Nga vững vàng trước sức ép của 7 cường quốc phương Tây
Trước khi đến với Hội nghị Thượng đỉnh G8, được tổ chức ngày 17 và 18-6 tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ailen, Anh, báo chí phương Tây cho đăng tải nhiều hình biếm họa cho thấy Tổng thống Nga Putin “đang đấu” với nguyên thủ 7 nước phương Tây trên võ đài. Cuộc đấu “một chọi bảy” này liên quan tới vấn đề Syria. Điều này cho thấy vấn đề Syria đã choán toàn bộ chương trình nghị sự của thượng đỉnh G8 năm nay, với dự định ban đầu là bàn về các chủ đề kinh tế, thương mại và thuế khóa.
Ngay trước thềm hội nghị, Mỹ và châu Âu đã công bố hàng loạt các biện pháp ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, và như vậy gián tiếp nhằm vào chính quyền của Tổng thống Assad và Nga. Sau châu Âu, Mỹ tuyên bố chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học và như vậy là vượt “lằn ranh đỏ” được Mỹ vạch ra trước đó. Tuyên bố này mở đường cho việc Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy chống lại phe của Tổng thống Assad.
Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo phương Tây trong một phiên thảo luận chung của Hội nghị G8 họp tại Bắc Ai Len
Lâu nay, Mỹ và phương Tây luôn chỉ trích việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad, còn Nga thì bảo vệ rằng việc họ bán vũ khí cho Syria hoàn toàn nằm trong khuân khổ luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo nếu Mỹ và châu Âu cung cấp cho phe nổi dậy sẽ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ không phủ nhận là không ai lại đi ủng hộ những người giết và ăn các bộ phận trong cơ thể của kẻ thù. Quý vị muốn ủng hộ những người này hả? Quý vị muốn cung cấp vũ khí cho những người này hả?”- ông Putin hỏi, trong lúc trả lời báo giới sau khi gặp Thủ tướng David Cameron của Anh. Nga tin rằng “bất kỳ quyết định nào về cung cấp vũ khí cho phe đối lập dựa trên những cáo buộc vô căn cứ việc Damas sử dụng vũ khí hóa học chỉ gây bất ổn thêm tình hình”. Còn Mỹ thì biện minh rằng, việc họ hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria có thể giúp đẩy mạnh các cuộc đàm phán hòa bình.
Với những quan điểm trái ngược trên, hội nghị thượng đỉnh G8 là dịp mà mọi người cho rằng Tổng thống Putin sẽ bị đánh “hội đồng” về vấn đề Syria. Tuy nhiên, kết thúc 2 ngày hội nghị, vấn đề Syria dường như không được giải quyết. Lãnh đạo Nga và phương Tây trở về nước với những lập trường đối lập với tuyên bố chung chung: nhất trí sẽ thúc đẩy việc xây dựng một chính phủ chuyển tiếp tại Syria. Thời hạn của hội nghị hòa bình Syria cũng không được đưa ra. Và hơn nữa, số phận của Tổng thống Assad cũng không được nhắc đến. Theo giới quan sát, đây dường như là một sự nhượng bộ của phương Tây đối với Mátxcơva - nhà cung cấp vũ khí chính cho chính quyền Assad và vẫn để ngỏ khả năng cung cấp cho Damas loại tên lửa phòng không S-300. Tuyên bố bế mạc hội nghị lần này chỉ nói rằng chính quyền Syria trong tương lai cần “được thành lập trên cở sở đồng thuận” của tất cả các bên có liên quan. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G8 đã thúc giục Syria cho phép các điều tra viên về vũ khí hóa học được vào Syria, đồng thời nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ quân nổi dậy. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G8 cũng cam kết viện trợ thêm gần 1,5 tỉ USD cho các hoạt động nhân đạo ở Syria.
