Nghịch lý doanh nghiệp cạn tiền, ngân hàng thừa vốn
Hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thu ngoài tín dụng từ đâu? |
Tìm hiểu lãi suất liên ngân hàng, yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất liên ngân hàng |
Ngân hàng "tiền đầy kho"
Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có dư thừa lớn thể hiện qua 2 chỉ tiêu.
Một là, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ tháng 2 đến nay. Hai là, lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm.
Cũng tại họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện thanh khoản của các ngân hàng đang ở mức dồi dào, tất cả các ngân hàng thương mại đều có khả năng cho vay rất nhiều chứ không còn câu chuyện “cạn” room như trước.
Khảo sát thực tế tại các ngân hàng cho thấy, sau khi các quyết định về lãi suất của NHNN có hiệu lực, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng giảm mạnh. Hiện, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 4,9-5,5%/năm, lãi suất cao nhất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên chỉ còn 8,8%/năm.
Điều này đã tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng đã được kéo xuống dưới 10%/năm.
Ông Lại Tất Hà, Phó Tổng Giám đốc ABBank, cho biết: "Cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, mức lãi suất khoảng 8,3%/năm. Cho vay mua nhà để ở là 9,9%/năm trở lại, trung và dài hạn, lãi suất là 11,9%/năm. Đặc biệt chúng tôi còn có một gói tín dụng 3.500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất 9,2%".
Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá dồi dào nhưng doanh nghiệp vẫn không muốn vay vốn. |
Chia sẻ lý do dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ông Quang cho rằng một trong những nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý I.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất 3 năm. Với mức tăng trưởng kể trên, toàn hệ thống ngân hàng đã cho vay ròng ra nền kinh tế khoảng 245.600 tỷ đồng trong quý đầu năm.
“Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên nhu cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, ông Quang cho biết.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Khi được hỏi về nguyên nhân của nghịch lý ngân hàng “thừa tiền”, NHNN tạo điều kiện nhưng vẫn “thờ ơ” với vốn vay, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, dù lãi suất điều hành đã giảm và một số ngân hàng cũng đã giảm lãi vay nhưng mặt bằng chung lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, ngay cả những đơn vị đủ điều kiện cũng không dám tiếp cận.
Điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng vừa được các ngân hàng triển khai, nhưng các doanh nghiệp, người dân cho rằng vẫn khó tiếp cận gói vay.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi” của gói tín dụng này (từ nay đến 30/06/2023 là 8,2%/năm) vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.
Với quy định lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm với người mua nhà và 3 năm với chủ đầu tư, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, HoREA cho rằng, thời gian như vậy là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, cơ chế cho vay giống như các khoản cho vay hiện hành và có các biện pháp ngăn chặn trục lợi. Đồng thời, khách hàng phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ Xây dựng.
Lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở TP.HCM cũng chia sẻ đơn vị này đang phải vay với lãi suất 15%-16%/năm và chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía ngân hàng là sẽ giảm lãi suất. Không chỉ lãi vay cao mà điều kiện cho vay cũng vô cùng khó khăn.
Trong khid dó, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ. Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay và bị chuyển nợ xấu.
Nhiều ngành khác như cơ khí điện cũng đang đối mặt với tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có công ty giảm đến 50%, đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ cũng giảm 30%-40%.
Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% công ty trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều đơn vị phá sản nếu không có gì thay đổi. Ngành bất động sản đóng băng, các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. Các công ty gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 1,5%-2%.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu không “mềm hóa” quy định về thế chấp, định giá tài sản, thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn.
Tại Hội nghị "Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh", có khoảng 15 kiến nghị tới NHNN và Chính phủ về việc hạ chuẩn cho vay để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.
Theo Quang Đăng/ Kinh tế Chứng khoán
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần