Người tuần rừng và đàn voọc mũi hếch
"Kiểm lâm” bất đắc dĩ
Gặp anh Ma Thanh Hưởng tại chốt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tát Kẻ – Bản Bung, người được ví như “ma rừng” bám sát loài voọc mũi hếch sinh sống tại khu vực này. Câu chuyện “gắn” anh Hưởng với việc tuần rừng thật tình cờ để rồi quãng thời gian hơn 7 năm anh có mặt và theo chân đàn voọc mũi hếch như cái duyên trời định.
Sinh năm 1978, Ma Thanh Hưởng học hết bậc tiểu học rồi ở nhà phụ giúp gia đình làm nương, phát rẫy. Hưởng chỉ biết những cây cổ thụ đến những đàn thú cả trăm con trong nhiều lần anh vào rừng nhặt củi, lấy măng… Thậm chí nhiều lần anh đã cùng với cánh thợ săn trong làng bắt trộm chúng mang về làm thức ăn hay nhắm rượu. Hưởng tâm sự thật thà: “Nói thật ngày đó mình còn gài bẫy để săn chúng, sau này nghe cán bộ kiểm lâm bảo là con voọc mũi hếch gì đó quý hiếm nên mình mới biết bảo vệ nó thôi”.
KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung được thành lập năm 1994, sự phong phú về đa dạng sinh học tại đây được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngoài những loài thực vật đặc thù trên núi đá vôi như nghiến, đinh, trắc, hoàng đàn… thì một trong những loài động vật quý hiếm còn nhiều cá thể duy nhất vùng này là voọc mũi hếch.
Với 30 hộ dân, trên 102 nhân khẩu của xã Khau Tinh nằm trọn trong KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung, nơi có nhiều khu rừng đặc dụng là môi trường sống của loài voọc mũi hếch. Điều này gây ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của loài động vật này.
Năm 1997, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang và Ban Quản lý KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung về việc đóng cửa rừng thì hầu hết những người dân nơi đây chấp hành tốt những quy định cấm xâm phạm đến rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người lén lút vào rừng săn bắn động vật, khai thác lâm sản.
Do lực lượng ngành Kiểm lâm lúc bấy giờ mỏng, địa hình tuần tra rừng đặc biệt khó khăn nên một kế hoạch của Ban Quản lý rừng đặc dụng Na Hang đã vạch ra phương án là chọn những người dân ngay chính khu rừng bảo tồn kết hợp với một số cán bộ kiểm lâm chủ chốt làm công tác bảo vệ.
Một kế hoạch được đưa ra là chọn những thanh niên khỏe mạnh, có hiểu biết và nhận thức, sau đó mở một lớp đào tạo phổ biến kiến thức về rừng, thông qua đó nhằm để họ tuyên truyền tới bà con dân bản.
Ngày đó Ma Thanh Hưởng là một trong những thanh niên của bản xông xáo nhất, có sức khỏe cộng thêm kiến thức nên Hưởng đã tình nguyện tham gia vào đội tuần tra rừng bằng hình thức “hợp đồng tuần rừng” với mức trợ cấp 500.000-700.000 đồng/tháng. Cùng với Hưởng còn nhiều thanh niên khác tham gia cùng đội như anh Quan Văn Thủng, Hoàng Quốc Dụ, Nông Văn Tĩnh… Mặc dù số tiền trợ cấp hỗ trợ cho việc tuần rừng ít ỏi nhưng các anh không bỏ cuộc. Họ càng thấy có ý nghĩa hơn khi cây rừng không còn đổ xuống mà người dân sản xuất bằng việc trồng bắp, cấy lúa, trồng rau cũng có đủ cái ăn.
Anh Hưởng kể lại: Chuyện từ năm 2001 về trước, khi dân không vào rừng nữa nên việc gặp những đàn voọc có số lượng từ 60-70 con là chuyện như cơm bữa. Chúng còn xuống tận các ruộng ngô, vườn của dân.
Kinh tế khó khăn, tiền trợ cấp tuần rừng không đủ để đảm bảo duy trì cuộc sống gia đình, thêm nhiều lý do nữa khiến “đội tuần rừng” tan rã chỉ còn lại Hưởng. Khó khăn không làm anh bỏ cuộc bởi tình yêu thiên nhiên, yêu động vật. Hưởng bảo, tuần rừng như một lời ăn năn bởi bản thân anh đã từng vào rừng săn bắn, bao nhiêu cây rừng đổ xuống do chính bàn tay mình và dân bản nơi đây đốn hạ.
Cứ như thế, suốt hơn 7 năm, hình ảnh chàng thanh niên cơm gói muối đùm lặng lẽ tuần rừng vì sự bình yên của nhiều loài động vật quý hiếm. Hỏi đường đi tuần rừng, những khu rừng có nhiều cây cổ thụ quý hiếm hay nơi ở và thường hay xuất hiện của các loài động vật quý hiếm anh đều biết và thuộc vanh vách.
Mình không bỏ cuộc
Ông Lê Công Viên – kiểm lâm viên chốt kiểm lâm thôn Tát Kẻ thường hay nói vui với chúng tôi: “Hưởng được phong là nhà nghiên cứu lâm sinh đó”. Sở dĩ như vậy bởi tính đến nay anh đã có hơn 7 năm đi tuần rừng và cũng chừng ấy thời gian anh theo chân chứng kiến sự sinh tồn của nhiều cá thể voọc mũi hếch.
KBTTN Tát Kẻ – Bản Bung thành lập thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về đa dạng sinh học đến đây để nghiên cứu. Hàng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Na Hang phải tiếp đón hàng chục đoàn tham quan KBT, các sinh viên từ các trường lâm nghiệp trong cả nước, các chuyên gia, nghiên cứu sinh… Vốn thông thuộc về địa bàn nên mọi nhiệm vụ dẫn đường mỗi khi khách có nhu cầu đều giao lại cho anh Hưởng.
Có lẽ ngay đến những cán bộ kiểm lâm nơi đây cũng không hiểu và biết tường tận đến quy luật sống của đàn voọc mũi hếch như anh Hưởng. Tất cả những cá nhân, tổ chức có nhu cầu anh đều nhiệt tình tham gia và tận tình hỗ trợ họ để hoàn thành tốt mục đích.
Kỷ niệm làm anh nhớ nhất là từ khi có chương trình bảo vệ đàn voọc do Dự án PARC tài trợ. Anh là người dân địa phương, lại thuộc đội tuần rừng thường hay chứng kiến sự xuất hiện của đàn voọc nên anh may mắn được mời tham gia cùng đoàn nghiên cứu. Anh Hưởng cho biết: “Để tham gia dự án của một một tổ chức nước ngoài như một đợt tập luyện cho những ai muốn tham dự giải ma-ra-tông”.
Để trở thành thành viên “đoàn nghiên cứu voọc” họ đề nghị anh Hưởng đã phải tập chạy bộ cả chục km đường rừng trong một ngày, leo dốc, đi rừng, leo cây. Cứ như thế anh phải thử sức mình trong 1 tuần lúc đó họ mới nhận anh vào tham gia đội tìm kiếm và nghiên cứu về loài voọc mũi hếch.
Tham gia nhiều ngày chuyến nghiên cứu về voọc cùng các chuyên gia người nước ngoài, Ma Thanh Hưởng phải ăn ở cả tuần, mắc võng ngủ trong rừng sâu để theo dõi đàn voọc. Nhiều khi những cơn mưa lớn trút xuống bất ngờ và những đêm sống với muỗi và vắt rừng đeo bám cùng bao nguy hiểm rình rập. Sau những chuyến đi rừng sức anh đã kiệt, những trận ốm thập tử nhất sinh những tưởng sẽ làm anh bỏ cuộc. Nhưng không, hơn 7 năm anh đã gắn bó hết mình với việc tuần rừng.
Những khó khăn với chàng thanh niên Ma Văn Hưởng đã quen rồi, với lòng nhiệt huyết của bản thân để những cánh rừng nguyên sinh mãi được bảo vệ nguyên giá trị. Dẫn chúng tôi thăm lại những cánh rừng nơi mà đàn voọc thuộc vào tầm ngắm được anh và cán bộ kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt, Hưởng nói như khoe với chúng tôi: Mình không làm được gì nhiều, nhưng không kiên trì thì có lẽ những đàn voọc giờ đây chắc cũng không còn nữa.
Nguyên Ngọc