Giới quan sát nhận định, mặc dù Moskva và Washington đồng ý về kết cục cuối cùng của cuộc khủng hoảng Syria nhưng cách giải quyết mỗi bên rất khác nhau. Salim Harba, nhà nghiên cứu chính trị, nói với hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc rằng, tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G8 “chẳng đem lại điều gì mới”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “điều mới mẻ trong hội nghị lần này là lập trường vững chắc và mang tính chiến lược của Nga”. Những bình luận trên của ông Harba được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin rằng, Tổng thống Putin đã tìm cách ngăn cản các nhà lãnh đạo G8 khác đặt điều kiện tiên quyết cho hội nghị được lên kế hoạch tổ chức tại Geneve vào tháng tới là ông Assad phải ra đi, mặc dù các cường quốc phương Tây - những nước ủng hộ phe đối lập - đã nhiều lần bác bỏ khả năng ông Assad tham gia chính quyền Syria trong tương lai. Theo ông Harba, hội nghị thượng đỉnh G8 lần này sẽ đẩy nhanh việc tổ chức hội nghị hòa bình về Syria tại Geneve.
Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc xung đột Syria đang phơi bày mối hiềm khích cũ giữa Nga và phương Tây tại hội nghị G8. Nhà phân tích Chris Phillips thuộc Trường đại học Queen Mary ở London, Anh, lập luận rằng, Mátxcơva đã từng đóng một vai trò quốc tế nhất quán trong vụ xung đột ở Syria. Ông phân tích: “Người Nga luôn ủng hộ nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Theo quan điểm của họ, người Syria có quyền kết thúc mọi chuyện bên trong Syria theo ý muốn của họ và họ sẽ giữ vững lập trường ấy”.
Thực ra, từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria cách đây 2 năm, Nga đã dành sự ủng hộ vô điều kiện về chính trị và quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad, tới mức cùng với Trung Quốc, Nga đã ngăn cản nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án chế độ Syria và mở cửa cho những sự trừng phạt, kể cả khi có khả năng bên ngoài sử dụng vũ lực để giúp lực lượng nổi dậy lật đổ ông Assad.
Nhiều nhận định đã được nêu lên để giải thích cho sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin đối với chế độ Assad, nhưng không đủ thuyết phục để giải thích cho tính cứng nhắc trong lập trường của Nga. Trước hết, mối liên hệ gắn bó giữa Nga và Syria thể hiện qua sự có mặt của nhiều kiều dân Nga ở Syria. Thứ hai, là mối liên hệ về kinh tế, với việc Syria mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, về mặt này cũng cần phải nhấn mạnh một điều là việc buôn bán vũ khí giữa hai bên mang lại một khoản tiền không đáng kể cho Nga, nhất là Syria vẫn nổi tiếng là một nước chây ỳ nợ. Thứ ba là căn cứ quân sự Tartous của Nga ở Syria, nhưng thực ra, căn cứ này chỉ có một lợi ích chiến lược và quân sự khá hạn chế. Và cuối cùng là vấn đề năng lượng.
Như vậy có nghĩa là lập trường của Nga đối với vấn đề Syria dường như gắn với những yếu tố mang tính tâm lý hơn là những cân nhắc cụ thể. Tổng thống Vladimir Putin có xu hướng phân tích tình hình Syria theo lăng kính Chesnia. Một số người cho rằng nền ngoại giao Nga nếu không khéo, sẽ rất có thể ngày càng bị bao vây trước sự nổi lên của một liên minh khách quan giữa Mỹ và những người Hồi giáo. Ông Putin luôn bị ám ảnh về nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo ở Địa Trung Hải trở nên hùng mạnh, và nó có thể dẫn đến một sự lây lan tới các khu vực láng giềng, trong đó có Chesnia của Nga.
Mặt khác, Nga cho rằng họ đã bị lường gạt theo nghị quyết 1973 cho phép, mà Nga cho là lạm dụng, cuộc can thiệp quân sự của bên ngoài vào Libya cũng như việc lật đổ chế độ Muammar Gaddafi của nước này hồi năm 2011. Ngoài ra, thông qua lập trường đối với vấn đề Syria, ông Putin muốn nói với phần còn lại của thế giới và với Mỹ rằng thời kỳ đơn cực mở ra với sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã kết thúc và rằng nước Nga đang trở lại diễn đàn quốc tế, rằng cần phải lưu ý đến những lợi ích của nước Nga. Vì vậy, đối với Nga, vấn đề Syria là cơ hội xem xét lại mối quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới, nhất là với Mỹ.
Giang Khuê
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới