Nga “cảnh cáo” các nước Baltic
Quân đội Mỹ đồn trú ở biển Baltic và quân đội Lithuania tập trận chung tháng 3/2015
Ba nước Baltic là Lithuania, Estonia và Latvia từng thuộc Liên bang Xô Viết trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra mà đỉnh điểm là việc bán đảo Crưm sáp nhập về lại Nga, 3 nước Baltic trên đã gia tăng các hoạt động hợp tác quân sự với phương Tây để “đề phòng” Nga.
Ngoài việc chi tiền mua thêm nhiều thiết bị quân sự, hồi đầu tháng 6 vừa qua, hàng loạt tàu chiến và máy bay của 17 nước (14 nước thuộc NATO và 3 nước đối tác) đã tham gia vào cuộc tập trận thường niên mang tên “Chiến dịch Baltic” (BALTOPS), từ ngày 5/6 đến 20/6.
Cuộc tập trận hải quân trên biển Baltic do Mỹ dẫn đầu này đặt ra các tình huống chiến đấu chống lại tàu ngầm, phòng không và ngăn chặn các con tàu hoặc tàu đổ bộ khả nghi.
Trước đó vào trung tuần tháng 5/2015, 9 nước NATO đã tiến hành cuộc tập trận Baltic Fortress 2015 (Pháo đài Baltic-2015) trên hải phận Litva.
Từ năm ngoái, Mỹ đã triển khai khoảng 600 binh lính ở các nước Baltic và Ba Lan trên cơ sở luân chuyển.
Ngày 17/6, Chính phủ Litva đã thông qua một thỏa thuận song phương về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại lãnh thổ Litva và việc Washington đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc phòng của quốc gia vùng Baltic này.
Thỏa thuận kéo dài hai năm này có thể được gia hạn và sẽ có hiệu lực ngay khi hai bên trao đổi công hàm ngoại giao. Bộ trưởng Quốc phòng Litva Juozas Olekas khẳng định thỏa thuận trên sẽ củng cố một trong những lợi ích an ninh chủ chốt của nước này khi có sự hậu thuẫn quốc phòng từ Mỹ - đối tác chiến lược của Litva.
Trước tình hình này, ngày 30/6, Văn phòng Tổng Công tố Nga đã quyết định kiểm tra tính hợp pháp của việc công nhận nền độc lập của các quốc gia Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - vào năm 1991.
Việc rà soát trên xuất phát từ đề nghị của 2 đại biểu quốc hội Nga Yevgeny Fyodorov và Anton Romanov. Các nghị sĩ Nga cho rằng quyết định công nhận các nước khu vực Baltic năm 1991 là vi hiến vì đã được đưa ra bởi một cơ quan không hề tồn tại trong hiến pháp Liên Xô trước đây. Theo hai nghị sĩ, quyết định đó "gây ra tác hại lớn" với đất nước và vì vậy phải bị coi là "tội phản quốc".
Động thái trên gây phản ứng giận dữ từ Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite, bà nói rằng "không ai có quyền đe dọa độc lập của đất nước". "Nền độc lập của chúng tôi có được nhờ máu và sự hy sinh của người dân Lithuania" - Tổng thống Grybauskaite nói trong một tuyên bố. Trong khi đó, Ngoại trưởng Linas Linkevicius nói: "Tôi hy vọng hành động vô nghĩa này sẽ dừng lại", đồng thời gọi đây là "sự khiêu khích".
Trước các phản ứng trên, ngày 1/7, Điện Kremlin thông báo không liên quan đến hành động của Văn phòng Công tố và nói rằng đây chỉ là "thủ tục mang tính hình thức" sau khi nhận được yêu cầu điều tra.
"Theo luật pháp, chúng tôi phải xem xét tất cả các đề nghị nhận được, bất kể là về nội dung nào. Không loại trừ một số đề nghị không có ý nghĩa gì" - bà Marina Gridneva, phát ngôn viên Văn phòng Công tố cho biết. Người phát ngôn còn làm rõ, việc xem xét "độc lập" sẽ không có ý nghĩa pháp lý nào.
Từ Điện Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov tuyên bố: "Kremlin không quen với những đề xuất như trên. Tôi cũng đang cố gắng để hiểu bản chất của đề xuất này".
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi đang ở thăm Áo nói ông không biết gì về kiến nghị của các nhà lập pháp, và nói thêm rằng Nga có quan hệ ngoại giao và những hiệp ước quốc tế với các nước vùng Baltic.
Ông Lavrov khẳng định sẽ không có bất cứ một hậu quả nào, bất chấp việc công nhận độc lập của ba nước Baltic là hợp pháp hay không.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thì dù gì thông báo của Văn phòng Viện Công tố Nga cũng là gáo nước lạnh dội vào các nước Baltic do các hành động chống Nga của họ trong thời gian gần đây. Nếu các quốc gia này tiếp tục hợp tác với phương Tây đe dọa tới an ninh nước Nga thì không biết trong thời gian tới họ có trở thành Ukraina thứ 2, 3 hay không.
Nh.Thạch
Năng lượng Mới
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới