Mỹ rút, quốc gia phương Tây nào còn đang kẹt ở Syria?
Theo nhật báo Le Monde, Pháp phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ tại chiến trường Syria. Một nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Le Monde: “Chúng ta (Pháp) không thể ở lại nếu họ (Mỹ) rút quân và hơn nữa, chúng ta còn không có phương tiện để rút lui mà không có họ”. Một ví dụ cụ thể, lực lượng Pháp phụ thuộc vào đối tác Mỹ, trong đó có việc vận chuyển người bị thương bằng máy bay trực thăng.
Sự thay đổi đột ngột của Mỹ cho thấy rõ bế tắc trong chính sách của Pháp về Syria. Paris tin tưởng rất nhiều vào sự hợp tác với Washington, cụ thể là chính quyền Tổng thống Trump tỏ ra cương quyết hơn trong hồ sơ Syria so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, “ngoài ưu tiên hàng đầu là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, người ta không rõ Pháp muốn làm gì ở Syria”, theo nhận định của ông Marc Pierini, cựu đại sứ của Liên minh châu Âu ở Damascus và Ankara.
Ngày 30/12/2018, phương tiện truyền thông Trung Đông đưa tin nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã rút khỏi miền Bắc Syria, động thái đầu tiên triển khai sắc lệnh rút quân của Tổng thống Donald Trump. |
Khi Mỹ rút quân khỏi Syria, chính quyền Pháp sẽ hành động với ai trong hồ sơ Syria? Sẽ không có chuyện hợp tác với chính quyền Damascus hoặc với nước đỡ đầu là chính quyền Iran. Mối quan hệ với Nga vẫn bị sự thiếu tin tưởng chi phối. Ankara có lẽ là đối tác ít bất hợp lý nhất. Tuy nhiên, gần đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc duy trì lực lượng Pháp để ủng hộ phe dân quân Kurdistan “sẽ không có lợi cho bất kỳ ai”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc duy trì lực lượng Pháp “để đóng góp vào tương lai của Syria” có thể mang ý nghĩa tích cực. Với Paris, những lời đe dọa này là không chấp nhận được.
Mỹ rút khỏi Syria không chỉ tác động đến Pháp, mà đến toàn bộ lực lượng châu Âu đang hiện diện tại Trung Đông. Mới đây, cựu Đại sứ Anh tại Syria Peter Ford cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik: "Tôi nghĩ rằng tình hình ở 80% Syria sẽ sớm được giải quyết sau động thái gần đây của Mỹ. Cựu đại sứ Anh lưu ý rằng những vấn đề xa hơn mà Syria sẽ phải đối mặt là khôi phục đất nước cũng như ngăn chặn sự tái diễn của khủng bố. Theo giới quan sát, việc Anh lên tiếng vào lúc này cũng là để nhắc nhở rằng vai trò của Anh tại Syria có thể sẽ khác trước sau khi Mỹ rút đi.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của quốc hội Đức trong cuộc phỏng vấn với Kieler Nachrichten gần đây nói rằng: “Châu Âu đã trở thành một kẻ ăn xin ngoại giao. Bây giờ chúng ta phải tự đề nghị Nga, Iran và Tổng thống Assad không làm lại những gì họ đã làm suốt thời gian qua. Và chúng ta thực sự biết chắc chắn rằng họ không thực hiện yêu cầu của chúng ta".
Th.Long
AFP
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
-
[VIDEO] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn của Nga
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác