Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Người Hà Nội rộn ràng nấu bánh chưng!

15:49 | 29/01/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Hương xuân thực sự đến với phố phường Hà Nội, không xa hoa, không cầu kỳ mà chỉ bằng hình ảnh nồi bánh chưng sùng sục sôi và ánh lửa bập bùng trong đôi mắt những người trông bánh...!

Sáng 29 Tết, Hà Nội vẫn cái rôm rả, nhưng rôm rả hôm nay không phải là những cung bậc xô bồ của xe cộ, của ồn ào phố thị hay phiền toái bởi những thanh âm kỳ quặc khác. Hà Nội nhộn nhịp bởi những tiếng hò nhau… vớt bánh.

Sự thật là, đã qua rồi cái thời mà hàng chục nồi bánh chưng được đặt cạnh nhau, xếp thành hàng dài trên phố, lửa cùng được nổi lên và rồi người người, nhà nhà quây quần quanh nồi bánh.

Người Hà Nội bây giờ tự gói bánh ít hơn, bởi chỉ cần ra siêu thị là mọi cao lương mỹ vị đều có tuốt, nói gì đến chiếc... bánh chưng.

Hiếm khi nào người Hà Nội lại được thảnh thơi xôm tụ như thế này

Thế nhưng, xuân năm nay người Hà Nội lại có nhã hứng gói bánh nhiều hơn. Khảo sát trên nhiều tuyến phố, không khó để bắt gặp từng đám người đang hỉ hả cười nói rồi cùng nhau trông bánh. Chỉ vậy thôi cũng đủ để thấy, hương xuân đang nhen lên trên từng ngõ phố.

Ngõ Gốc Đề (Hoàng Mai – Hoàng Văn Thụ), hai nồi bánh chưng được đặt cạnh nhau, bên trong là 50 chiếc bánh- “sản phẩm” của cả tổ dân phố. Suốt đêm qua, người trông bánh đã có một đêm thức trắng. Bác Hoàng Hằng cho biết: “Nói là của cả tổ, nhưng thực ra có mấy gia đình chung nhau thôi. Nhiều hộ bận rộn không có thời gian gói, mình gói được thì đem biếu họ, cả năm mới có một cái Tết, gói bánh chưng cũng là để mọi người trong phố có dịp gần nhau hơn. Nói thật, chẳng đáng là bao nhưng xuân về, nhà phải có chiếc bánh chưng tự gói mới là Tết”.

Một trong những người lĩnh nhiệm vụ "cao cả" là thức suốt đêm qua trông bánh, anh Trần Văn Nam chia sẻ: “Năm nào cũng thế, cứ vài gia đình một nhóm, chúng tôi lại tụ tập gói, rồi thay nhau trông bánh. Đã thành quen rồi, cũng có năm định không gói, nhưng cứ thấy thiếu vắng sao đó. Có năm đến 30 Tết mới lại hò nhau đi gói, bánh vớt ra thì cũng đúng lúc giao thừa”.

Đêm qua, nhiều người đã thức trắng

Cũng củi lửa, cũng chè nóng, càng không thể thiếu những câu chuyện đầu xuân xen cùng tiếng sôi lục bục của nồi bánh, những người đàn ông trên phố Nguyễn Phúc Lai (La Thành-  Hà Nội) tìm vui cuối năm trong nồi bánh chưng và những ván cờ.

Anh Dương Ngọc Tú chia sẻ: “Ngồi bên nhau trông nồi bánh chưng mới là không khí của ngày Tết truyền thống. Bánh nhà mình tự gói, tự luộc bao giờ cũng chất lượng hơn bánh đi mua. Mình thấy năm nay dân tình hò nhau gói bánh rất nhiều, cũng là bởi lo ngại thực phẩm không đạt chất lượng, lại còn luộc bánh bằng pin như báo chí đưa tin, chúng tôi rất sợ. Bánh tự tay mình gói vẫn hơn, cũng là có cái bánh tử tế để cúng ông bà tổ tiên. Năm nay, nhà mình gói 10 chiếc, chung với 4 gia đình khác, suốt chiều qua đến nay, mấy nhà thay nhau trông bánh, cũng là dịp được ngồi lại với nhau những ngày cuối năm”.

Suốt đêm qua, đã có nhiều người phải thức trắng đêm để trông bánh, những đêm cuối năm vì thế càng ý nghĩa hơn. Những câu chuyện thủ thỉ cùng nhau, những ánh lửa bập bùng trong ánh mắt... để những hoài niệm về năm cũ ùa về, để những tin tưởng vào một năm mới khởi sắc hơn. Xung quanh nồi bánh, người với người xích lại gần nhau hơn. Thế nên, không khó để lý giải vì sao bánh chưng lại không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Bởi từ lâu, mỗi dịp Tết đến xuân về, với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, Tết đoàn tụ.

Ông cha đã từng có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tất cả gói gém lại không đơn thuần là phong tục, là tập quán mà còn cả tình làng, nghĩa phố.Thế nên, dạo quanh phố phường Hà Nội những ngày cuối năm này, bắt gặp một hình ảnh Hà Nội khác, những bếp lửa bập bùng, những tiếng cười hỉ hả, người lớn trẻ nhỏ quây quần… Chắc rằng, rất nhiều người sẽ phải rưng rưng nhớ…!

 

Huyền Anh