Nga thu về 24 tỷ USD bất chấp đòn cấm vận năng lượng của phương Tây
Mỹ và các nước phương Tây đã áp lệnh cấm năng lượng của Nga (Ảnh minh họa: Reuters). |
Dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã chi 18,9 tỷ USD cho dầu, khí đốt và than đá của Nga trong 3 tháng tính đến cuối tháng 5, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Ấn Độ cũng nhập 5,1 tỷ USD nhiên liệu từ Nga trong cùng giai đoạn, gấp hơn 5 lần kim ngạch của một năm trước.
Tổng cộng, doanh thu của Nga từ việc bán nhiên liệu cho Trung Quốc và Ấn Độ tăng thêm 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Chi tiêu gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ giúp Nga bù đắp việc giảm mua hàng từ Mỹ và một số quốc gia khác, sau khi các nước này áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các lệnh cấm vận nhiên liệu của Nga khiến giá các nguồn cung thay thế tăng vọt, đồng thời thúc đẩy lạm phát khiến các nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái.
"Trung Quốc về cơ bản đang mua mọi thứ mà Nga có thể xuất khẩu thông qua đường ống và các cảng ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ấn Độ là nước mua những hàng hóa mà châu Âu không muốn mua (của Nga)", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch chuyên theo dõi nguồn năng lượng của Nga kể từ khi xung đột nổ ra, cho biết.
Theo nhà phân tích Myllyvirta, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn xếp sau châu Âu về doanh số bán hàng tổng thể của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, lượng mua của châu Âu sẽ tiếp tục giảm khi lệnh cấm nhập khẩu than và dầu có hiệu lực và khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho một số khách hàng châu Âu.
Nga có mối quan hệ thương mại và chiến lược lâu năm với Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời với việc giảm giá mạnh, Nga cũng chấp nhận thanh toán bằng nội tệ để duy trì dòng chảy thương mại sang các nước này mạnh hơn trong năm nay.
Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và có đường ống dẫn dầu và khí đốt qua Siberia. Ngay cả khi mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc bị hạn chế trong nửa đầu năm 2022 - một phần do việc phong tỏa Covid-19 - Trung Quốc vẫn chi tiêu nhiều hơn cho việc mua nhiên liệu từ Nga.
Theo một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ, mức tăng chi tiêu của Ấn Độ cho năng lượng Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine còn đáng chú ý hơn, do nước này không có chung biên giới trên bộ với Nga và các cảng của Ấn Độ thường quá xa để có thể vận chuyển tiết kiệm chi phí.
Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu Mỹ Amos Hochstein hồi tháng 6 thừa nhận, Nga đang có doanh thu cao hơn từ các mặt hàng dầu khí so với trước xung đột. Quan chức Mỹ cho rằng, giá năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó đang trong đà tăng và các lệnh trừng phạt Nga đã góp phần khiến chỉ số này tiếp tục bị đẩy lên cao.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định phương Tây sẽ không thể cô lập một nước lớn như Nga, trong khi Moscow cũng không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ tăng cường tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá tại thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy quá trình chế biến nhiên liệu thô. Ngoài ra, Nga cũng sẽ tìm kiếm các thị trường mới như châu Á để xuất khẩu năng lượng.
Theo Dân trí
-
Giới chuyên gia dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ
-
Tin Thị trường: Các nhà giao dịch không chắc về kế hoạch của OPEC+
-
Hoạt động xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu ông Trump đắc cử
-
Giá xăng dầu điều chỉnh nhẹ
-
Dự kiến kế hoạch chính sách sản lượng dầu của OPEC+ trong lần họp sắp tới