Nga - Mỹ, cuộc đấu không ngưng nghỉ
Năng lượng Mới số 432
Thi nhau “show hàng” nóng
Báo New York Times ngày 13/6 tiết lộ rằng Mỹ sẽ triển khai các loại vũ khí hạng nặng tại các quốc gia vừa gia nhập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu và Baltic. Trích dẫn một số nguồn tin thông thạo, tờ báo này cho biết mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm trấn an các quốc gia trên sau sự kiện bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga và xung đột ở miền Đông Ukraina kéo dài.
Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Ba Lan
Trước mắt cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter lẫn Nhà Trắng cùng chưa lên tiếng về vấn đề này. Nhưng vẫn theo một nguồn tin được New York Times trích dẫn, trên nguyên tắc, kế hoạch của Mỹ đưa vũ khí hạng nặng sang Đông Âu sẽ được thông qua trước cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng trong khổ NATO được dự trù tổ chức tại Bruxelles nội trong tháng 6 này. Trong trường hợp đề nghị của Bộ quốc phòng Mỹ được hành pháp chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đặt vũ khí hạng nặng tại những quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Các nước liên quan đến kế hoạch quân sự của Mỹ bao gồm ba nước trong vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva, cộng thêm với các nước Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Bulgari, và có thể là cả Hungary. New York Times nói rằng, Mỹ sẽ bố trí xe tăng và xe bọc sắt cùng với 5.000 binh sĩ tại các nước nói trên.
Ngày 16/6, trong bình luận công khai đầu tiên của Chính phủ Mỹ về kế hoạch được tờ New York Times tiết lộ, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết kế hoạch nhằm bố trí các lực lượng Mỹ ở Đông Âu và vùng Baltic vẫn còn ở trong giai đoạn lập kế hoạch và đây là một phần của nghĩa vụ đã được thực hiện trong nhiều thập niên của NATO để bảo vệ các nước đồng minh châu Âu.
Ông Earnest thẳng thừng nói: “Chúng tôi ký hiệp ước NATO với nhiệm vụ phải bảo vệ cho các đồng minh của chúng tôi, và đó là một hiệp ước mà Mỹ và vị tổng thống hiện giờ rất nghiêm túc về việc chấp hành”. Tờ báo Mỹ còn cho rằng, đây là một quyết định được sự tán thành của các đồng minh Mỹ, vốn cảm thấy họ đang đứng ở tiền tuyến, đối đầu với một nước Nga đang hồi sinh. New York Times dẫn lời Tổng thống Lithuania Dalla Grybauskaite nói: “Chúng tôi ủng hộ quyết định này”.
Trong một diễn biến khác liên quan, tờ Guardian (Anh) đưa tin, ngày 14/6, Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo Washington và Warsaw đang thương lượng về việc triển khai lâu dài xe tăng chiến đấu và các vũ khí hạng nặng khác của Mỹ tại Ba Lan và các nước khác trong khu vực. Nỗ lực này là một phần trong các kế hoạch của NATO phát triển các lực lượng “Xung kích” triển khai nhanh nhằm ngăn chặn âm mưu gây bất ổn các nước thuộc khối Xôviết cũ hiện gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được tiến hành tại Lầu Năm Góc hồi tháng trước. Ông Tomasz Siemoniak khẳng định, động thái trên sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan và khu vực.
Phản ứng trước hàng loạt thông tin trên, Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị Lầu Năm Góc giải thích. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói: “Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành phân tích chi tiết các thông tin xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau liên quan. Tất nhiên, chúng tôi quan tâm tới các thông tin trên báo chí phương Tây. Để có lời giải thích chính thức từ phía Mỹ, chúng tôi đã gửi yêu cầu qua các kênh quân sự và ngoại giao”.
“Chúng tôi tin rằng sự trở lại châu Âu của các loại vũ khí Mỹ có khả năng đe dọa Nga và các nước không tuân theo chỉ dẫn của Washington, sẽ đặc biệt tác động tiêu cực tới an ninh và ổn định toàn cầu. Chúng ta không thể không quan ngại trước triển vọng này”- Thứ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm.
Còn tướng Yuri Yakubov, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga thì huỵch toẹt: “Nga sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường quân sĩ và lực lượng ở cánh phía tây”. Ông Yakubov cho biết trước hết Moskva sẽ đưa thêm xe tăng, pháo cối và máy bay chiến đấu tới biên giới phía tây. Điện Kremlin cũng có thể đẩy nhanh việc triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng Kaliningrad sát châu Âu và tăng số lượng quân sĩ ở Belarus.
Chưa hết, Bộ Ngoại giao Nga hôm 16/6, tuyên bố rằng hành động của Mỹ có thể tạo ra một vụ đối đầu quân sự với “những hậu quả nguy hiểm”. Kế hoạch triển khai dài hạn vũ khí và trang thiết bị quân sự hạng nặng tại một số nước Đông Âu là “một bước gây hấn lớn nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ Chiến tranh Lạnh” và Nga có thể phải “tăng cường lực lượng”.
Trong một phản ứng mạnh mẽ hơn cả, phát biểu tại cuộc triển lãm quân sự quốc tế ở Moskva ngày 16/6, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẽ thêm vào kho vũ khí hạt nhân của mình hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vượt qua những hệ thống phòng chống tên lửa có kỹ thuật tiên tiến nhất. Ngoài ra, quân đội Nga cũng sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí mới khác, trong đó có xe tăng Armata và xe bọc thép mới. Những khí tài này vừa mới được ra mắt công chúng lần đầu tiên tại lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ hồi tháng trước nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Nga hiện có 515 ICBM được bố trí, các tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và máy bay oanh tạc, mang theo tổng cộng 1.582 đầu đạn hạt nhân.
Nga không nao núng
Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định: “Thông báo trên của Mỹ chỉ mang tính tượng trưng, chứ không phải là một sự tăng cường lực lượng quân sự lớn. Nhưng dù gì thì cho đến nay Nga vẫn không tỏ ra nao núng”.
Thực ra những đòn trừng phạt được phương Tây nhằm vào Nga đã không đem lại kết quả như mong đợi. Kinh tế Nga gặp khó khăn một phần vì giá dầu giảm mạnh chứ không hoàn toàn do sự phong tỏa của Mỹ và châu Âu. Sự mất giá của đồng rúp và sức khỏe nền kinh tế Nga đã hồi phục nhờ giá dầu tăng. “Nhờ” sự cô lập của phương Tây mà Nga đã có thể mở rộng thêm các đối tác chính trị và kinh tế ở châu Á, Mỹ Latinh...
Về mặt quân sự, chính sách bao vây quân sự của phương Tây với nước Nga ngày nay chưa bao giờ ngừng nghỉ. Việc Mỹ cố gắng thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu trước đây là một ví dụ. Nhưng cũng chính Mỹ thời gian gần đây đã cảm thấy biện pháp này không còn hiệu quả nên thông báo rút hệ thống trên chuyển sang châu Á... cần nhắc lại rằng lá chắn tên lửa châu Âu là đề tài gây tranh cãi, kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush tìm cách đưa các trạm tên lửa đánh chặn tầm xa đến Trung Âu. Người kế nhiệm là Barack Obama đã sửa đổi kế hoạch trên ngay sau khi vào Nhà Trắng vào năm 2009.
Cụ thể là ông đã hủy bỏ trạm đánh chặn tên lửa ở Ba Lan và radar ở CH Czech, thay thế các trạm đánh chặn tốc độ cao bằng trạm chậm hơn, đủ để phá hủy các tên lửa tầm trung. Kế đến là vào năm ngoái, Mỹ lại thay đổi kế hoạch đặt các trạm tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và có thể cả Romania để chuyển sang đặt ở Alaska. Báo The Guardian nhận định sự nâng cấp đáng kể của kế hoạch quân sự Mỹ tại châu Âu có thể khiến các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italia không thoải mái bởi các nước này không muốn quân sự hóa mâu thuẫn với Tổng thống Putin vì vấn đề Ukraina.
Giới quan sát cho rằng, rốt cuộc Washington lại chỉ tốn tiền vào ngăn chặn “kẻ thù ảo”. Nhiều năm nay, Mỹ và phương Tây luôn ám ảnh về nước Nga và “mối nguy hiểm từ nước Nga”. Tuy nhiên, Tổng thống Putin mới đây khẳng định nước Nga ngày nay không phải là mối đe dọa của bất kỳ ai. “Sẽ là phí tiền nếu phương Tây đầu tư mạnh vào các biện pháp đối phó một kẻ thù giả tạo không hề tồn tại”- ông Putin nói.
Q.Hùng
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