Ngày 25/7, 3 triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ cung cấp về tới Việt Nam
Ngày 22/7/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cập nhật thông tin về 3 triệu liều vắc-xin Moderna Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam qua COVAX và kết quả công tác “ngoại giao vắc-xin” của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Dự kiến, ba triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX sẽ đến Việt Nam vào ngày 25/7 tới.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |
Bà Hằng cũng cho biết, xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vắc-xin và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là một giải pháp quan trọng và cấp bách, công tác “ngoại giao vắc-xin” trong thời gian qua đã được triển khai một cách hết sức quyết liệt, khẩn trương với sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021. Theo thông tin từ Bộ Y tế cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.
"Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vắc-xin hỗ trợ từ các nước và các đối tác, các tổ chức quốc tế: thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Hoa Kỳ 2 triệu liều nằm trong cơ chế COVAX, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều và Liên bang Nga tặng 1000 liều. Các nước và các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có thể kể đến COVAX sẽ phân bổ tiếp hơn 1 triệu liều, Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, Rumani tặng hơn 100 nghìn liều, Úc cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều. Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Úc, Cuba và Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ UNICEF, các nước như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Ả-rập Xê-út", bà Hằng thông tin.
Song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác “ngoại giao vắc-xin” để vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trợ vắc-xin phòng chống Covid-19, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vaccine phòng chống Covid-19.
Cho biết Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế về khả năng đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng như cả thuốc điều trị Covid-19, bà Hằng bày tỏ: Việt Nam hoan nghênh và chân thành cảm ơn sự hỗ trợ giúp đỡ rất kịp thời và thiết thực của các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua.
Hải Anh
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện