Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ngân mãi bản tráng ca Hoàng Sa, Trường Sa

07:25 | 22/10/2015

1,287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng Ba (âm lịch) năm 2009, tôi ra Lý Sơn vào đúng dịp các dòng họ trên huyện đảo tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Với tôi, đây đúng là dịp may, vì qua chuyến đi ấy tôi về viết được 5 kỳ bút ký về nghi lễ này và năm ấy vệt bài “Lý Sơn - Bảo tàng Hoàng Sa giữa biển”, được trao giải Ba - Giải báo chí Toàn quốc. Tôi xin giới thiệu lại một phần của bài viết để thấy được sự đổi mới của Lý Sơn hôm nay nổi lên là điểm du lịch hấp dẫn. Du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn ngày một nhiều. Theo tôi, chính tên gọi hai tiếng “Lý Sơn” là sức hút với du khách.  

Huyện đảo Lý Sơn, tên dân gian gọi là Cù Lao Ré, nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, có diện tích gần 10km2, gồm hai đảo: Đảo lớn (Cù lao Ré) và đảo nhỏ (Cù lao Bờ Bãi). Ở phía đông Cù lao Ré còn có hòn Mù Cu, là một bãi đá nhô cao trên mặt biển.

Kỳ 1: Vùng đất của những nền văn hóa cổ

Sau hơn 1 giờ đồng hồ trên chuyến tàu cao tốc An Vĩnh 01 xuất phát từ cảng Sa Kỳ tôi đã có mặt ở Lý Sơn. Cuối tháng 7 trời vẫn nắng như vãi lửa, những cây dừa vút cao trong vườn nhà dân bị táp nắng, tàu rũ xuống trông xa như những chiếc ô bạc phếch. Trước đây du khách đi thăm thú trên đảo, phương tiện đi lại chủ yếu là “xe ôm”, nay thì đã có taxi và có cả xe 16 chỗ. Người dân Lý Sơn đang “chập chững” làm du lịch, nên còn khá “vụng về”.

ngan mai ban trang ca hoang sa truong sa
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể được đón nhận Bằng chứng nhận Di tích cấp Quốc gia. Ảnh :Phùng Căn

Phó chủ tịch huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương còn khá trẻ, chị sinh năm 1973 ở Hà Nam - quê mẹ. Cha chị là dân Lý Sơn gốc tập kết, sau giải phóng gia đình về lại Lý Sơn. Những hiểu biết về quê cha lớn dần và in đậm trong tâm trí chị từ tuổi thơ, từ những bài học đầu tiên, cho đến khi làm cán bộ phụ nữ, rồi Chủ tịch xã và giờ là Phó chủ tịch huyện đảo này. Trong buổi làm việc với chúng tôi, chị phấn khởi thông báo: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng trên 24% so với cùng kỳ năm trước.

Chị bảo, du lịch là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các ngành kinh tế khác. Nếu như năm 2007, lượng khách du lịch ra Lý Sơn chỉ vẻn vẹn 2.071 lượt; thì hết quý I/2015 đã có xấp xỉ 16.000 lượt, tăng hơn 12.000 lượt so so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt khách quốc tế từ châu Âu, châu Mỹ; đến các nước lân cận như Thái Lan, Nhật Bản… cũng đã “vượt biển” ra với Lý Sơn. Nói địa danh của huyện đảo chính là thương hiệu quả không sai. Tôi nói với chị Hương, Lý Sơn như nàng tiên sau giấc ngủ dài, bây giờ mới bừng tỉnh, cái hoang sơ của huyện đảo như gái đẹp mê hồn có sức hút ghê gớm.

Chị Hương cười và nói rằng, anh nói mới đúng một nửa. Tôi hỏi, vậy nửa còn lại là gì? Không phải suy nghĩ, chị nói ngay:  là hồn cốt, là lịch sử, là văn hóa của vùng đất này, đấy mới là sức hút mạnh mẽ. Như một nhà sử học, chị kể vanh vách: Lý Sơn là một vùng đất cổ, có cư dân sinh sống cách đây khoảng 3.000 năm. Minh chứng là những di sản trong lòng đất đã được khai quật, cùng với vết tích văn hóa trên mặt đất cho thấy cư dân thời tiền sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo này. Chị dẫn chứng, những bộ di vật được các nhà khảo cổ học khai quật tại Lý Sơn, bao gồm các công cụ canh tác nông nghiệp và chế biến nông sản như: cuốc đá, rìu đá, chày nghiền, bàn nghiền… mà người tiền sử để lại trong khu cư trú, là minh chứng khẳng định điều đó. 

Thấy chị say sưa về lịch sử, tôi buột miệng, nếu theo ngành sử học, chắc chắn chị sẽ là nhà nghiên cứu nổi tiếng. Chị bảo, ở Lý Sơn không chỉ riêng tôi, mà nhiều, rất nhiều người, nhất là các bậc cao niên ở các dòng tộc, còn rành rẽ, am hiểu hơn tôi nhiều. Tiếp theo nền Văn hóa Sa Huỳnh là Văn hóa Chăm-pa, với những di sản vật thể được khảo cổ học phát hiện từ trong lòng đất; cùng với những dấu ấn hết sức đậm nét dễ nhận ra trong đời sống tâm linh của cư dân trên đảo. Chị Hương nói với tôi, đã ra đến Lý Sơn, anh nên đi thăm các đền thờ mà tổ tiên của hai dòng máu Việt - Chăm, đã sùng kính xây dựng như: Ngu Man Nương Nương và Thiên Y-a-na. Tôi đã có cuộc điền giã khá lý thú, đến thăm thú những di tích văn hóa Chăm-pa đang hiện hữu trên đảo là miếu Bà Lồi, chùa Hang, dinh Bà Trời, Giếng Vuông…

ngan mai ban trang ca hoang sa truong sa
Nghi lễ thả thuyền trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Phùng Căn

Song, đậm nét nhất, để lại nhiều dấu ấn nhất đấy là Văn hóa Việt. Cách đây khoảng 400 năm, cư dân Việt đến Lý Sơn khai khẩn. Theo sử sách, họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của các huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Phổ hệ của các dòng họ ghi lại rằng: 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn, vào năm Mậu Thân 1609, đời Vua Lê Kinh Tông (Hoàng Định thứ 9) di cư ra đảo, phân chia thành hai khu vực.

 Ở phía tây đảo có bảy dòng họ gồm: Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn và Đặng. Bảy vị tiền hiền khai phá vùng đất này và lập nên xã Lý Vĩnh, thời nhà Nguyễn gọi là phường An Vĩnh. Ở phía đông đảo có tám dòng họ là: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn và Lê, lập nên xã Lý Hải, thời Nguyễn gọi là phường An Hải.

Ngay từ buổi đầu, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng, không chỉ gặp khó khăn về thời tiết, mà còn phải đương đầu với nạn ngoại xâm. Tôi đã đến thăm dinh Nàng Roi và chùa Hang. Những di tích đang được bảo tồn và tôn tạo, gắn liền với sự tích đánh giặc Tầu Ô. Ngay từ thời ấy, mỗi gia đình trên đảo đã biết đào hầm bí mật để chôn cất lương thực và của cải. Chiến thuật “vườn không nhà trống” được áp dụng khi giặc Tầu Ô đến. Chẳng những không cướp được gì, chúng còn bị đói khát, bệnh tật. Cư dân ẩn nấp tại các khu vực bí mật này lúc đó mới ập ra “dạy cho chúng bài học” nhớ đời về thói đi ăn cướp.

Cũng xuất phát từ thời điểm này, lịch sử mở ra một chương mới, đấy là việc chính quyền các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiến hành mở mang bờ cõi ra hướng biển, mà tiêu biểu là từ đời Gia Long và Vương Triều Nguyễn, đã cử các đội thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo ở phía nam để khai thác sản vật, xác lập chủ quyền.

 2 Cách đây 7 năm tôi ra Lý Sơn, người đầu tiên tôi tìm gặp là cụ Dương Quỳnh, năm ấy cụ đã 83 tuổi. Cụ người thôn Đông, xã An Hải, nguyên là nhà giáo, hậu duệ Thủy tổ - Tiền hiền họ Dương, là người am hiểu nho học. Sau khi đậu bằng Sơ học yếu lược, cụ vào đất liền học tiếp và thi đậu bằng tiểu học rồi về dạy học ở quê nhà.

Năm nay ra đảo, tìm đến người xưa, thì cụ đã thành người thiên cổ. Nhờ được hầu chuyện và được cụ cho xem những tài liệu do chính tay cụ dịch từ thời ấy, tôi được hiểu biết thêm về lịch sử oai hùng của “Đội hùng binh Hoàng Sa”, mà những chiến binh trong đội quân ấy chính là thủy tổ thuộc các dòng họ trên đảo này.

Nói “Lý Sơn là bản tráng ca bất tử”, chính là nói về lịch sử khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của người Lý Sơn suốt từ cuối thế kỷ thứ XVI cho đến nay. Trong khoảng 400 năm liên tục, những người con Lý Sơn đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ví Lý Sơn là “Bảo tàng Hoàng Sa, Trường Sa” là vô cùng chính xác. Cư dân và những di tích trên đảo chính là những hiện vật sống, là những bằng chứng khẳng định chân lý duy nhất đúng: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt, là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

ngan mai ban trang ca hoang sa truong sa
Âm Linh Tự - Di tích cấp Quốc gia. Ảnh: Phùng Căn

Những di tích dày đặc trên đảo, có thể bắt gặp ở nhiều lĩnh vực của đời sống, có mặt ở hầu hết các vùng cư dân cư trú, hầu như còn nguyên vẹn, Lý Sơn còn có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đặc hữu vô cùng phong phú, được lưu giữ trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, văn học dân gian, văn hóa ẩm thực và các nghề thủ công… Tất cả những di sản này gắn liền với việc khai thác và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của tiền nhân.

Một trong các di tích lịch sử cấp Quốc gia, giờ trở thành điểm tham quan của du khách là Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa, được xây dựng tại thôn Tây, xã An Vĩnh. Âm Linh Tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, bằng đá san hô, không có mái che, thờ thần ở giữa, hai bên là tả ban và hữu ban.

Đầu năm Gia Long (1802-1820), di tích được lợp mái bằng tranh và xây dựng thêm một căn nhà tây, có tên là Vĩnh Thượng Từ, để thờ vị thần tên là Thượng Thiên. Năm 1883 được tu sửa lần thứ hai, toàn bộ đền chính và nhà tây được dỡ bỏ mái tranh, thay vào đó là lợp ngói âm dương. Mặt đền gồm ba gian: Chính diện và tiền đường. Đến năm 1956, đền chính được tu bổ lại tiền đường, mặt chính diện xây bằng cửa vòm, bờ mái và bờ nóc. Mỹ thuật trang trí trong và ngoài của đền chính với  nhiều chủ đề phong phú như: Tứ linh, tứ quý, tứ thời, bát bảo, sơn thủy tùng đình, triền chi, lưỡng long tranh châu… Phía trước sân xây dựng thêm tháp thờ “Chiến sĩ trận vong”, để thờ những người lính Hoàng Sa.

Năm 1996 di tích được tu bổ quy mô, làm lại nhà tây và làm thêm nhà đông. Phía trước đền xây dựng cổng hoành tráng và vững chắc. Tại đây, có cả thảy 14 hoành phi, liễn đối được cẩn xà cừ. Đôi câu đối ở gian chính điện ghi: “Địa nhựt tịch, dân nhựt phiêu, bạt hải lưu vong vòng lợi lạc/ Sơn như lệ, hà như đới, thiên thu miếu mộ dũng thần côn”. Có nghĩa là: “Đất có hộ tịch, dân luân phiên nhau vượt biển xa xôi tìm nguồn lợi/ Núi như nước mắt, sông như vành khăn, ngàn năm miếu mộ vẫn còn lưu oai thần dũng”. Những người lính thay phiên nhau đi bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, một đi không về, họ mất rồi, nhưng vẫn lưu oai thần dũng, lưu danh muôn thuở, khiến cho núi phải trào nước mắt, sông nổi sóng lô xô như vành khăn để tang thương nhớ họ.

3. Theo “Lý lịch di tích”, Âm Linh Tự là nơi thờ tự, tưởng niệm những người lính Hoàng Sa hy sinh trong khi được cử đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo, do chính các tộc họ có người đi trong các đội lính Hoàng Sa và cư dân trên đảo góp công, góp của xây dựng. Lịch sử về “Đội hùng binh Hoàng Sa” được ghi chép khá nhiều trong các thư tịch dưới triều Lê và triều Nguyễn. trong các sách“Toản tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá; Trong “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn…

Từ các thư tịch trên cho thấy, Chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa, phiên chế 70 người, đội này chịu sự điều hành của Bộ Công, có khi nhà vua quyết định trực tiếp những việc hệ trọng. Hoạt động của đội được các sử gia thời Nguyễn ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ, điều ấy cho thấy vai trò, vị trí của đội Hoàng Sa rất được coi trọng.

Trong hàng loạt các di tích vật thể, phi vật thể đang hiện hữu trên đảo, Khao lề thế lính Hoàng Sa là một áng văn bi ca bất hủ được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Cội nguồn của nghi lễ này xuất phát từ việc 70 suất đinh của các dòng họ trên đảo được gọi xung vào đội lính Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ, hoạt động liên tục suốt ba, bốn thế kỷ để đo đạc thủy trình, cắm mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên đảo và khai thác tài nguyên biển theo lệnh của các Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn sau này.

Tính theo thời gian, thì đã có hàng vạn người con của Lý Sơn đi lính Hoàng Sa. Ngày nay trên đảo vẫn còn lưu truyền câu ca “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca trên là tóm tắt cô đọng nhất về số phận của những người đăng lính đi Hoàng Sa, Trường Sa. Khu mộ lính Hoàng Sa không xác người trong cụm di tích Âm Linh Tự và Mộ lính Hoàng Sa, cùng các khu mộ chiêu hồn của các tộc họ trên đảo, đang hiện hữu trong đời sống tâm linh của các dòng họ, là một minh chứng đầy bi hùng của tiền nhân trong quá khứ.

Việc khao cúng theo lề, khắp đất nước Việt Nam ta đâu đâu cũng có, nhưng thế lính, thì có lẽ chỉ riêng có ở Lý Sơn. Mô tả về lễ khao lề thế lính này, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Trước khi người đăng lính Hoàng Sa lên thuyền ra biển lớn, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật, hương đăng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, hoặc đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa… Sau lễ thức ở nhà thờ họ, người ta sẽ đặt các hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người lính phải mang theo như: gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào một chiếc thuyền bằng cây chuối rồi đem thả ra biển.

Khi buổi lễ tế thế lính kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết” và “hùng binh” ấy có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không phải chết nữa, dù chặng đường dài 6 tháng trời trước mắt sẽ gặp muôn ngàn bất trắc. Vì thế có thể xem lễ tế có người đăng lính đứng hầu chính là một “lễ tế sống”. Cùng với lễ này, vào ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch, tại Âm Linh Tự, các tộc họ trên đảo vẫn tổ chức cầu siêu và hội hoa đăng, cầu cho linh hồn lính Hoàng Sa được siêu thoát, vẫn có những thầy pháp làm phép, vẫn có hình nhân bằng đất sét, bằng bột gạo và bằng giấy, cùng hàng trăm linh vị cắm trên các nài chuối, cùng những thứ tượng trưng mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo, được cung thỉnh thả ra biển lớn…” .

Theo gia phả của các dòng họ ở Lý Sơn, thì định suất 70 người của đội Hoàng Sa được chia đều cho các dòng họ như: Phạm Quang, Phạm Văn, Trương, Võ văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Đặng ở làng An Vĩnh và dòng họ Nguyễn Dương, Trương, Trần, Võ, Lê, Mai ở làng An Hải.

Gia phả của các dòng họ còn ghi: 70 người lính Hoàng Sa đi trên 5 chiếc ghe bầu (mỗi ghe 14 người), mang theo lương thực nước uống, mỗi người còn mang theo một đôi chiếu, 7 chiếc đòn tre, 7 sợi dây mây và một thẻ bài ghi rõ danh tánh, bản quán, phiên hiệu. Chẳng may tử nạn thì những người sống sót lấy chiếu bó xác, lấy đòn tre nẹp xung quanh, buộc dây mây chắc chắn, sau đó thả trôi trên biển, hy vọng xác chết trôi về được đảo Lý Sơn. Do vậy trên đảo mới lưu truyền câu ca dao: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”

Để tưởng nhớ những người đã khuất, các dòng họ đã nặn các hình nhân bằng đất sét, tương ứng với số người đã mất, mỗi hình nhân kèm theo 7 cành dâu (tượng trưng cho xương), một cuộn chỉ ngũ sắc (tượng trưng cho gân và mạch máu), sau đó được thầy pháp làm phép, lấy lòng đỏ trứng gà làm lục phủ ngũ tạng, lập đàn tế lễ để “chiêu hồn nhập cốt” cho từng người rồi mới an táng. Vì vậy nhân dân trên đảo gọi đây là mộ chiêu hồn, chứ không phải là mộ gió. Khu mộ này được giữ nguyên vẹn vốn có từ mấy trăm năm trước.

Nếu như trong các bộ chính sử của các vương triều Nguyễn và những ghi chép trong các bộ sách của Đỗ Bá, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Thông… mô tả khá chi tiết về nhiệm vụ của đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia trên biển đông cách đây ba, bốn thế kỷ, thì việc tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm ở huyện đảo Lý Sơn và áng văn tế chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa trong nghi lễ này là sự bổ sung, củng cố thêm chứng lý một cách toàn diện nhất, hùng hồn nhất về chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

(Xem tiếp kỳ sau)

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 467