiều đơn vị tổ chức xuất bản, phát hành trên thị trường. Một số tên nổi bật như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (có nhiều công ty trực thuộc tham gia), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM... Sự tham gia của nhiều đơn vị giúp thị trường sách tham khảo phong phú, mỗi môn học có rất nhiều sách theo từng khối, lớp, cách thức tiếp thị, phát hành đa dạng.
Học sinh đọc sách trong thư viện. |
Để việc sử dụng sách tham khảo trong các nhà trường bảo đảm chất lượng, năm 2014 Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư về Quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Văn bản quy định việc lựa chọn, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo thuộc trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Sở, Phòng Giáo dục có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra hoạt động này.
Nhằm tránh việc giáo viên cố tình đưa nội dung từ sách tham khảo vào bài kiểm tra nhằm bắt ép học sinh mua sách, thông tư quy định: Giáo viên không được sử dụng nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học... Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không được lạm dụng vị trí công tác để thực hiện hoặc tham gia ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Bài tập trong sách giáo khoa là "tình huống" để hướng dẫn
Cũng trong báo cáo này, Bộ Giáo dục lần nữa giải thích việc thiết kế bài tập có khoảng trống với câu lệnh "điền vào chỗ chấm" nhằm xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức, từ tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi... Qua đó, học sinh được làm quen với các dạng bài trong kiểm tra, đánh giá theo xu hướng thế giới, rèn luyện thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức...
Đối với các bài có thí nghiệm, học sinh được hướng dẫn tiến hành theo nhóm và ghi số liệu vào bảng trong Phiếu học tập (lập theo mẫu trong sách giáo khoa) để tính toán, phân tích, rút ra kết luận. Các em không cần ghi số liệu thí nghiệm vào bảng trong sách. Với dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, đánh dấu..., học sinh phải ghi vào vở phương án trả lời (dự kiến), kèm theo lời giải thích để trình bày, thảo luận trên lớp.
"Vì sách giáo khoa được sử dụng đang trong quá trình học sinh học tập để thu nhận kiến thức mới, nên bài tập được đưa ra với vai trò là tình huống để học sinh dự đoán. Khi dự đoán, các em sẽ có nhiều phương án lựa chọn và tạo ra mâu thuẫn nhận thức. Giáo viên do đó cần sử dụng các dạng bài tập in trong sách giáo khoa làm tình huống học tập, từ đó hướng dẫn các em ghi vào vở dự kiến phương án trả lời kèm giải thích lý do lựa chọn, để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng", báo cáo của Bộ Giáo dục viết.
Bộ Giáo dục đồng thời khẳng định cách làm trên thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà sách giáo khoa hướng tới. Nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa rồi đánh giá kết quả là đúng hay sai thì hiệu quả dạy học không cao, hạn chế trong việc phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Dù đã có những yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở các em ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách, thực tế chỉ 35% sách giáo khoa có thể sử dụng lại.
Trước đó, dự thảo Báo cáo Kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho biết, việc thiết kế các bài tập cho học sinh điền vào sách giáo khoa là nguyên nhân chủ yếu khiến phần lớn sách chỉ sử dụng một lần và thay mới mỗi năm tới 100 triệu bản, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, bức xúc dư luận.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy hầu hết sách giáo khoa các lớp tiểu học, nhiều sách cấp THCS (tập trung ở sách khối khoa học tự nhiên) có thiết kế phần bài tập trắc nghiệm cho học sinh điền vào. 7/12 cuốn sách giáo khoa lớp 6 đó có in bài tập để học sinh điền đáp án trực tiếp. Tỷ lệ này ở bộ sách giáo khoa lớp 1 là 6/8.
Không sách giáo khoa nào có dòng lưu ý học sinh không ghi đáp án trực tiếp vào sách. Ngược lại, câu mệnh lệnh được đưa ra ở những bài này với yêu cầu rất rõ ràng là: "Điền vào chỗ trống trong bảng sau"; "Đánh dấu x vào câu trả lời đúng trong bảng dưới đây"... Thậm chí, một số bài tập thực hành môn Vật lý, Sinh học, sách giáo khoa cũng yêu cầu điền kết quả thí nghiệm vào bảng biểu đã kẻ sẵn trong sách.
Theo VnExpress
-
Tử vi ngày 16/11/2024: Tuổi Tỵ cơ hội thăng tiến, tuổi Dần tinh thần lạc quan
-
Dự báo tiếp tục có bão số 10 đổ bộ vào Biển Đông
-
Bổ sung 800 tỷ đồng xây cầu Phong Châu mới
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập huấn truyền thông về quyền con người
-
PVMR và Trung tâm QCC hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu
- Tử vi ngày 16/11/2024: Tuổi Tỵ cơ hội thăng tiến, tuổi Dần tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 15/11/2024: Tuổi Sửu sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân bước tiến tích cực
- Tử vi ngày 14/11/2024: Tuổi Mão quý nhân nâng đỡ, tuổi Ngọ tin vui bất ngờ
- Tử vi ngày 13/11/2024: Tuổi Mùi cơ hội thăng tiến, tuổi Thìn gặt hái thành quả
- Tử vi ngày 12/11/2024: Tuổi Thân tài lộc tăng tiến, tuổi Dậu tinh thần dấn thân
- Tử vi ngày 11/11/2024: Tuổi Tỵ dám nghĩ dám làm, tuổi Dần triển vọng đầu tư
- Tử vi ngày 10/11/2024: Tuổi Ngọ quyết định khôn ngoan, tuổi Tuất gặp gỡ quý nhân
- Tử vi ngày 9/11/2024: Tuổi Thìn chạm đến mục tiêu, tuổi Tuất tin vui tìm đến