Nghị quyết 68/NQ-CP: "Một miếng khi đói, một gói khi no..."
Chị Thái Thương Thương (22 tuổi, quê Yên Bái) mới dạy hợp đồng ở cơ sở mầm non tư thục trong tỉnh chưa lâu. Nên trong thời gian tạm nghỉ việc, chị không có lương cũng không nhận được khoản hỗ trợ nào từ phía nhà trường.
Dù mới vào nghề nhưng chị Thái Thương Thương chưa bao giờ nghĩ giáo viên mầm non sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại khi trường công đóng cửa, nhiều trường tư cắt giảm nhân viên.
COVID-19 khiến nhiều giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc không lương |
"Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với tôi và các đồng nghiệp", chị Thái Thương Thương tâm sự.
Câu chuyện tương tự với chị Nguyễn Như Quỳnh, hướng dẫn viên du lịch (35 tuổi, quê ở Hòa Bình).
Sau gần 15 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Nguyễn Như Quỳnh (35 tuổi, quê ở Hòa Bình) chưa từng nghĩ cuộc sống sẽ bị đảo lộn như hiện tại. Dịch Covid-19 khiến cả 2 vợ chồng chị mất việc, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không có hợp đồng lao động.
Hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn trong suốt thời gian qua |
Cũng theo chị, nếu không được quan tâm kịp thời và đúng mức, nhân sự chất lượng trong ngành và đặc biệt là các hướng dẫn viên sẽ phải chuyển nghề để tồn tại. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch khi phục hồi trở lại.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Lượng (54 tuổi, trú tại Hà Nội) chủ cơ sở kinh doanh hàng ăn tại quận Cầu Giấy mong muốn Chính phủ sẽ triển khai nhanh gói hỗ trợ với những thủ tục đơn giản nhằm giúp người dân vượt qua đại dịch.
"Tôi cũng có nghe qua thông tin hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng. Tôi đánh giá cao điều đó và mong thủ tục lĩnh tiền hỗ trợ bớt đi nhiều công đoạn để thuận tiện tới chủ hộ kinh doanh", bà Nguyễn Thị Lượng tâm sự.
Không chỉ là người lao động, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng còn hướng tới người sử dụng lao động.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phải giảm bớt lao động do nhu cầu đi lại, vận chuyển giảm trong mùa COVID-19 |
Công ty vận tải của anh Trần Xuân Phong đã hoạt động ở Hải Phòng được 3 năm qua. Dịch Covid-19 khiến 6 lao động của công ty phải nghỉ việc không lương 2 tháng qua. Do nguồn thu khó khăn nên việc chi trả lương cho nhân viên còn gánh nặng đối với doanh nghiệp.
"Thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng là rất thiết thực. Công ty sẽ tìm hiểu các thủ tục để có thể được vay vốn trả lương cho nhân viên", anh Trần Xuân Cương cho hay.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta. Hậu quả khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao; đồng thời, báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ban hành các chính sách hỗ trợ.
Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng giá trị gói hỗ trợ vào khoảng 26.000 tỷ đồng.
Qua đó nhằm mục tiêu góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nghị quyết 68/NQ-CP có nhiều điểm mới so với chính sách cũ và được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.
Về đối tượng, Nghị quyết 68/NQ-CP tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trong việc thiết kế điều kiện hỗ trợ, Nghị quyết 68/NQ-CP hướng tới việc giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động…
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68/NQ-CP còn bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh…
Đánh giá về Nghị quyết 68/NQ-CP, ông André Gama, Phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nói: "Nghị quyết số 68/NQ-CP là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam bằng cụ thể hóa bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính".
Cũng theo ông André Gama, người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ở khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư, là "chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết" nhằm giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19 này.
Theo Dân trí
dantri.com.vn
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam