'Nghi án' chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp
Tuy lỗ lớn như vậy nhưng doanh nghiệp này vẫn tuyên bố trong 3 năm tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm tại Việt Nam 300 triệu USD. Các nhà quản lý kinh tế đặt nghi vấn hãng này liên tục kêu lỗ để nhằm tránh một số khoản thuế. Tuy nhiên, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Chúng ta phải dùng cơ sở pháp lý để xác định công ty này có chuyển giá để trốn thuế hay không? Nếu chỉ là nghi vấn thì đừng nói, đừng làm hỏng môi trường đầu tư ở Việt Nam!".
Tình trạng chuyển giá khá phổ biến
Cuộc chiến chống chuyển giá đã thực hiện 10 năm nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như dự tính, với góc độ là chuyên gia kinh tế, ông nhận định như thế nào?
Chuyển giá, tránh thuế là việc hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta mới đổi mới được 25 năm nên việc mình va vấp với vấn đề ấy là tất yếu.
Thực tế, doanh nghiệp dùng rất nhiều chiêu thức để chuyển giá. Đó có thể là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình (như máy móc, thiết bị, công nghệ) hoặc vô hình (định giá thương hiệu) giữa các bên liên kết; hay chuyển giá thông qua các chuyển giao dịch vụ, chi phí giữa các bên liên kết. Ngoài ra, một trong những hình thức được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến là xác định giá chuyển nhượng hàng hóa, nguyên vật liệu sai lệch và không hợp lý.
Theo các cơ quan quản lý, hiện nay hành vi chuyển giá không chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp có vốn nước ngoài, mà còn diễn ra ở doanh nghiệp tư nhân nội địa có nhiều mối liên kết hay trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Việc chuyển giá không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp để tránh thuế, mà còn bao gồm cả chiều ngược lại. Đặc biệt, chuyển giá được dùng như một thủ thuật để thôn tính đối tác trong liên doanh.
Ngoài gây thất thu ngân sách, vấn nạn chuyển giá còn gây nên những cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, cũng như tạo ra những bất ổn xã hội do các doanh nghiệp này thường lấy lý do thua lỗ để né tránh giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Ngành thuế cần làm chặt để tránh doanh nghiệp chuyển giá nhằm trốn thuế Nhà nước.
Thống lĩnh thị phần đồ uống tại Việt Nam, doanh số tăng thẳng đứng, nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam đến nay Coca Cola liên tục kêu lỗ để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều nghi vấn cho rằng công ty này chuyển giá cao và ngang nhiên khai lỗ để trốn thuế, ông nghĩ sao về việc này?
Việc doanh nghiệp trốn thuế bằng nhiều hình thức, trong đó có thủ đoạn chuyển giá, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm đã được chỉ ra từ rất lâu nhưng chưa khắc phục được.
Việt Nam có nhiều thuế đánh trên 1 đơn vị sản phẩm: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Bản thân cơ quan Nhà nước phải so sánh thu thuế nhập khẩu như thế nào cho được lợi. Vậy thì Coca Cola nhập khẩu thuế như thế nào đặt trên mặt bằng các chỉ tiêu kinh tế. Chuyển giá có đủ để chứng minh được việc doanh nghiệp trốn thuế không. Chúng ta phải có cái nhìn hết sức bình tĩnh về vấn đề này.
Chúng ta cũng cần phải xem xét công ty Coca Cola Việt Nam đã làm được những gì cho Việt Nam. Bởi đóng góp vào quốc gia của họ đôi khi không thể chỉ tính bằng nộp thuế mà cần tính cả những đầu tư cho các hoạt động đào tạo, hoạt động xã hội. Và đến bây giờ đã có ai chỉ ra Coca Cola trốn thuế của Nhà nước là bao nhiêu chưa chứ tôi chưa thấy con số cụ thể nào.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Coca Cola tại Việt Nam luôn là một chuỗi thua lỗ kéo dài. Mười năm gần đây, mỗi năm trung bình hãng này báo lỗ 100 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính đến năm 2011 đã là hơn 3.700 tỷ đồng. Theo cục Thuế TP.HCM, doanh nghiệp này có dấu hiệu trốn thuế hơn 3.000 tỷ đồng, ông nghĩ sao?
Vậy phải đặt ngược lại vấn đề, cục Thuế TP.HCM làm cái gì để người ta trốn thuế hơn 3.000 tỷ đồng. Chắc gì con số ấy của cục Thuế TP.HCM đưa ra đã hợp lý.
Năm 2012, cục Thuế TP.HCM được giao chỉ tiêu thu thuế gần 150.000 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng số thu ngân sách của ngành thuế cả nước. Tuy nhiên, thu ngân sách chỉ đạt trên 92% chỉ tiêu được giao. Đây là năm đầu tiên TP.HCM không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, nhiều chi cục chỉ đạt số thu trên 80%. Phải tính toán trên cơ sở lý thuyết, thanh tra thuế cần làm rõ, tránh dư luận xấu.
Xử lý mạnh tay nếu phát hiện sai phạm!
Vậy phải chăng Nhà nước vẫn còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp "lách luật", thưa ông?
Nói như thế cũng chỉ đúng một nửa! Nhà đầu tư nước ngoài họ vào Việt Nam kinh doanh, họ nộp thuế và thuận mua vừa bán, thỏa thuận giá cả thị trường. Đây là cuộc chơi sòng phẳng. Và nhà đầu tư nào cũng mong tìm kiếm được nhiều lợi nhuận. Chúng ta phải có cái nhìn của nước chủ nhà đối với Coca Cola, họ tạo ra việc làm, chính sách đối với người lao động phù hợp với công đoàn lao động.
Với số tiền lỗ khổng lồ như vậy nhưng công ty này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và khẳng định vị thế trên thị trường, ông nghĩ sao?
Công ty Dung Quất lỗ nặng nhưng vẫn mở rộng sản xuất gấp đôi đấy thôi. Lỗ kế hoạch tức là hồi vốn rồi dần dần sinh lãi. Nhà nước không thu thuế doanh nghiệp nhưng thu thuế khác. Chúng ta nên nhìn nhà đầu tư với con mắt đúng đắn hơn, đừng quy chụp bởi một đồng họ bỏ ra cũng giống như một đồng của mình nên phải khuyến khích họ.
Hầu hết doanh nghiệp chỉ đóng những khoản thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, nhiều doanh nghiệp liên tục khai báo lỗ để không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Phải chăng việc kiểm tra, rà soát của chúng ta còn non yếu tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp, thưa ông?
Nước nhập khẩu nguyên liệu giá cao, thế giới có bẫy giá thế mình có so sánh không? Hiện nay cơ quan quản lý của chúng ta không có số liệu mà ngồi bàn suông, chỉ dựa trên sự tính toán lý thuyết của các chuyên gia thì chưa được. Đừng làm hỏng môi trường đầu tư ở Việt Nam, cơ quan thuế có quyền điều tra, hãy làm trước rồi hãy nói.
Đứng trên góc độ chuyên gia kinh tế, cá nhân tôi cho rằng chưa có cơ sở pháp lý nói Coca Cola làm sai. Ở thời điểm này, chưa có kết luận của thanh tra thì Coca Cola cũng như các doanh nghiệp khác. Thậm chí, Coca Cola có quyền kiện ngược lại các cơ quan quản lý thuế khi thông tin đưa ra thiếu căn cứ, làm ảnh hưởng tới uy tín của họ.
Dư luận cho rằng để doanh nghiệp trốn thuế nhiều và trong thời gian nhiều năm liên tiếp thì ngành thuế phải chịu trách nhiệm?
Tôi không đồng tình về quan điểm này. Chẳng nhẽ người tham gia giao thông vượt đèn đỏ thì phạt phòng CSGT à?. Tổng cục thuế không có quyền định thuế vì thuế là luật, họ là người được giao thuế, thấy bất hợp lý thì báo cáo ngành dọc để Chính phủ điều chỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng nên ủng hộ hàng Việt Nam với các sản phẩm như soda, trà xanh... Họ là nhưng công ty đã đóng thuế góp phần phát triển nước nhà. Còn với những doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế cần phải tẩy chay, cá nhân ông nhận định như thế nào về việc này?
Người ta chỉ có tội khi tòa đã tuyên án, kể cả khi đang xét xử cũng không được gọi người ấy là tội phạm. Đã ai tuyên Coca Cola sai phạm, trốn thuế chưa và khi có kết luận chính thức thì mới được vận động người dân tẩy chay.
Chúng ta phản ánh phải có tính chất xây dựng. Đừng nhìn ngoại hình mà phán đoán nội tâm. Quả bóng đang nằm ở ngành thuế chứ không phải ở các doanh nghiệp. Ngành thuế càng nói to thì càng lộ nhiều khuyết điểm.
Được biết, nhiều lần cục Thuế TP.HCM cũng đã làm việc với doanh nghiệp này nhưng đại diện công ty Coca Cola Việt Nam vẫn trả lời là đã kê khai đầy đủ, chấp hành đúng luật pháp Việt Nam, còn nguyên nhân lỗ là do thu không đủ bù chi. Công ty cũng không thể bán giá cao hơn vì muốn mở rộng thị trường. Công ty này cũng giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám.
Chúng ta có đầy đủ các công cụ pháp luật để xử lý các doanh nghiệp trốn thuế. Nếu chứng minh được doanh nghiệp trốn thuế thì phải xử lý. Còn việc một doanh nghiệp thông báo lỗ mà vẫn hoạt động mạnh đó là bình thường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước phải sớm có kết luận cuối cùng về việc có hay không chuyện trốn thuế của Coca Cola.
Xin cảm ơn ông!
Coca Cola sẽ rót thêm vốn vào thị trường Việt Nam? Báo lỗ lớn, nhưng Coca Cola vẫn tiếp tục bỏ tiền đầu tư như tiến hành quảng cáo, khuyến mại khắp nơi tại Việt Nam. Tháng 10/2012, người đứng đầu hãng đồ uống khổng lồ Coca Cola đã có mặt tại Việt Nam với tuyên bố: Đây là thị trường tăng trưởng quan trọng, với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020... kèm theo lời hứa Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Chưa có hệ thống điều chỉnh biểu hiện chuyển giá Sự việc Coca Cola Việt Nam không phải đóng đồng nào cho Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là cục Thuế TP.HCM đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu "chuyển giá". Qua việc mua nguyên liệu sản xuất từ công ty mẹ, doanh nghiệp này luôn khai báo với cơ quan thuế giá thành nguyên liệu cao nhằm đẩy giá chi phí sản xuất tăng khiến tình trạng kinh doanh luôn ở mức lỗ. Điều đáng nói là cơ quan thuế trong nhiều năm vẫn không thể xác minh tính xác thực của vụ việc. Lý do là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống, những quy phạm pháp luật tương thích có thể điều chỉnh biểu hiện chuyển giá. |
Theo nguoiduatin
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng