Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhà cổ nông thôn: Không giữ sẽ mất hết!

11:18 | 09/09/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
Cảnh quan làng quê Việt đang bị tác động dẫn đến sự thay đổi, biến dạng, biến mất, là hệ thống nhà cổ, nhà cũ nông thôn. Những ngôi nhà này đã có sự ra đi không trở lại!

Thiếu một điểm tựa

Quay lại một làng quê Việt nào đó, người ta có thể ngỡ ngàng trước những đổi thay “hoa cả mắt”. Từ cảnh quan đến kiến trúc làng quê bị xáo trộn, bê tông hóa, những thiết chế văn hóa như di tích đình, chùa, cổng làng, cổng thôn xóm được làm mới, những ngôi nhà truyền thống thay thế bởi nhà hộp kiên cố hay những kiểu biệt thự chắp vá và lòe loẹt. Hiện trạng này thực tế đã rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, “nuốt” dần những dáng nét làng quê, những giá trị độc đáo của kiến trúc truyền thống. Trong đó, sự mất mát của những ngôi nhà cổ, nhà cũ gần như không có một biện pháp nào để cứu giúp.

nha co nong thon khong giu se mat het
Nhà cổ ở làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội

Nhiều ngôi nhà cổ truyền thống làng quê Việt tính đến nay đã có tuổi thọ cả trăm năm và hơn thế. Cũng đã tồn tại với thời gian gần như vậy là nhiều ngôi nhà được kết hợp phong cách kiến trúc, trang trí Đông - Tây đặc sắc, lại thêm những chiếc cổng nhà đắp hoa văn sinh động. Đó thực sự là những di sản kiến trúc, xây dựng quý giá của các làng quê, nơi phản ánh kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật tạo hình, sự giao thoa văn hóa trong đời sống nông thôn từ hàng trăm năm trước về sau này. Chúng rất đáng được bảo vệ, kéo dài độ bền vững.

Nhưng nay, chỉ một số làng quê mang danh hiệu di tích quốc gia như làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội và làng cổ Phước Tích ở Huế… là có những quy định của ngành văn hóa và địa phương về việc bảo tồn, giữ gìn nhà truyền thống, cùng những yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với việc sửa chữa, cơi nới của các gia đình sở hữu. Còn lại, việc quản lý nhà cổ, nhà cũ ở làng quê gần như bị thả nổi. Không có gì ràng buộc mang tính pháp lý. Cũng không có nguồn hỗ trợ nào của ngành văn hóa hay địa phương cho việc giữ gìn những ngôi nhà cổ, nhà cũ. Không gian sống, sinh hoạt của các ngôi nhà này lại thuộc về sở hữu của các gia đình. Sự tăng nhân khẩu và nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt sao cho thuận tiện cũng là thực tế ở nông thôn. Ngoài ra với điều kiện kinh tế phát triển, nhiều gia đình có nhu cầu xây mới nơi ở cho hiện đại, bề thế… Những nguyên nhân này khiến cho nhà cổ, nhà cũ bị tháo dỡ, biến mất dần.

Giữ rất khó khăn

Làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nơi nổi tiếng không chỉ với nghề làm tương, làm miến cùng truyền thống “phi thương bất phú” lâu năm, mà còn bởi quần thể nhà cổ theo truyền thống Việt, nhà cũ ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt nối liền nhau trong màu xanh tươi tốt của những hàng cây lớn, tạo nên một cảnh quan làng quê Việt tuyệt đẹp. Nhưng nay theo chuỗi xây dựng ồ ạt, nhà bê tông kiểu mới mọc lên khắp làng, chen lấn, thay thế dần những nhà cổ, nhà cũ.

nha co nong thon khong giu se mat het
Ngày càng vắng bóng nhà cổ nông thôn

Tình cảnh này cũng là chung cho cả chuỗi làng xã ven sông Nhuệ vốn lưu giữ nhiều nếp nhà đẹp, từ các thôn của xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đến hai thôn Cự Đà, Khúc Thủy của xã Cự Khê (huyện Thanh Oai)… Và cả hai làng cổ đối diện ở bên kia sông Nhuệ gồm các thôn Tả Thanh Oai, Thượng Phúc của xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Giờ đây khó lòng gọi những không gian làng quê này là nơi có quần thể nhà truyền thống đặc sắc được nữa. Mà những di sản kiến trúc, xây dựng quý giá ấy bị lép vế trong ngổn ngang, chen chúc, vươn cao của những loạt nhà mới sơn đủ màu sặc sỡ. Và “cụm” làng nơi tiếp giáp hai huyện Thanh Trì và Thanh Oai của Hà Nội này, cũng chỉ là một khoảng trong rất nhiều “cụm” khác đã, đang và còn bị đe dọa, “gặm nhấm” dẫn đến biến mất dần những ngôi nhà cổ, nhà cũ.

