Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhà công vụ khác tư gia

07:00 | 05/04/2014

985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở ta, nhà công vụ đang có nguy cơ biến thành tư gia khiến Bộ Xây dựng đang lo “đòi” lại bằng cái hạn 90 ngày.

Năng lượng Mới số 310

Dù to lớn như Điện Kremlin, Nhà Trắng hay Điện Élyse cho đến một căn tranh tre nứa lá của cô giáo cắm bản ở huyện Mù Cang Chải đều là nhà công vụ dành cho người đương chức. Hết nhiệm kỳ, nghỉ hưu, chuyển công tác đều trả lại để người kế nhiệm ở. Điều này ai cũng biết, kể cả người không bao giờ có chức đủ tiêu chuẩn ở nhà công vụ. Ấy vậy mà ở ta, nhà công vụ đang có nguy cơ biến thành tư gia khiến Bộ Xây dựng đang lo “đòi” lại bằng cái hạn 90 ngày.

Chợt nhớ chuyện Bác Tôn và việc trả nhà, không nhận nhà của Bác. Ôi giá như cán bộ của ta học tập và làm theo Bác Tôn thực hiện dĩ công vi thượng thì việc xử lý nhà công vụ dễ dàng biết bao. Sinh thời, sau thời gian ở trong Phủ Chủ tịch, Bác Tôn đã sống và làm việc trong ngôi nhà 35 Trần Phú, Hà Nội. Bác đã nói với hai người con gái: “Đây là nhà của Nhà nước cấp cho ba, khi ba chết thì phải trả lại Nhà nước, vì vậy các con nên kiếm một chỗ khác mà ở”. Quả thật sau khi Bác Tôn về với Bác Hồ, ngôi nhà này được trả ngay cho Nhà nước và dùng làm văn phòng cơ quan chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em. Sau giải phóng miền Nam, Trung ương có nhã ý dành cho Bác Tôn một biệt thự ở ven sông Sài Gòn và đích thân Phó thủ tướng Phạm Hùng giao cho những người giúp việc Bác vận động Ông Cụ đồng ý. Nào ngờ Bác từ chối. Ông Cụ bảo: “Kháng chiến gian khổ, mình không có sức vô chiến đấu, giờ hòa bình mới vô, lại ở nhà to, đẹp; thế chẳng bằng vô chiếm nhà sao?”. Biết tính Bác nên anh em đành từ bỏ ý định thuyết phục. Sau này nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu nhận xét rằng, học tập Bác Tôn là “học đạo làm người!”. Đạo làm người cách mạng, người cán bộ, đảng viên bắt đầu từ các việc nhỏ nhất, không được lấy của công làm của tư.

Tôi biết một ông sếp cũ quyết không chịu trả số tài sản của cơ quan mà ông mượn dẫu chẳng đáng là bao nếu xếp nó vào số đồ thanh lý. Ông “mượn” của cơ quan cái xe Honda ốc bươu kim vàng giọt lệ “để chủ động công việc”, chiếc tivi Sony để “bám sát thời sự”, cái bàn làm việc, cái tủ áo, cái phích nước đun điện… và một lô thứ linh tinh khác. Khi ông nghỉ hưu, các nhân viên hành chính biết tính ông nên không ai dám đề xuất việc thu hồi số tài sản công này. Kịp đến kỳ kiểm kê mới biết ông mượn nhiều quá và “quên” không trả thứ gì. Đùn đẩy nhau mãi, phòng hành chính mới sao gửi cho ông phiếu kiểm kê số tài sản ông đang mượn để nhắc khéo. Tưởng ông sẽ gọi người đến mang về. Nào ngờ ông nổi nóng quát tháo ầm ĩ trong điện thoại về đạo lý, về ăn ở có hậu… khiến mấy cô hành chính sợ chết khiếp… Thế rồi “để lâu cứt trâu hóa bùn”, ông sếp mới đành cho lập biên bản tiêu hủy tài sản hư hỏng không thanh lý được. Sẽ nặng lời nếu bảo ông tham lam nhưng nhẹ hơn thì chẳng biết gọi việc này là gì? Chẳng lẽ là tham lam vặt?

Chuyện mượn tài sản công tưởng đã chìm vào quên lãng thời kinh tế thị trường nào ngờ nay lại có tình tiết mới, giá trị mới. Đó nhà công vụ.

Đừng ai nói rằng, các quan chức này không biết quy định sử dụng nhà công vụ! Không thể có chuyện quan chức cấp cao có tiêu chuẩn ở nhà công vụ lại mù tịt quy định tối thiểu này!

Tuy nhiên, cuộc đời không phải ai cũng vậy! Tôi có quen biết một quan chức cấp cao từng ở nhà công vụ tại khu Hoàng Cầu. Ông vốn là Chủ tịch UBND một tỉnh miền Trung. Được thuyên chuyển (chứ không phải luân chuyển như 44 cán bộ mới đây) ra Trung ương nhậm một chức vụ tương đương thứ trưởng ở một ủy ban của Quốc hội. Suốt thời gian dài ông yên tâm ở nhà khách cơ quan. Tuy không đến nỗi cơm niêu nước lọ nhưng cũng là ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân như cố nhà thơ - Đại tá Thanh Tịnh. Mãi sau ông mới nhận nhà công vụ Hoàng Cầu. Có người gợi ý sao không chuyển vợ con ra Hà Nội, ông có tiêu chuẩn đấy, tội gì!? Ông bảo, tội thật đấy, chạy làm sao được! Lại đến khi sắp nghỉ hưu có người gợi ý ông đưa con cháu vào “cố thủ” chiếm nhà, ông gạt phắt. Trước giờ lên máy bay, ông gọi ngay cán bộ quản trị đến trả nhà, bất chấp hàng xóm có người lườm nguýt và mấy căn nhà đóng cửa im ỉm dù chủ nhân đã về họp chi bộ ở phường, xã quá nửa nhiệm kỳ. Ứng xử như ông hơi bị hiếm!

Hẳn vì vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy Bộ Xây dựng vừa có thông tư quy định quan chức nghỉ hưu, hoặc sử dụng sai mục đích... phải trả lại nhà công vụ. Hóa ra, trên thực tế, việc quan chức nghỉ hưu chây ỳ không chịu trả lại nhà công vụ không phải là chuyện hiếm. Bởi nếu hiếm thì cần gì ban hành thông tư. Thế nhưng, quy định thì dễ thôi, ký cái roẹt là xong, thậm chí nếu không ổn thì rút lại như một số quy định, nhưng tính thực thi đến đâu vẫn là chuyện cần bàn… Xin lưu ý, hầu hết các vị đều được phân nhà, chia đất ở địa phương trước khi về Trung ương nhậm chức.

Tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội), có 80 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2000. Tại khu nhà công vụ này hiện chỉ còn 15 vị đủ các tiêu chuẩn ở nhà công vụ, nghĩa là 65 vị phải trả lại nhà. Thế nhưng bên cạnh nhiều người sẵn sàng trả nhà vẫn có ý kiến “lạ”. Một ông cựu thứ trưởng giữ lại căn hộ để cho con trai. Ông thản nhiên, trả rồi mình biết ở đâu? Ông đang đợi “cấp quản lý” cho ý kiến chỉ đạo bởi vì ông về Bộ làm việc là do điều động, không phải xin về. Một bà thứ trưởng đương chức ở đây từ năm 2004, nhưng hiện để lại cho con trai ở. Bà bảo để lại cho con trai ở là đúng chứ có vấn đề gì đâu. Bà đã xin phép ban quản lý rồi. Nay có thông tư đòi thì con bà sẽ chuyển đi nơi khác và trả lại nhà.

Lại có mấy ông “nguyên”, ông “cựu” chưa trả nhà bảo sẽ trả lời báo chí sau vì liên quan tới nhiều vấn đề (!?). Không biết là vấn đề gì đây! Chắc không phải là vấn đề đạo làm quan! Nghe nói có vị đòi được mua nhà ở xã hội, nhà chính sách vốn chỉ dành cho người nghèo. Thu nhập thấp!?

Các chuyên gia cho biết, Luật Nhà ở 2005 (sắp sửa đổi) quên không nêu việc cán bộ về hưu trả lại nhà mà có quy định cán bộ chỉ được ở nhà công vụ trong quá trình công tác. Chính vì vậy, Thông tư 01 quy định rõ 5 trường hợp sẽ bị thu hồi nhà ở công vụ: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê; Người thuê chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê có nhu cầu trả lại nhà; Người đang thuê nhà bị chết; Người thuê sử dụng nhà sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Cũng theo thông tư này, sau khi nhận thông báo thu hồi nhà, cán bộ có 90 ngày để di dời và trả lại nhà. Thông tư cũng có hai từ “cưỡng chế” đấy, xin quý vị lưu ý giữ uy tín cho cơ quan cũ và bản thân!

Thọ Vinh