Mỹ lại gây sức ép với Nga nếu cho Snowden tị nạn
Snowden xuất hiện trong cuộc gặp với các nhà nhân quyền ngày hôm qua
Trong lần xuất hiện hiếm hoi tại Moskow ngày hôm qua, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tuyên bố anh muốn tị nạn tại Nga cho tới khi có thể đến Mỹ Latinh một cách hợp pháp.
“Tôi bị các chính phủ phương Tây ngăn không cho bay tới các nước Mỹ Latinh đã đề nghị cho tôi tị nạn… Vì vậy, tôi đệ đơn yêu cầu được ở lại nước Nga cho đến khi các nước (phương Tây) làm theo pháp luật và tôi được phép đi lại một cách hợp pháp”, Snowden phát biểu trước các nhà hoạt động nhân quyền ở khu vực quá cảnh sân bay Sheremetievo.
Theo bản chép lại các bình luận của Snowden được trang WikiLeaks công bố, Snowden cũng cho biết bản thân anh "không hối tiếc" khi đã tiết lộ chương trình do thám quy mô lớn của Mỹ.
Mặc dù Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố điện Kremlin vẫn chưa nhận được yêu cầu được tị nạn của Snowden, song về nguyên tắc anh này hoàn toàn có thể ở lại Nga nếu ngừng tiết lộ thông tin gây tổn hại cho Mỹ.
"Snowden có thể ở Nga nếu trước hết anh ta phải ngừng toàn bộ hành động gây tổn hại cho các đối tác Mỹ của chúng tôi, cũng như cho quan hệ Mỹ-Nga; và thứ hai là tự đề nghị xin tị nạn", người phát ngôn Dmitry Peskov nói.
Theo luật sư Genri Reznik, người tham dự cuộc gặp giữa Snowden với các nhà hoạt động nhân quyền, cựu nhân viên CIA này đã "cam kết sẽ không gây tổn hại cho nước Mỹ" và điều đó có nghĩa anh có khả năng được ở lại nước Nga.
Lo ngại trước điều này, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo quan hệ Nga - Mỹ sẽ gặp những trở ngại nếu “kẻ phản bội Snowden” chính thức được tị nạn.
“Nga vẫn còn cơ hội làm điều đúng đắn và trao trả Snowden cho Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ Snowden và một số vấn đề khác trước thềm chuyến thăm dự kiến của ông Obama tới Nga vào tháng 9 tới.
“Việc tạo cho Snowden một diễn đàn tuyên truyền là hành động đi ngược lại các tuyên bố trước đây của chính phủ Nga về tính trung lập của nước này. Nó cũng mâu thuẫn với các cam kết của Nga rằng họ không muốn Snowden làm tổn hại thêm các lợi ích của Mỹ", Jay Carney nói thêm.
Kể từ khi Snowden lộ diện và cung cấp nhiều thông tin tối mật về chương trình do thám toàn cầu gây tranh cãi của chính phủ Mỹ, Washington đã gây đủ loại sức ép lên các nước có ý định cho Snowden tị nạn. Đây là lý do tại sao cựu viên tình báo CIA cho đến nay vẫn phải ẩn náu trong khu vực quá cảnh sân bay Nga sau khi rời Hồng Kông (Trung Quốc) hôm 23/6.
LHQ và nhiều nước ủng hộ Snowden
Theo nhà hoạt động Tanya Lokshina của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), người cũng có mặt tại cuộc gặp ngày hôm qua với Snowden, Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã nhờ bà chuyển một thông điệp đến “kẻ phản bội”, trong đó nói rõ anh vi phạm pháp luật Mỹ và phải bị đưa ra xét xử.
Lo ngại Snowden sẽ bị đối xử không công bằng ở Mỹ, Chủ tịch Đuma Quốc gia (Hạ viện Nga) Sergei Naryshkin cho rằng điện Kremlin nên trao quy chế tị nạn chính trị cho Snowden.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay và các nhà lãnh đạo Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng cho rằng Snowden cần được bảo vệ khi anh dũng cảm vạch trần các hành động vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ.
“Hệ thống tư pháp các nước cần đảm bảo hành lang thỏa đáng cho những cá nhân tiết lộ hành động vi phạm nhân quyền mà không phải lo sợ bị trả đũa”, bà Pilla tuyên bố, “Tất cả các nước cần tôn trọng quyền quốc tế về xin tị nạn... và chứng tỏ quyết tâm phù hợp với các cam kết quốc tế hợp pháp của họ".
Bà Pillay cũng chỉ trích những nước đã vội vàng bác đơn xin tị nạn của Snowden. Trước đó, Snowden gửi đơn xin tị nạn đến 27 quốc gia nhằm trốn tránh sự truy đuổi của hệ thống tư pháp Mỹ sau khi bị buộc tội gián điệp và phản quốc.
Các nhà lãnh đạo Mercosur cũng ra tuyên bố tái khẳng định quyền cơ bản về tị nạn.
“Trường hợp của Snowden cho thấy cần tổ chức một cuộc tranh luận về các hoạt động do thám của Mỹ”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói, đồng thời kêu gọi có các biện pháp tăng cường an ninh mạng trong khu vực trước các hành động do thám quy mô lớn của Washington.
Theo Vũ Anh/Dân Trí
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng