Nền giao thông kiến đàn
Đường tắc triền miên, tắc bất đắc kỳ tử, tắc cả bốn phương tám hướng. Nắng cũng tắc, mưa càng tắc. Theo con số thống kê gần đây của Công an Hà Nội, hiện nay bình quân mỗi tháng, người dân thủ đô mua sắm mới khoảng 4-5.000 ôtô, 25-26.000 xe máy mới. Cứ với tốc độ ấy, đến vẽ đường trên dự án cũng chưa chắc đã kịp chứ chưa nói đến việc xây dựng.
Xuân thu nhị kỳ, lần nào đến kỳ họp HĐND thành phố thì vấn đề chống ùn tắc giao thông cứ như chui vào đường hầm không lối thoát. Một nhà báo nước ngoài sau khi ngắm nghía cẩn thận giao thông ở Hà Nội đã nhận xét: Ở đây đang xuất hiện một “nền giao thông kiến đàn”, gặp là tránh, gặp là tránh, không theo bất cứ một quy luật nào.
Hình ảnh đàn kiến lưu thông thì ai cũng biết rồi nhưng khổ một nỗi là những con kiến kia lại không bức xúc nên không chịu nghĩ ra cách cải tiến cái nền giao thông bản năng quá lỗi thời ấy để cho con người theo đó mà học hỏi.
Của đáng tội, lâu nay, các nhà chức trách Hà Nội cũng đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để khắc phục tình trạng này nhưng vô cùng cực nhọc, tựa như người vá chiếc áo cũ. Thời buổi ăn no, mặc ấm đang trở thành phổ biến, không biết đã mấy ai thấu hiểu nỗi cơ cực của việc vá áo cũ. Vá chỗ này, bục chỗ kia. Chọn vải vá đã khó, cách vá lại khó hơn. Áo quá cũ mà vải vá quá mới, tự nó giằng nhau, chỗ cũ càng dễ bục rách. Khi vá phải rất nhẹ tay, sợi vải áo cũ mỏng như tơ nhện, không khéo tay vá là vải đi đằng vải, áo đi đằng áo. Nhọc nhằn là ở chỗ ấy.
Cách đây ít lâu, Hà Nội công bố khởi công xây dựng nối dài đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu với số vốn đầu tư 642 tỉ đồng. Đường có bề rộng 50m, trong đó mặt đường rộng 32m, dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè 7m… Trên tuyến được đầu tư hệ thống cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Do nằm trong khu vực trung tâm thành phố nên chi phí đền bù, giải tỏa lên tới 527 tỉ đồng, trong khi chi phí xây dựng chỉ vẻn vẹn 53 tỉ đồng. Tính ra trung bình mỗi mét đường tốn hơn một tỉ đồng.
Tại Lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho rằng, vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch của thành phố, hiện mới hoàn thành được 5km trong số 8km toàn tuyến. Đoạn Kim Liên – Hoàng Cầu kéo dài khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông phía đông sang phía tây thành phố. Có nghĩa là 3.000m đường còn lại sẽ cần trên 3.000 tỉ đồng nữa.
Nếu ai thường xuyên đi qua đoạn đường này mới thấy rằng, việc đầu tư ngần ấy tiền vào mục tiêu “góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông phía đông sang phía tây thành phố” khó có thể trở thành hiện thực nếu những km đường còn lại vẫn bé như sợi chỉ trên bản đồ Hà Nội. Đoạn đường này thường xuyên tắc nghẽn từ ngã tư Giảng Võ cắt với Đê La Thành cho đến ngã tư Hoàng Cầu rồi mới tới đầu nút Kim Liên. Cho nên, nếu đường có rộng được một đoạn thì đến đoạn kia vẫn tắc tịt.
Trở lại nền giao thông kiến đàn, một câu hỏi đặt ra: Tại sao chật chội như thế, bức bối như thế mà con người ta cứ phải lao vào để chen lấn, để luồn lách, để bon chen?
Thật tiếc, chưa có một cuộc khảo sát xã hội thỏa đáng nào để trả lời cho câu hỏi này nhưng ai cũng có thể trả lời một cách rất kinh viện rằng: Đó là vì nhu cầu của cuộc sống, vì đi tìm cơ hội để tự khẳng định mình, vì đi tìm miếng cơm, manh áo hằng ngày, vì khát vọng có một cuộc sống hơn người… Ở trung tâm Hà Nội, tất cả những nhu cầu đó được dễ dàng đáp ứng.
Vì là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa, những người thành đạt nhất trong sự nghiệp, những gương mặt sáng giá trước công chúng, những tài năng siêu phàm được khẳng định… đều xuất hiện ở đây. Ai mà không khao khát?
Vì là thủ đô của một nước có nền văn hiến ngàn năm, là nơi tập trung trí tuệ không chỉ của cả nước và trên thế giới mà còn là nơi đào tạo ra những nhân tài. Hầu hết các trường đại học nổi tiếng đều tập trung ở trung tâm Hà Nội. Các giáo sư, các nhà khoa học nổi tiếng cũng ở đây. Đã mấy ai thành tài ở dưới chân núi Ba Vì?
Đấy là mới chỉ lướt qua một vài khát vọng về tinh thần. Còn về nhu cầu vật chất, trung tâm Hà Nội cũng là nơi dễ kiếm sống hơn cả. Thôi thì bỏ qua sự ưu tiên đầu tư hạ tầng của Nhà nước, dân gian đã có câu “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”. Chẳng thế mà dòng người lam lũ ở ven đô cứ một nắng hai sương lao vào nội đô kiếm sống. Một xe rau chở từ chợ đầu mối ven đô vào thành phố, giá bán cũng tăng được gấp đôi, gấp ba. Mấy phút đánh giày cũng kiếm được cân thóc…
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa đã có một câu thơ khá hóm: “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến/ Ang không mật mỡ kiến bò chi?”.
Giờ đây, khi giờ tan tầm, ngắm dòng người đông như kiến cỏ (lại liên quan đến loài kiến), ai cũng hiểu ở dưới mỗi chấm tròn di động kia là một “bầu mật” nho nhỏ mới kiếm được.
Nhưng có một điều không thể hiểu nổi tại sao người ta lại cứ tạo ra những khối “mật mỡ” quá tập trung như thế để rồi đau đầu về một “nền giao thông kiến đàn”?
Năng lượng Mới