Với hàng loạt câu hỏi về sự bảo tồn có tính hệ thống, tổng thể, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành trong việc bảo vệ cảnh quan, kiến trúc làng cổ truyền thống như đã được nêu ra qua rất nhiều kỳ cuộc bàn thảo, nếu cứ mãi đưa ra cách nghĩ về sự đồng bộ, đồng loạt, đồng thời này, chắc chắn, việc giữ lại những ngôi nhà cổ, nhà cũ nông thôn sẽ khó lòng đi đến đâu. Điều cần thiết trong bối cảnh mất mát không ngừng hiện nay là việc ngay lập tức có những biện pháp bảo tồn, đặt thẳng vào từng chủ đề cụ thể. Ví dụ như yêu cầu giữ gìn hình dáng, kiến trúc của những ngôi nhà.

Tuy nhiên, bài toán tìm sự cân bằng giữa sở hữu tư nhân và tác động, điều chỉnh của quy định pháp luật hẳn sẽ làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu và quản lý mà sự bất đồng quan điểm giữa chính quyền, ban quản lý di tích với người dân làng Đường Lâm cách đây chưa lâu là minh chứng. Giữ trong bối cảnh những ngôi nhà cổ, nhà cũ khó đáp ứng nhu cầu cơi nới, chỉnh sửa của những người sống trong lòng nó, lại càng khó. Cũng chính vì sự bức bối này, nên việc giữ gìn phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.

Chọn lọc để bảo tồn

Khó lòng có thể giữ lại được tất cả những nhà cổ, nhà cũ ở khắp các thôn làng nông thôn mà trước mắt cần có sự chọn lọc để bảo vệ. Cần có cuộc khảo sát ở các địa phương để khoanh vùng những quần thể, cụm hay cá thể nhà cổ, nhà cũ còn giữ được sự nguyên vẹn về hình dáng, kết cấu, các giá trị mỹ thuật. Từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn nguyên trạng và dần có những chương trình gia cố, trùng tu, bảo tồn tùy theo mức độ xuống cấp, hư hỏng. Đương nhiên, với những hạng mục đó, phải có hình thức đầu tư từ ngân sách nhà nước, kết hợp với điều kiện thực tế của gia chủ để cùng gìn giữ, kèm theo những ràng buộc về mặt pháp lý, đảm bảo việc giữ nguyên trạng, và mọi sửa chữa, cơi nới, điều chỉnh… phải có sự đánh giá của các ý kiến chuyên môn về kiến trúc, văn hóa, mỹ thuật...

Với những cụm nhà, ngôi nhà cổ lưu giữ nhiều giá trị điêu khắc, kiến trúc độc đáo, khi gia chủ có nhu cầu bức thiết cần mở rộng không gian sinh sống cho con cháu, Nhà nước và địa phương cần có quỹ đất để di chuyển, tái định cư cho gia đình. Bảo vệ những ngôi nhà cổ, nhà cũ còn đòi hỏi việc bảo vệ về không gian. Như vậy phải có những tính toán cụ thể để kiểm soát khoảng cách, chiều cao của những ngôi nhà lân cận khi các hộ xung quanh có sự xây dựng mới hay cơi nới, sửa chữa. Ngoài ra, trong sự phát triển của các hoạt động du lịch về cội nguồn, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm đời sống nông thôn, cần xây dựng các tour du lịch nhà cổ, nhà cũ, coi đó như những điểm đến tham quan, trải nghiệm của du khách. Việc này cũng góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình chủ sở hữu và phần nào huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua du lịch vào việc bảo vệ, giữ gìn những ngôi nhà quý giá.

nha co nong thon khong giu se mat het
Nhà cổ nông thôn ở làng Cựu, Phú Xuyên

Một số biện pháp bảo vệ được triển khai ở làng cổ Đường Lâm xem ra bất thành, dẫu rằng, khu làng cổ di tích quốc gia này có sự quản lý của Nhà nước về di sản. Tuy vậy, bản thân quần thể làng cổ vùng đá ong xứ Đoài này, chưa thể là đại diện cho tất cả những nét đặc sắc của nhà cổ, nhà cũ khu vực Hà Nội hay đồng bằng Bắc bộ và rộng hơn là các vùng quê khác. Bởi thế, rất cần đưa những làng cổ, những quần thể, cụm hay cá thể nhà cổ giàu giá trị vào “tầm ngắm” để quy hoạch, quản lý, kiểm soát. Tất nhiên, việc đó phải bằng những biện pháp hài hòa giữa chủ trương của nhà nước với lợi ích của người dân, chứ không phải bằng sự áp đặt cứng nhắc và duy lý, gây ra sự phản cảm và phản ứng của quần chúng.

Xuyên Sơn