Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Người chăn nuôi bị vạ lây

09:53 | 05/04/2012

484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc chất tạo nạc chỉ xảy ra ở một số cơ sở chăn nuôi làm ăn bất chính nhưng đã tạo phản ứng dây chuyền, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn.  Người chăn nuôi chân chính đang bị vạ lây khi giá lợn hơi rớt thê thảm, nhiều người nuôi lợn nhỏ lẻ còn bị thương lái ép giá, thu mua với giá rẻ. Các chuyên gia dự báo, sẽ có nhiều người bỏ chăn nuôi, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới.

Thịt lợn nạc trên thị trường hiện nay chủ yếu là do giống lợn siêu nạc và lợn lai. Người tiêu dùng không nên nhầm lẫn và đánh đồng thịt lợn giống siêu nạc và thịt lợn siêu nạc do hóa chất.

Từ khi có thông tin các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng, tạo nạc trên đàn lợn (vốn bị cấm lưu hành trên thị trường) thì giá lợn không chỉ ở Đồng Nai mà tại nhiều tỉnh thành khác liên tục giảm.

Giá thịt rớt thê thảm

Tại các trại chăn nuôi ở khu vực huyện Thống Nhất, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) giá thịt lợn hơi xuất bán khoảng 40.000 – 41.000 đồng/kg, nhưng các hộ nuôi nhỏ lẻ ở khu vực này chỉ bán được 39.000 đồng/kg.

Một nông dân ở huyện Định Quán cho biết, so với trước khi thông tin một số hộ chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc bị phát hiện (cuối tháng 2), giá lợn hơi đã giảm 7000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay nghề nuôi lợn bị lỗ trên dưới 6000 đồng/kg so với giá thành. Đầu tháng 3, giá thịt lợn hơi loại tốt là 47.000 đồng/kg, loại thường 40.000 – 41.000 đồng/kg, nay giá thịt lợn hơi tốt chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, loại thường chỉ bán được 37.000 đồng/kg. Cứ đà này thì chúng tôi đến phải bỏ chăn nuôi kiếm việc làm khác.

Mấy tuần qua, giá thịt lợn hơi tại một số tỉnh phía Nam liên tiếp giảm từ 52.000 đồng/kg xuống mức 42.000- 44.000 đồng/kg khiến chỉ trong một thời gian ngắn, người chăn nuôi đã bị thiệt hại nặng. Tại khu vực Tây Nguyên, so với đầu tuần, giá thịt lợn hơi tại khu vực Tây Nguyên và Bình Định giảm tiếp 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tại Đăk Lăk giá thịt hơi chỉ còn 43.000 – 44.000đ/kg.

Mặc dù đã có thông tin ban đầu về hóa chất cấm tại thị trường miền Bắc nhưng không khí kinh doanh cũng ảm đảm không kém phía Nam.

Anh Nguyễn Đình Tùng – chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết, đã mấy tuần nay, những con lợn siêu nạc của anh đã quá tuổi xuất chuồng nặng trên 1,3 tạ nằm la liệt. Bình thường mỗi ngày trang trại của anh xuất bán từ 5 – 7 con lợn thịt cỡ 100 – 110kg/con cho các chủ lò mổ. Đến nay mỗi ngày, giỏi lắm anh bán được 1 – 2 con. Nguy hiểm nhất là tình hình thị trường tiêu thụ thịt lợn đóng băng, đã khiến các lứa lợn đến tuổi xuất chuồng bị ách tắc nghiêm trọng.

Hiện trang trại anh đang bị dồn ứ khoảng 100 đầu lợn thịt, đồng nghĩa với việc các lứa lợn gối đầu phía sau sẽ không có nơi để ở. Anh đang lo “ngay ngáy”, và dự định “nếu một tuần nữa mà không bán được lợn, thì sẽ phải căng bạt dã chiến cho lợn ở tạm” – anh Tùng nói.

Giá thu mua lợn hơi tại thị trường Hà Nội cũng bắt đầu quay đầu giảm. Nếu tháng 3, giá lợn hơi siêu nạc tại Hà Nội được thu mua ở mức 56.000 đồng/kg, thì đến thời điểm này chỉ còn 48.000 đồng/kg.

Anh Trần Văn Chiến – chủ trang trại lợn huyện Đan Phượng (Hà Nội) than thở, đợt này giá lợn hơi giảm mạnh quá, bình quân mỗi kg giảm đến 8.000 đồng, tôi vừa xuất bán 60 con, bán xong mà tiếc thâm hụt mất 48 triệu, nhưng thà bán nhanh còn hơn, chứ cứ đà này, mấy hôm nữa mà giảm thì còn lỗ nhiều hơn.

Chớ “vơ đũa cả nắm”

Chị Phạm Thị Bình – một tiểu thương ở chợ Thành Công cho biết, giá thịt lợn giảm 5.000 -7.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó, dao động ở mức 95.000 đồng/kg thịt mông sấn, 105.000 đồng/kg thịt ba chỉ ngon. Dù giá giảm nhưng sức tiêu thụ thịt lợn tại chợ rất chậm. Bình thường mỗi ngày tôi bán được 1,3 – 1,5 tạ thịt lợn, đợt này chỉ bán được khoảng 70 – 80kg. Người mua kỹ tính lắm, họ cứ lật lên lật xuống, trước đây thường họ chuộng thịt nạc bao nhiêu thì giờ thật lạ đời, thịt càng nạc càng bị chê, thịt càng mỡ càng đắt hàng.

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã khuyến cáo người dân không nên quay lưng lại với thịt lợn vì tỉ lệ hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm không nhiều, nhưng thông tin mang tính chất chung chung, chưa có kết quả cụ thể nên dường như vô hiệu với người tiêu dùng.

Chị Lê Thị Hạnh, sống tại khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, nhà tôi thường ngày ai cũng thích ăn thịt nạc, nhưng vừa rồi thông tin về chất tạo nạc nghe mà ghê quá, giờ chuyển sang ăn tôm, cá cho yên tâm.

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, không thể "vơ đũa cả nắm” làm ảnh hưởng đến các hộ dân chăn nuôi nghiêm túc. Ông Phú cho rằng, hiện nay ranh giới giữa người làm đúng và làm sai quá mong manh. Cần xử lý nghiêm hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm, đưa vi phạm này bổ sung vào Luật hình sự. Cần sớm công bố rõ những nơi không sử dụng chất tạo nạc để người dân yên tâm.

Theo ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, những chất cấm đang được một số nông dân sử dụng một cách thiếu hiểu biết có nguồn gốc từ ngoài biên giới như Trung Quốc và Thái Lan. Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, phải chặn tận gốc chất cấm, chứ để nó tuồn vào thị trường nội địa rồi thì rất khó kiểm soát.

Theo dự báo, trong tuần tới giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm bởi người chăn nuôi đang xả đàn ra bán với khối lượng lớn. Ông Diệp Kỉnh Tần – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT băn khoăn, nếu tình hình tiêu thụ, sản xuất mặt hàng này cứ tiếp diễn, giá lợn liên tục giảm, người chăn nuôi thua lỗ, không tiếp tục tái đàn… thì sẽ xảy ra nguy cơ lại thiếu hụt nguồn cung như thời điểm tháng 7/2011. Và có khả năng vài tháng nữa chúng ta lại phải bàn chuyện thiếu thịt, lo bình ổn giá.

Miền Bắc cũng có chất tạo nạc

Trong số 136 mẫu được lấy ngẫu nhiên tại 17 tỉnh, thành (từ duyên hải Nam Trung Bộ ra miền Bắc) thì có 3 mẫu thức ăn chăn nuôi, gan lợn dương tính với chất cấm tạo nạc.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó cục trưởng Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, 3 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta agonists gồm: 2 mẫu thức ăn bổ sung ở Hòa Bình và Hải Dương và một mẫu gan lợn ở Bắc Ninh.

"Tỉ lệ dương tính rất nhỏ, vì thế người dân có thể tạm yên tâm tiêu dùng sản phẩm thịt lợn. Còn với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước thì chúng tôi sẽ phải tăng cường việc giám sát vì rõ ràng là có phát hiện chất cấm, nếu không quản lý tốt thì rất có thể việc sử dụng chất tạo nạc sẽ nhiều lên”, ông Dương nói.

Cũng theo ông, đấy mới chỉ là kết quả ban đầu, lấy mẫu ngẫu nhiên. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương truy tìm nguồn gốc chất cấm để xử lý.

Beta agonists là nhóm hoóc môn tăng trưởng (như Clenbuterol, Salbutamol) có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Lợn dùng chất này lớn nhanh hơn, mông vai nở hơn, nạc nhiều, màu sắc đỏ đẹp và bán được giá hơn. Do đó, trước đây nó được dùng trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc và tai biến do ăn thịt chứa beta agonists được phát hiện. Vì thế, chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Salbutamol, Clenbuterol vẫn là thuốc được phép sử dụng trong y tế.

Minh An