Cảm xúc từ một chuyến thăm quê
Sau dịch Covid-19, về thăm lại họ hàng dịp Tết cổ truyền, hết những ngày “mùng” lại vội vã ra đi. Thời gian thật là ngắn ngủi, tôi chưa có dịp dành cho mình một quãng thời gian rỗi để đi suốt chiều dài đất nước. Sinh ra và lớn lên ở cố đô Huế. Trải qua những năm tháng chiến tranh, đã đưa đẩy tôi rời xa xứ Huế từ năm 1968. Vào Đà Nẵng học trung học, rồi vào Sài Gòn lên đại học, chọn ngành thủy sản. Tốt nghiệp ra trường, được phân công về tận miền Tây An Giang, lăn lộn công việc gần 40 năm với cái nghề “hà bá” (cách gọi nghề cá của dân miền Tây). Thấm thoắt đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu, 2016.
Rồi thời cuộc đã đưa đẩy tôi rời quê hương. Cái “thời cuộc” ví như một con thuyền vô hình, nó đã đưa tôi trôi theo dòng đời “ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh”. Lúc thăng, lúc trầm, có khi sóng gió, bão giông và có những ngày bình yên. Nói như vậy không có nghĩa là mình cứ thụ động, buông tay theo thời cuộc, nhưng tôi có cảm nhận sâu sắc rằng cho dù mình có muốn chủ động làm theo ý của mình thì dường như vẫn có một bàn tay “ông trời” nào đó sắp đặt đường đời mình. Nhiều người thường gọi đó là số mệnh, hay cùng lắm thì cho rằng đó là định mệnh. Nó diễn ra trong vòng xoáy của cái nghề gắn liền cái nghiệp mà mình đeo mang, cái nhân gắn với cái quả. Nó vận hành tùy thuộc vào nhân cách, đạo đức và lối sống của chính bản thân mình. Khi có dịp ngồi lai rai, uống cà phê, tán dóc với bạn bè, nhìn lại mảnh đời của mỗi người, nghiệm lại quãng đường mình đã đi qua, kẻ còn, người mất, kẻ đau ốm, bệnh tật, người nợ nần, ly tán, hay vướng vòng lao lý, thì tôi tin nhiều bạn cũng có suy nghĩ như tôi: “Giày dép có số thì con người cũng phải có số”, đơn giản chỉ thế thôi. Riêng tôi, giờ đây, tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm, sự yêu thương chân tình của nhiều người dành cho mình có lẽ cũng từ tâm niệm “chỉ có tình thương để lại đời” mà mình đã vun đắp, cho đi lúc còn sôi nổi hoạt động, hết lòng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chung.
Trước đây, tôi đã mấy lần ra Hà Nội, khi thì công tác, hội họp, tham dự triển lãm, tiếp thị, mở thị trường, nói chung là khá bận rộn. Nhưng trong chuyến thăm Hà Nội lần này, cảm giác rất bồi hồi, xúc động, có lẽ đây là chuyến về thăm quê nhà vui nhất, thú vị nhất và đầy ắp tình cảm con người đối với tôi và Thục Hạnh (bà xã tôi). Đáp chuyến bay buổi trưa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Anh Thạch, ông xã chị Thúy Thanh, đón chúng tôi ở sân bay Nội Bài. Nét mặt anh có phần già đi nhưng nụ cười hiền lành vẫn luôn trên môi, tôi vẫn nhớ anh là người đã đích thân lái xe đưa tôi ra sân bay Brussels để trở về Việt Nam an toàn sau khi tôi được “giải cứu” khỏi nhà tù xứ Bỉ cách nay hơn 18 năm.
Mừng vui hội ngộ. (Từ trái sang: Anh Trần Ngọc Thạch, chị Phan Thúy Thanh, Thục Hạnh, và tác giả. Hà Nội, tháng 8/2024) |
Anh chị đã sắp xếp rất chu đáo chương trình cho chúng tôi trong những ngày ngắn ngủi lưu lại Hà Nội. Khách sạn nằm trên đường Hàng Bông, trong khu phố cổ Hà Nội. Thục Hạnh háo hức khi xe đi qua các con đường với cái tên “Hàng” dễ thương, khá mộc mạc, ngộ nghĩnh như: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Trống... thuộc 36 phố phường trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam. Trời Hà Nội những ngày hôm đó rất oi bức, nhiệt độ lên đến gần 39-40 độ C (trong lúc tiết trời bên Cali chỉ khoảng 19-25 độ C).
Chúng tôi chưa bao giờ bị tấn công bởi cái nóng như đổ lửa này. Mặc dù có lúc trời âm u nhưng mồ hôi vẫn ra ướt đẫm như đang đi xông hơi vậy. Trong cái nóng hầm hập đó, tôi thấy người dân vẫn sinh hoạt bình thường, hàng quán tấp nập thực khách. Có lẽ, họ đã quá quen thuộc với thời tiết đặc trưng của cuối mùa hạ này. Nhiều khách du lịch nước ngoài cũng rảo bước, đi lang thang ngắm các khu phố chật hẹp, ngày cũng như đêm. Có nhiều hàng quán chỉ rộng vài chục mét vuông, họ bày những chiếc bàn ghế nhỏ nhỏ cho khách ngồi ăn uống. Có đủ các món đặc sản Hà Nội như: bún chả cá, bún ngan, nem rán, bánh cuốn, nhiều nhất là phở gà, phở bò... Chị Thanh rất tâm lý, chọn khách sạn cho tôi ở trong khu phố cổ vì rất gần các hàng quán này. Thục Hạnh thích thú diện áo dài đón chiếc xe xích lô có viền tua vàng trên mái che như cái lọng. Dạo quanh các con phố nhỏ, ra bờ hồ Hoàn Kiếm.
Thục Hạnh trên xe xích lô thăm phố cổ Hà Nội. |
Đến căn hộ nhỏ trong chung cư Green Bay, tôi và Thục Hạnh rất vui mừng được gặp lại chị Phan Thúy Thanh, người chị tinh thần trân quý của hai đứa tôi. Trông chị vẫn còn khỏe mạnh, mấy hôm trước nghe tin chị mệt do rối loạn tiền đình, thế mà chị vẫn luôn dành cho chúng tôi những lời thăm hỏi ân cần, nụ cười thân ái. Nhiều anh chị từng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ trong khoảng thời gian năm 2006 cũng có mặt. Chị Nguyễn Phương Nga, đi cùng anh Thắng, ông xã của chị, anh Khảm, anh Toán, anh Kiên Chung, chị Nga phụ trách hậu cần. Khi nghe tin tôi về Hà Nội, các anh chị đã không quản ngại, dành thời gian đến tham dự buổi họp mặt tại nhà chị Thanh. Cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, như là những kỷ niệm vui buồn khó quên. Không khí thật là đầm ấm, chan hòa tình cảm. Buổi hội ngộ thật là thú vị khi được quây quần chuyện trò cùng nhau bên tiệc cơm trưa với món lẩu cua đồng, gà “đi bộ” tươi, đậm đà hương vị Hà Nội.
Buổi gặp mặt vui vẻ tại nhà chị Thúy Thanh. (Từ trái sang: anh Khảm, tác giả, Thục Hạnh, chị Thúy Thanh, chị Phương Nga, chị Nga, anh Thắng) |
Nhân chuyến này, tôi cũng đã có dịp thăm Công ty cổ phần Sách Alpha, là nơi đã in ấn, phát hành cuốn hồi ký “Tù binh thương trường” của tôi. Cuốn sách nhỏ này được ra đời cũng là nhờ sự động viên, góp ý, khuyến khích của chị Thanh, anh Thạch. Kể lại câu chuyện 134 ngày trong nhà tù Vương quốc Bỉ mà tôi đã không may trải qua. Tôi rất hân hạnh được gặp và trò chuyện thân mật với chị Nguyễn Thị Việt Hà, Tổng Giám đốc Alpha Books, nhà báo Huy Minh, chị Đỗ Nguyệt Anh, và cùng các chị em Ban Biên tập.
Thăm văn phòng Công ty cổ phần Sách Alpha. (Từ trái sang: Nhà báo Nguyễn Huy Minh, Tổng Giám đốc Alpha Books Nguyễn Thị Việt Hà, Thục Hạnh, tác giả, chị Đỗ Nguyệt Anh) |
Đáng nhớ nhất chuyến về này là lần đầu tiên chúng tôi được cùng đi với chị Thúy Thanh, anh Thạch đến thăm chùa Bái Đính và quần thể khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Khu chùa cổ Bái Đính có lịch sử gần 900 năm (1136), xen lẫn các khu chùa mới. Thật là thú vị khi đi thuyền chèo trên dòng nước xanh biếc trong quần thể danh thắng Tràng An, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thuyền ghé vào thăm ngôi đền cổ Hành cung Vũ Lâm, là nơi căn cứ địa của các vua nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2, thứ 3. Nơi đây còn là nơi gắn với sự kiện vua Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên đi tu vào khoảng năm 1294, trước khi lên núi Yên Tử. Rất ý nghĩa khi tôi được viếng thăm nơi đây, vừa được tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, vừa được ngắm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, vừa chiêm bái các pho tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á, trong đó có hành lang 500 tượng La Hán dài nhất với nhiều tư thế khác nhau.
Trên thuyền chèo thăm khu du lịch sinh thái Tràng An. |
Trong bốn ngày lưu lại Hà Nội, quá ngắn ngủi nhưng chứa đầy cảm xúc, nhiều niềm vui, nụ cười và hạnh phúc. Tôi không quên đến thăm anh Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong căn nhà nhỏ tại ngõ Ngọc Lâm. Anh là người từng lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho các doanh nghiệp khi gặp sự cố ở nước ngoài. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng tôi thấy anh vẫn còn hăng say làm việc với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam do anh thành lập.
Tôi không bao giờ quên những hình ảnh bình dị, tình cảm thân tình, vô tư của tất cả các anh chị từng tham gia can thiệp trong sự kiện của tôi tại Bỉ năm xưa, đã dành cho tôi và gia đình. Những lời nhắn nhủ ân cần khi chia tay, anh Thạch đến khách sạn đưa chúng tôi lên đường vào cố đô Huế, nơi tôi đã sinh ra, để thăm lại mộ ông bà, mộ cha tôi, thăm lại kinh thành Huế. Và sau đó, tiếp tục hành trình trở vào Nam, về mảnh đất An Giang, nơi gắn bó sự nghiệp nghề cá của tôi.
Suốt chặng đường dài trên xe bus giường nằm, tôi đã không quên ghi lại nhiều hình ảnh thân thương, được tận mắt nhìn ngắm những thành phố, làng quê từ Bắc vô Nam mà bao lâu tôi hằng mơ ước, được làm một chuyến đi xuyên Việt. Nay, ước mơ nhỏ bé đó của tôi đã thành hiện thực. “Quê hương là nơi tăng thân ta đó”, như lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
An Giang, tháng 8/2024
Nguyễn Phước Bửu Huy