Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thượng đỉnh Mỹ-Trung:

Ngăn chặn trật tự thế giới sụp đổ

12:03 | 09/06/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có sự canh tranh giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đang tại vị mà lại không có chiến tranh đụng độ. Thế giới đang đứng bên bờ của một giai đoạn khủng hoảng và cuộc gặp giữa hai ông Obama và Tập Cận Bình được cho là nhằm ngăn chặn sự sụp đổ này.

Vào tháng 2/1950, khi thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc Chiến Tranh Lạnh, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã yêu cầu một cuộc họp cấp cao với Liên Xô, tin tưởng như chính lời của ông, thật khó có thể thấy “tình hình tệ hơn sau một cuộc thảo luận thượng đỉnh”.

Cho đến lúc đó, danh từ “thượng đỉnh” không có trong lịch sử ngoại giao. Nhưng năm 1950 là năm mà người ta nghĩ đến thượng đỉnh, bởi đó là năm các nhà thám hiểm tìm cách lên đến đỉnh núi Everest. Thành ra khi ông Churchill lại một lần nữa dùng đến danh từ này, vào tháng 5/1953, kêu gọi một quyết tâm cho hòa bình “ở một thượng đỉnh các quốc gia” thì ai cũng ngỡ là hoàn cảnh thuận lợi hơn.

Lúc đó hai nhà thám hiểm Edmund Hillary và Tenzing Norgay đang leo lên đỉnh Everest và vào cuối tháng đó họ đạt đích.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến tại Rancho Mirage, California, ngày 7/6/2013

 

Năm nay đánh dấu đúng 60 năm của cả hội nghị thượng đỉnh ngoại giao lẫn việc lên được đến đỉnh cao nhất của thế giới. Năm nay cũng là năm thế giới đang đứng bên bờ của một giai đoạn khủng hoảng sắp tới.

Các sử gia thường xuyên khuyến cáo là trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có sự canh tranh giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đang tại vị mà lại không có chiến tranh đụng độ. Trừ một trường hợp, đó là sự Mỹ thay thế Anh, trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Nhưng các sử gia cũng chỉ ra là sự việc đó chỉ có thể xảy ra vì ở một khía cạnh nào đó, Anh không cảm thấy bị đe dọa từ Mỹ và chấp nhận điều đó. Dù sao chăng nữa Anh và Mỹ vẫn còn có nhiều liên hệ.

Nhưng các trường hợp khác chưa bao giờ được như vậy. Cách đây một thế kỷ, sự trỗi dậy của Ðức trở thành một cường quốc đã phá tan thăng bằng quyền lực cũ và trật tự ở châu Âu, dẫn đến một sự đụng độ mà kết quả là hai cuộc thế chiến. Xa hơn nữa, từ thời cổ đại ở châu Âu, sự lo sợ của Sparta trước sự trỗi dậy của Athens đã dẫn đến một cuộc chiến mà kết quả là toàn thể trật tự thế giới cổ đại tan tành.

Cuộc gặp gỡ mà Nhà Trắng gọi là để “làm quen” giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng có thể coi như là một cố gắng thượng đỉnh nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của trật tự thế giới hiện nay.

Trong mấy tháng nay, Bắc Kinh đã nói đến rất nhiều về điều mà họ gọi là “một liên hệ cường quốc mới”. Nhưng thực sự họ muốn nói gì với một điều mà hầu như đã trở thành thần chú. Washington cũng rất muốn tìm hiểu.

Nhà Trắng đã đưa ra chỉ dấu là sẽ không có thông báo gì quan trọng. Thay vì vậy, họ hy vọng hai lãnh đạo có thể hợp ý nhau. Hai vị đã dự định đến sáu giờ nói chuyện không bị ép vào khuôn khổ của một phòng họp chính thức. Ðề tài bao gồm an ninh mạng, Triều Tiên, nhân quyền, biển Hoa Ðông, Biển Đông và liên hệ quân sự.

Một trong những điều mà Nhà Trắng sẽ muốn theo dõi là những chỉ dấu cho thấy ông Tập, khác với các vị tiền nhiệm, có công nhận là chiến dịch tình báo trong thế giới ảo, vốn đang bị giới doanh nghiệp Mỹ coi như là một đe dọa chiến lược chứ không phải chỉ là chuyện làm ăn không thôi.

Nghị trình mở cũng có cái đáng ngạc nhiên của nó. Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy, vừa đắc cử, đề nghị một cuộc họp không chính thức với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev. Và họ đã gặp nhau hai ngày ở Vienna. Mọi sự đã thất bại ngay từ đầu. Hai ông đụng độ nhau về quy chế của Berlin, về vũ khí hạt nhân, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Vào cuối cuộc thương thảo, ông Khrushchev tuyên bố “tùy Mỹ quyết định xem liệu sẽ có chiến tranh hay hòa bình”. Ông Kennedy đã trả lời “vậy, thưa ông Bí thư, sẽ có chiến tranh. Sẽ là một mùa đông giá rét”.

Một số các nhà bình luận, nhất là những chuyên gia về Trung Quốc của Mỹ thì tin là có cơ hội cho hội nghị thượng đỉnh này thành công vì nó là để tạo liên hệ thay vì trao đổi hiệp định.

Những hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Trung Quốc trước đến nay thường gặp nhiều khó khăn. Mà một trong những khó khăn đầu tiên là vì các lãnh đạo đến họp không có đủ thẩm quyền để có thể áp đặt quyết định của mình đối với hàng lãnh đạo trong nội bộ chính quyền. Sở dĩ cuộc gặp gỡ giữa ông Mao và ông Nixon ở Bắc Kinh năm 1972 đã thành công vì ông Mao có đủ uy quyền để gạt sang một bên những tiếng nói chỉ trích trong nội bộ. Cũng vậy, khi ông Ðặng Tiểu Bình đến thăm vào năm 1979, ông cũng đã củng cố được nội bộ.

Nhưng năm 2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào cần nghi thức 21 phát súng thần công chào mừng, trong khi không nói gì khác ngoài những công thức có sẵn. Một số các nhà bình luận chỉ ra là khi nhận gặp gỡ thân mật, ông Tập có lẽ đã củng cố đủ địa vị của mình để không cần lễ nghi quân cách. Nhưng những người khác thì chỉ ra là ông Tập tuy có vẻ cởi mở nhưng thực ra không phải vậy.

Nói đến chuyện gặp gỡ thân mật giữa các nguyên thủ, báo chí Mỹ lại nhắc lại chuyện Tổng thống George W. Bush đón Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi TT Bush cuối tháng 5/2003 ở nông trại tại thành phố Crawford của tiểu bang Texas. Hình ảnh các nhà báo nhìn thấy là cảnh hai ông mặc quần áo như đi dạo phố, tươi cười bắt tay nhau y hệt như hai người bạn thân đã lâu mới gặp mặt, chứ không ăn mặc trịnh trọng như các cuộc gặp thượng đỉnh khác.

Hôm đó, ông Bush mặc quần jean, áo ngắn tay, tự tay lái xe chở vợ ra tận sân bay đón khách quý, bắt tay nhau xong còn quàng vai cùng ông bạn Nhật Bản vẫy chào mọi người, sau đó lại tự tay mở cửa mời bạn lên xe, bà vợ và một nhân viên thông dịch ngồi ở băng sau. Chiều về, không chỉ đóng vai đầu bếp nướng miếng steak đãi ông bạn hiền từ châu Á sang, vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ còn dùng những từ ngữ “rất dân dã” - chẳng hạn như chữ “buddy” - để gọi nhà lãnh đạo của một trong những quốc gia đồng minh quan trọng nhất.

Ông Koizumi cũng chẳng kém, một mặt vẫn giữ uy thế cho quốc gia, nhưng mặt khác sẵn sàng hòa mình với những câu nói đùa của ông Bush, để bày tỏ dấu hiệu cho thế giới thấy “hai quốc gia là một”, hai nhà lãnh đạo cũng là một.

Những hình ảnh đầy thân tình đó không được nhìn thấy trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại một trang trại nằm ở phía ngoài thành phố Los Angeles.

“Liên hệ nước lớn” mà Bắc Kinh muốn đó là gì? Cho đến nay, các viên chức Trung Quốc thường nói một cách chung chung. Họ nói đến “tôn trọng lẫn nhau, quyền lợi hỗ tương, và hợp tác song phương” hay là nhu cầu “luật lệ được tôn trọng”.

Ở Washington, một số những người ưa nghi ngờ sợ điều đó có nghĩa là Mỹ phải chấp nhận lập trường của Bắc Kinh trong những vấn đề tế nhị như về quy chế của Ðài Loan, về quần đảo Sensaku/Ðiếu Ngư, và biển Ðông, như là điều kiện tiên quyết cho hợp tác về những vấn đề khác.

“Nếu Trung Quốc nghĩ một khuôn khổ mới là một khí cụ để buộc Mỹ tôn trọng những điều mà Trung Quốc gọi là quyền lợi cốt lõi thì tôi sợ là chúng ta đang đi đến thất bại. Nếu đó là điểm khởi đầu cho hợp tác của Trung Quốc, thì nó sẽ không đạt được gì cả” - Paul Haenle, cựu Giám đốc Trung Quốc tại Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ nhận định.

Ở một khía cạnh nào đó, triển vọng một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện khó tránh được. Không một cường quốc đương thời nào lại chấp nhận bị thách thức, bị đẩy ra khỏi vị thế mà họ nghĩ là an toàn.

Ông Obama đã từng tuyên bố “Tôi hoàn toàn tin sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc tốt cho thế giới và tốt cho Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm là sự trỗi dậy đó xảy ra trong một phong cách mà sẽ củng cố luật lệ quốc tế và tăng cường an ninh”.

H.Phan (Tổng hợp)