Ngân hàng vẫn bị ám ảnh vì… nhiều tiền trong két
Nhìn lại diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ những năm gần đây có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng luôn là bài toán nan giải mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải lo lắng. Và dù con số tăng trưởng tín dụng âm 0,5% trong tháng 1 có thể chưa phải quá nghiêm trọng nhưng rõ ràng, nó cho thấy, năm 2014 sẽ tiếp tục là năm mà các nhà băng phải đau đầu với bài toán thừa tiền.
Tìm hiểu tại một số nhà băng cho thấy, khi dòng tiền huy động vẫn ổn định nhưng lại không thể cho vay, nằm “chết” trong két, các ngân hàng đã lựa chọn giải pháp mang tiền đi mua trái phiếu Chính phủ dù lãi suất là rất thấp, có khi chỉ bằng với lãi suất huy động.
Thực tế ghi nhận của PV cho thấy, ngày 13/2, Bộ Tài chính tiến hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất 6,58-7,95%/năm tùy thời hạn và đã huy động được 9.000 tỉ đồng. Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng TMCP ở Hà Nội cho biết, với mức lãi suất huy động là 7%/năm, cộng với dự trữ bắt buộc thì mua trái phiếu Chính phủ như vậy là không có lãi.
Nhà băng cũng phải đối diện với nguy cơ ế vốn, tồn kho... tiền.
Nói như vậy để thấy rằng, các ngân hàng đang dư tiền, nhưng họ cũng không dám “thả cửa” cho vay bởi nỗi ám ảnh của nợ xấu. Thực tế tìm hiểu của PV PetroTimes cho thấy, mặc dù ngân hàng cũng đang phải đối diện với tình trạng tồn kho tiền, ế vốn tiền… nhưng cũng chẳng mấy doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Hệ quả là tiền nằm “chết” trong két của nhà băng và có chăng, cực chẳng đã, nó được dùng để mua trái phiếu Chính phủ.
Điều này không chỉ khiến các nhà băng mà Chính phủ phải lo lắng. Mới đây, trước những lo lăng về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo: “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo định hướng cả năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Như chúng ta đã biết, khép lại năm 2013, “sức khỏe” của nền kinh tế nói chung và bản thân các doanh nghiệp nói riêng là hết sức yếu ớt. Minh chứng cho điều này là con số hơn 61.000 doanh nghiệp đã phá sản trong năm này và đó thực sự là một con số rất đáng báo động đối với nền kinh tế.
Cùng với đó, nỗi ám ảnh về nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng đang đè nặng các ngân hàng. Các ngân hàng rất muốn giải ngân nhưng lại không dám mạo hiểm với những rủi ro do chính sự yếu ớt của doanh nghiệp mang lại. Vì lẽ đó, không chỉ nền kinh tế, cộng đồng các doanh nghiệp mong mỏi các chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ sẽ phát huy tác dụng, kinh tế khởi sắc, sản xuất, kinh doanh phục hồi tăng trưởng trở lại mà ngay chính các ngân hàng cũng đang từng ngày “cầu khấn” cho doanh nghiệp mau khỏe.
Theo cán bộ tín dụng của một ngân hàng có cỡ ở Hà Nội, thay vì chỉ tiêu huy động vốn, giờ nhiều ngân hàng đang “xua” nhân viên đi tìm đối tác đủ “khỏe”, đủ tin cậy để tiếp cận, để mời chào họ vay vốn.
Anh Tuấn Anh - Giám đốc một Công ty xây dựng ở Hà Nội cho biết, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng, ế ẩm kéo doanh, tình hình tài chính của của Công ty là hết sức khó khăn. Vừa rồi, vất vả lắm mới ký nhận thi công được một công trình bên Bắc Ninh nhưng ngặt nỗi vì thiếu vốn nên chưa triển khai được. Vác hồ sơ đi vay khắp nơi nhưng chẳng được vì không đủ điều kiện cho vay.
"Họ đòi nào là phải có tài sản thế chấp, đòi bảo lãnh này, bảo lãnh kia... thì chúng tôi biết lấy đâu ra. Để duy trì hoạt động, để "cầm hơi" mà sống, có gì quý giá chúng tôi đã cầm, đã thế chấp cả rồi" - anh Tuấn Anh nói.
Nhìn lại thị trường tài chính, tiền tệ những tháng gần đây, người ta không quá khăn để bắt gặp sự nhiệt tình của các ngân hàng trong việc hưởng ứng các giải pháp hay lời kêu gọi hỗ trợ của Chính phủ giành cho nền kinh tế. Tại sao lại có hiện tượng này? Trong rất nhiều lý do thì câu chuyện sợ tồn kho, ế vốn có thể xem là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Như đã nói, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hết sức khó khăn nên số doanh nghiệp đủ lực, đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng là rất ít. Vậy nên, ngân hàng nào cũng muốn nhanh chân giành lấy, thậm chí là “cướp” những mối làm ăn béo bở này. Thậm chí, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước thì, có không ít ngân hàng thương mại đã cho vay với mức lãi suất chỉ 7-8%/năm đối với những doanh nghiệp đủ mạnh, có tiềm lực tài chính và dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Nói như vậy để thấy rằng, không chỉ có Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tỏ ra sốt ruột với đà phục hồi của nền kinh tế, ngay cả các ngân hàng cũng như đang “ngồi trên đống lửa”!
Thanh Ngọc
-
Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67% so với cùng kỳ
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/11: Xung đột Israel - Iran tiếp tục tác động đến giá dầu
-
IMF thúc giục Trung Quốc cải tổ nền kinh tế