Mỹ trừng phạt LNG của Nga: Một mũi tên trúng hai đích?
Nga bác bỏ các lệnh trừng phạt LNG2 ở Bắc Cực |
Nhật Bản sẽ có phản ứng trước lệnh trừng phạt Nga của Mỹ |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra mắt dây chuyền hóa lỏng khí tự nhiên đầu tiên trên cơ sở trọng lực cho dự án Arctic LNG 2 |
Đây là đòn trừng phạt tiếp theo của Mỹ nhằm vào Nga sau khi quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này xung đột với nước láng giềng Ukraine.
Một mặt, hành động này được hy vọng sẽ làm giảm doanh thu từ khí đốt của Nga, một nguồn thu rất quan trọng khi cùng với dầu mỏ chiếm tới 28% tổng thu ngân sách của Nga trong 10 tháng đầu năm nay, theo Reuters.
Đặc biệt hơn nữa, sau khi châu Âu từ chối mua khí đốt của Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Nga gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng mới cho khí đốt của mình khi việc vận chuyển khí đốt phụ thuộc vào các đường ống có sẵn. Khi đó, LNG đã trở thành cứu cánh của quốc gia này.
Dự án Arctic 2 là dự án LNG quy mô lớn thứ 3 của Nga. Nó có vai trò quan trọng trong kế hoạch của Nga nhằm mở rộng thị phần LNG toàn cầu lên 20% vào năm 2035, từ mức 8% hiện nay.
Đầu tháng này, Nga đã thể hiện tham vọng của mình trong thị trường LNG sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành luật cho phép các công ty do chính phủ nắm giữ đa số cổ phần được xuất khẩu LNG từ 36 mỏ nằm ở phía Bắc. Động thái này sẽ cho phép Nga tận dụng trữ lượng khí đốt khổng lồ ở xa hệ thống truyền tải và tạo điều kiện cho việc tăng quy mô sản xuất và xuất khẩu LNG.
Vào tháng 10, Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) đã phê chuẩn sửa đổi luật xuất khẩu khí đốt của Nga, cho phép Novatek sử dụng bất kỳ mỏ nào trong nước làm nguồn khí đốt cho các dự án LNG trong tương lai của mình. Quyết định được đưa ra bất chấp các cảnh báo từ Gazprom về nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt khí đốt cho thị trường nội địa.
Chặn đứng kẻ cạnh tranh
Mỹ hiện nay là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng tháng 10 đạt 7,92 triệu tấn, chỉ thấp hơn một chút so với con số kỷ lục từ trước đến giờ là 8,01 triệu tấn ghi nhận vào tháng 4, theo dữ liệu của Tập đoàn Giao dịch Chứng khoán London (LSEG).
Sản lượng xuất khẩu LNG của Mỹ qua châu Âu, Vương quốc Anh, và Thổ Nhĩ Kỳ qua các năm |
Các nhà cung cấp LNG của Mỹ trực tiếp hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng sau khi EU dần chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong khi đó, đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tiềm tàng, các nước châu Âu đã phải trả giá cao để đảm bảo nguồn cung khí đốt của mình.
Vào tháng 3/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ủy ban châu Âu đã đồng ý mở rộng thương mại khí đốt giữa Mỹ và EU thêm ít nhất 50 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2030.
Tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu và Vương quốc Anh đã chiếm tới hơn 42% tổng lượng LNG nhập khẩu vào châu Âu. Hiện nay, LNG của Mỹ đã trở thành nguồn cung khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, sau khí đốt qua đường ống từ Na Uy.
Do đó, kết hoạch mở rộng thị trường LNG của Nga có thể gây ảnh hưởng lớn tới vị thế hiện có của Mỹ.
Ảnh hưởng đến đồng minh
Các lệnh trừng phạt và việc giảm bớt hoạt động giao dịch của dự án Arctic LNG 2 đã thu hút sự chú ý của TotalEnergies của Pháp và Japan Arctic LNG của Nhật Bản - liên danh giữa Mitsui & Co và JOGMEC. Mỗi bên hiện đang nắm giữ 10% cổ phần trong dự án và cảnh giác về tác động của các biện pháp.
Không rõ liệu các công ty Pháp và Nhật Bản có cần giấy phép bổ sung hoặc sự miễn trừ từ Chính phủ Mỹ để tiếp tục thực hiện dự án hay không.
Hôm thứ Ba (7/11), Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rằng, một số tác động từ đòn trừng phạt lên Arctic LNG 2 đối với hoạt động kinh doanh LNG của đất nước ông là không thể tránh khỏi. Ông cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước G7 để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho quốc gia này.
Trong khi đó, TotalEnergies cho biết vào tuần trước, họ đang đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt đối với dự án mà họ có tổng lợi ích là 21,5% thông qua việc nắm giữ cổ phần tại Novatek.
Đỗ Khánh
Tổng hợp