Nghìn người mắc kẹt trên đường: Các tỉnh miền Tây đón công dân như thế nào?
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, địa phương đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để có kế hoạch đón và tiếp nhận trường hợp người dân về Cần Thơ.
Đặc biệt là phối hợp với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An để đón và tiếp nhận người dân trong thời gian sớm nhất, đảm bảo theo đúng quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đoàn cán bộ của Cần Thơ đang rà lại danh sách công dân về quê |
Ông Hiện cũng cho biết thêm, trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp ở các tỉnh thành phía Nam, nhằm chia sẻ khó khăn với tỉnh Bình Dương và TP HCM. UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 30/7/2021 đón người dân Cần Thơ đang sinh sống, làm việc, học tập có nhu cầu về Cần Thơ.
Ngày 22/8, TP Cần Thơ đã tổ chức đón 311 công dân về từ TP HCM.
Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH khẩn trương liên hệ với tỉnh Bình Dương để rà soát danh sách người dân có nhu cầu về Cần Thơ theo Kế hoạch 160/KH-UBND để tham mưu xây dựng phương án cụ thể để đón người dân, đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Sáng 1/10, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, theo kế hoạch, ngày 27, 29/9 và 2/10, tỉnh tổ chức đón 1.146 công dân đang cư trú tại TP HCM trở về quê.
Công dân Vĩnh Long được đón về quê |
Trong ngày mai (2/10), Vĩnh Long sẽ tiếp tục đón hơn 200 công dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Đối với các trường hợp người dân tự phát về quê, hiện tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội siết chặt quản lý kiểm soát tại các chốt ở cửa ngõ. Nếu người dân Vĩnh Long về quê, tỉnh sẽ đưa họ vào khu cách lý để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết thêm.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh đang có kế hoạch đón công dân ở TP HCM về quê đợt 2, dự kiến vào ngày 9/10 với hơn 350 người.
Bà Vân đề nghị người dân hiện ở các tỉnh TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nên "ai ở đâu ở yên đó" để đảm bảo việc phòng chống dịch hiệu quả của các địa phương. Với những người tự phát về quê, tỉnh sẽ có phương án xử lý. Như tỉnh Long An có điện xuống, sẽ xin ý kiến lãnh đạo để xử lý theo quy định.
Công dân Sóc Trăng chạy xe máy về quê được CSGT dẫn đường phát nước, sữa |
Tại Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này đã thống nhất chủ trương đón người dân Sóc Trăng đang sinh sống, làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương theo nguyện vọng.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tự phát về quê mà nên có đăng ký trước để địa phương có kế hoạch đưa rước nhằm đảm bảo công tác an toàn chống dịch Covid-19. Còn ở trường hợp cụ thể là nhiều công dân đang kẹt lại chốt kiểm soát Long An, nếu địa phương này hỗ trợ xe đưa công dân về thì Sóc Trăng sẵn sàng tổ chức tiếp nhận".
Ông Trần Văn Lâu cũng cho biết, thời gian qua Sóc Trăng đã tiếp nhận 1.500 công dân về quê và hiện tại địa phương khẩn trương hoàn chỉnh cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị F0; phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, chống lây nhiễm chéo.
Kích hoạt lại các cơ sở cách ly trên địa bàn, khảo sát tất cả các cơ sở cách ly dự phòng trên địa bàn để kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ cho hoạt động đón người dân Sóc Trăng đang sinh sống, làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương theo nguyện vọng.
Ngày 26/9, tỉnh An Giang đã đón 233 công dân đang làm việc, sinh sống tại TP HCM... về quê |
Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh cũng như một số tỉnh, thành khác, UBND tỉnh đã có kế hoạch đón nhiều đợt người dân Đồng Tháp về địa phương.
Sắp tới, Đồng Tháp tiếp tục tổ chức đón người dân có nhu cầu về địa phương, bố trí vào các khu cách ly y tế tập trung, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trước thực tế hàng nghìn người dân chen chân chờ "thông chốt" tại các cửa ngõ TP HCM, Long An để về Kiên Giang và một số tỉnh thành miền Tây, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: "Trước tiên người dân đang sinh sống tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An cần ở yên tại chỗ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ để Kiên Giang và các tỉnh miền Tây tổ chức đón công dân về theo kế hoạch; đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Do đó, người dân đang kẹt tại các chốt cửa ngõ TP HCM, tỉnh Long An cần quay về nơi sinh sống.
Người dân Trà Vinh về quê bị kẹt lại chốt kiểm soát dịch của địa phương hôm 25/9 |
Tuy nhiên, đối với những người dân vẫn bám trụ tại các chốt, quyết tâm về địa phương thì Kiên Giang sẽ phối hợp với các địa phương đưa phương tiện lên các chốt đón công dân của tỉnh mình, nhưng chỉ ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già và các em học sinh, sinh viên. Các đối tượng khác phải quay về nơi sinh sống trước đây, đăng ký về địa phương nếu có nhu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, cho biết: "Đối với số công dân An Giang (nếu có) đang kẹt tại các chốt cửa ngõ TP HCM, tỉnh không tổ chức đón về ngay. Tôi kêu gọi người quay trở lại nơi sinh sống, đăng ký về địa phương như kế hoạch đón công dân của tỉnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch".
Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng cho rằng, hiện nay độ bao phủ vắc xin của người dân TP HCM cao hơn rất nhiều so với các tỉnh miền Tây. Hơn nữa, TP HCM đã dẫn kiểm soát dịch bệnh, thành phố đang mở dần các hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp từng bước hoạt động trở lại và cần số lượng lớn lao động… Do đó, người dân cần cân nhắc quyết định về quê trong lúc này.
Trước đó, ngày 26/9, tỉnh An Giang đã đón 233 công dân đang làm việc, sinh sống tại TP HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Dương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 về quê theo nguyện vọng.
Trong suốt cuộc trao đổi với PV, lãnh đạo các miền Tây đều kêu gọi người dân không nên tự chạy xe về địa phương, bị ùn ứ tại các trạm kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; những công dân nào có nhu cầu đăng ký để các tỉnh tổ chức tiếp đón, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Theo Dân trí
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh
-
Hà Nội khôi phục sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/11