Ngân hàng ACB kinh doanh ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Lợi nhuận tại ACB cao nhất từ trước tới nay, nhưng dòng tiền kinh doanh âm
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với mức lợi nhuận trước thuế hơn 5.598 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.
Cụ thể, quý II/2024, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 7.112 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ tăng 9% đạt hơn 877 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 30% đạt hơn 426 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 76% đạt gần 286 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh báo lỗ lần lượt 14 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi lần lượt hơn 407 tỷ đồng và hơn 71 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này đạt 6.186 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Cùng với việc giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống còn hơn 588 tỷ đồng, đã giúp cho ngân hàng ACB đạt được mức lợi nhuận gần 5.600 tỷ đồng nêu trên.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ACBđạt 11.590 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro 14% so với cùng kỳ, lên 1.100 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế còn gần 10.491 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% và lãi sau thuế hơn 8.374 tỷ đồng, cũng giảm 5%.
Như vậy, ngân hàng ACB đã thực hiện được 48% mục tiêu lãi trước thuế 22.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2024 sau nửa đầu năm. Tỷ lệ ROE tiếp tục duy trì ở mức 23,4%.
Đặc biệt, các khoản lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tính đến thời điểm 30/6/2024 giảm 8% so với đầu năm, còn ghi nhận hơn 3.952 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận quý II cao nhất từ trước tới nay, kéo theo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá tốt nhưng dòng tiền tại ACB lại đang âm nặng.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 12.631 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương gần 7.992 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 279 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm hơn 3.884 tỷ đồng.
Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại ngân hàng ACB âm tới 16.795 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 4.285 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng, nợ nhóm 5 tại ngân hàng ACB hơn 5.500 tỷ đồng
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của ACB ghi nhận đạt 769.678 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 15% còn 15.724 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng ghi nhận giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cho vay khách hàng tăng trưởng đến 13% so với đầu năm, đạt hơn 550.172 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của ACB trong gần một thập niên qua. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng 12%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 7% và doanh nghiệp tăng hơn 37%.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 6% so với đầu năm, đạt 511.696 tỷ đồng, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%.
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ACB. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 tại ACB) |
Điểm đáng lưu ý chính là chất lượng tài sản tại ACB. Tính đến thời điểm 30/6/2024, nếu không tính đến 7.500 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS thì tổng nợ xấu tại ACB tăng tới 38% so với đầu năm, ghi nhận hơn 8.122 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 42% so với đầu năm, lên hơn 5.525 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 37% lên hơn 1.287 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 25% lên hơn 1.309 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,5%. ACB vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31% (tăng 0,27 điểm %). Tỷ lệ nợ xấu của mảng doanh nghiệp là 1,47% (tăng 0,29 điểm % so với năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu mảng cho vay bất động sản là 1,79% (tăng 0,4 điểm % so với năm 2023).
Huy Tùng - Hoàng Trang