Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Ngày mới, đề tài mới…
Nhà báo Đậu Ngọc Đản (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân (tháng 3/1975) |
Khoảnh khắc cuộc đời
Chậm rãi nhưng khúc triết, mạch lạc, nhà báo Đậu Ngọc Đản mở đầu câu chuyện bằng hai câu thơ: “Nếu các anh trở về đông đủ/Sư đoàn ta đã thành mấy sư đoàn” và ký ức mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị ùa về. Khi đó, ông là phóng viên thuộc biên chế của Tổng cục Chính trị Quân đội, lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt.
Từ Quảng Trị, tháng 2/1975, ông được lệnh vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân. Ngày 26/3/1975, có mặt ở Huế, sau đó đi xe máy vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng ngày 29/3. Một tháng sau, tức ngày 29/4, vừa đến Xuân Lộc, ông gặp Cục trưởng Cục Văn hóa Hồng Cư và Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu. Ông trực tiếp nhận nhiệm vụ cùng Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 vào Sài Gòn và tiến thẳng vào Dinh Độc lập.
“11h30 ngày 30/4, ngoài tôi còn có anh Hoàng Thiểm (quê Hà Giang) có mặt ở đây” – ông nhớ lại. Khi có mặt ở Dinh Độc Lập, ông chứng kiến và chụp được bức ảnh lịch sử về chiếc xe tăng 390 tiến vào.
Thế nhưng, khiêm nhường, nhà báo Đậu Ngọc Đản bảo, tôi tự hào là trong hàng nghìn nhà báo vào trận, có được may mắn luôn được đi theo mũi chủ lực của quân giải phóng, chứng kiến những giờ phút giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Người viết không tin đó chỉ là may mắn mà trên hết, là ý thức, trách nhiệm của những người làm báo thời chiến, bởi trong mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ, có biết bao nhà báo, chiến sỹ như ông đã dấn thân, sẵn sàng hy sinh để ghi lại hình ảnh, đưa những dòng tin chiến đấu, chiến thắng làm nức lòng quân dân cả nước.
Kinh nghiệm tác nghiệp và triết lý làm nghề
“Kinh nghiệm muôn thuở, đặc trưng nghề nghiệp là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác” – nhà báo già say sưa với dòng ký ức, vào Sài Gòn bằng xe tăng và lúc này tìm phương tiện giao thông có thể di chuyển thật khó và ông lại không biết đường. Tình thế gấp gáp, ông nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính Sài Gòn. “Tôi là nhà báo miền Bắc vào. Bây giờ có tài liệu cần đưa ra Hà Nội. Ai biết lái xe và có thể đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?” Một người lính nhỏ con, da hơi đen, mạnh dạn: “Tôi, Võ Cự Long. Tôi là sỹ quan lái xe dẫn đường cho đoàn xe của nội các Chính quyền Sài Gòn. Tôi sẽ đưa ông đi”.
Chiếc xe đưa nhà báo Đậu Ngọc Đản và phóng viên Hoàng Thiểm hướng cổng Phi Long - sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng tới đây, xe bị chặn lại, không thể vào sân bay được. Phương án thay đổi, phải lái xe hướng ra Đà Nẵng - Huế mới có thể có máy bay chuyển tài liệu ra Hà Nội. Nhờ có giấy tờ nhà báo làm nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xe đã ra khỏi thành phố lúc 2 giờ chiều ngày 30/4/1975. Xe đi suốt không nghỉ, tới ngày 2/5/1975 đến Huế an toàn.
Ngay buổi trưa hôm đó, anh Thiểm theo máy bay đưa tài liệu ra Hà Nội. Báo Nhân dân và Quân đội nhân dân ngày 3/5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975.
“Phản ứng nghề nghiệp ấy trước hết là do tính cấp bách, trọng đại của công việc, phải tìm mọi cách, dù nguy hiểm, hy sinh, nhưng phải chuyển được thông tin về cơ quan nhanh nhất” – ông Đản nói và giải thích thêm, vào thời điểm đó, các phương tiện thông tin của ta còn lạc hậu, của chế độ cũ đã bị cắt đứt, chưa khôi phục được, nên chuyển một tấm ảnh cũng kỳ công như vậy.
Mạnh dạn cắt ngang mạch chuyện của ông, người viết hỏi, làm báo bây giờ có khó hơn trước không, thưa ông? Điều gì cần nhất hay là một nguyên tắc tóm lược cho nghề báo?
Câu trả lời thật bất ngờ, rằng mình trân trọng cuộc đời, vì người khác, sẽ được mọi người trân trọng. Sâu hơn, ông bảo, nghề báo là một nghề hay vì được đi nhiều, nghe nhiều, do đó học được nhiều. Làm báo không muốn mới cũng phải mới, nên được và phải làm mới mình liên tục. Khi bài báo viết xong, trước mắt lại là một tờ giấy trắng, lại “về mo”, cái đầu cũng trắng. Ngày mới, đề tài mới, lại bắt đầu lại từ đầu… Và như thế, khi đã là nhà báo, dù không chức vụ gì, anh vẫn được người ta nhớ mãi.
Người làm báo phải đam mê, có ước vọng cống hiến, niềm tin chân lý, không lung lạc trước mọi cám dỗ, quyền lợi trái ngược với đạo lý. |
Báo Công Thương
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới