Mỹ có thể sử dụng “lựa chọn hạt nhân” để bắt Ả rập Saudi trả giá cho cuộc chiến giá dầu?
Các nước châu Á tận dụng giá dầu thấp để tăng dự trữ chiến lược |
Hai "ông lớn" dầu khí Mỹ công bố kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" |
Cuộc chiến mà Ả rập Saudi đang tiến hành đã đẩy giá dầu WTI rơi xuống mức âm, gây thiệt hại to lớn cho các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Giới chính trị Mỹ đang xem xét lại mối quan hệ đồng minh với Ả rập Saudi. Nhiều thành viên trong nhóm cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm phải bắt Ả rập Saudi trả giá cho những hành động của mình bằng mọi cách.
Quan hệ Mỹ - Ả rập Saudi được thiết lập vào năm 1945 trong cuộc gặp giữa Tổng thống Franklin D.Roosevelt và Quốc vương Ả rập Saudi Abdulaziz trên tàu tuần dương Quincy của hải quân Mỹ. Hai nước đã ký thỏa thuận về việc Ả rập Saudi đảm bảo nguồn cung dầu cần thiết cho Mỹ, đổi lại quân đội Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho quyền lực trị vì của Nhà Saud (dòng họ của Quốc vương Ả rập Saudi). Kể từ sau cuộc cách mạng đá phiến và khủng hoảng giá dầu 2014-2016, thỏa thuận này đã bị thay đổi khi Mỹ đề nghị Ả rập Saudi vừa đảm bảo nguồn cung dầu vừa đảm bảo cho ngành dầu khí đá phiến của Mỹ tiếp tục phát triển. Điều này có nghĩa Ả rập Saudi dường như chấp nhận thua cuộc, mất thị phần vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ bằng cách giữ giá dầu ở mức cao để đổi lại sự bảo trợ về chính trị, kinh tế, quân sự.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump tự tin rằng, Quốc vương Ả rập Saudi sẽ mất quyền lực trong hai tuần nếu không có sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ. Sự tự tin này có cơ sở khi công bằng mà nói, nếu không có sự bảo trợ của Mỹ, thì cả Israel, Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Mỹ tại Trung Đông sẽ sớm chấm dứt sự cai trị của Triều đình Saud tại Ả rập Saudi.
Trong cuộc chiến giá dầu, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ hàng chục nghìn công nhân ngành năng lượng và các công ty dầu khí trụ cột. Ngoài lựa chọn biện pháp cắt giảm bảo trợ đối với gia tộc Saud, phía Mỹ còn có các biện pháp mang tính tạm thời khác, trong đó áp thuế đối với dầu thô Ả rập Saudi sẽ là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, từ góc độ thực tế đang tồn tại hai quan điểm về việc áp thuế đối với dầu thô Ả rập Saudi.
Ở quan điểm thứ nhất, Mỹ nhập khẩu 95% dầu thô từ Ả rập Saudi so với Nga, do đó trừng phạt dầu thô của Nga không tác động tích cực đến tình trạng dư cung ngày càng nghiêm trọng tại các cơ sở lưu trữ trong nước. Hơn nữa, Nga có mô hình kinh tế tốt hơn Ả rập Saudi khi chống được cú sốc sụt giảm nguồn thu từ dầu mỏ vì ngân sách được tính toán ở mức giá dầu Brent 40 USD/thùng, trong khi đối với Ả rập Saudi ngân sách quốc gia được dự toán ở giá dầu Brent đạt 84 USD/thùng.
Còn trong quan điểm thứ hai, Ả rập Saudi là một trong số ít các nhà sản xuất cung cấp dầu chua (gồm dầu tiêu chuẩn Arab Heavy) cho Mỹ, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nhiên liệu diesel trong khi dầu WTI của Mỹ không phù hợp. Bên cạnh đó, trong những thập kỷ gần đây, hầu hết các nhà máy tinh chế dầu thô tại bờ Vịnh (Gulf Coast) đang hướng tới sử dụng loại dầu nặng, chua. Nhiều nhà máy đã đầu tư vào hệ thống xử lý coker và các cơ sở hạ tầng để xử lý tốt hơn các loại dầu nặng từ Trung Đông. Hơn nữa, trong trường hợp không có dầu thô từ Ả rập Saudi, các nguồn cung dầu truyền thống của Mỹ không thể lấp đầy khoảng trống này khi Mỹ cấm vận ngành dầu mỏ Venezuela, nguồn cung từ Mexico không đáng tin cậy, công suất nhập khẩu dầu từ Canada đã đạt giới hạn và không thể vận chuyển thêm dầu về phía Nam nước Mỹ, xây dựng đường ống vận chuyển dầu Bắc Nam Keystone nhiều khả năng việc sẽ bị hoãn đến năm 2023 vì các lý do môi trường.
Trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ, điều cuối cùng mà Tổng thống Trump muốn là tăng giá nhiên liệu hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế vì Covid-19. Có một thực tế là kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến nay, các vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đã tái cử 11/11 lần nếu kinh tế Mỹ không suy thoái trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ, trong khi tỷ lệ tái cử của tổng thống đương nhiệm trong bối cảnh kinh tế suy thoái chỉ là 1/7. Điều này nói lên rằng, Tổng thống Trump sẽ sử dụng công cụ thuế quan nhằm khuất phục Ả rập Saudi bất chấp những hậu quả kinh tế ngắn hạn.
Nước Mỹ cần phải làm gì đó khi hơn 40 triệu thùng dầu thô của Ả rập Saudi sẽ đến Mỹ trong vòng 4 tuần tới (theo số liệu của ngành vận tải dầu). Lượng dầu thô này gấp 4 lần mức nhập khẩu trung bình trong 1 tháng trở lại đây và chủ yếu được chuyển đến trung tâm giao dịch dầu thô tại Cushing, nơi mà các kho lưu trữ đã quá tải. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin Cramber đã kêu gọi chính quyền ngăn chặn các siêu tàu chở dầu dỡ hàng. Một số thượng nghị sĩ khác thì tuyên bố sẽ bỏ phiếu ngừng viện trợ quân sự cho Ả rập Saudi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn chưa ra quyết định cuối cùng của mình đối với Ả rập Saudi.
Cùng với áp lực yêu cầu trừng phạt đối với Ả rập Saudi của các nhà lập pháp, Tổng thống Trump còn bị áp lực phê chuẩn Dự luật về không sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (NOPEC), được dự báo sẽ đe dọa trực tiếp tới chính quyền Ả rập Saudi. Cụ thể, Dự luật NOPEC có thể coi các hoạt động sản xuất dầu mỏ và thiết lập giá của OPEC, OPEC+ và Ả rập Saudi là hoạt động bất hợp pháp.
Dự luật cũng loại bỏ ngay lập tức quyền miễn trừ đang tồn tại trong các tòa án Mỹ đối với Tổ chức OPEC và tất cả các quốc gia thành viên. Điều này sẽ mở ra vụ kiện Ả rập Saudi vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ và khoản phạt lên tới 1.000 tỷ USD. Sau đó, Mỹ có quyền đóng băng hợp pháp tất cả các tài khoản ngân hàng của Ả rập Saudi tại Mỹ, tịch thu tài sản trong nước và cấm các công ty giao dịch bằng đồng USD đối với Ả rập Saudi trên phạm vi toàn cầu. Dự luật cũng cho phép điều tra tất cả các tài sản và quỹ của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco với cáo buộc phá vỡ các quy tắc cạnh trong trong ngành dầu khí, hóa dầu và thao túng giá dầu.
Tháng 2/2019, dự luật này nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ và nhiều nhà lập pháp của cả hai Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phủ quyết dự luật trên sau khi Ả rập Saudi giữ giá dầu ở mức 60-70 USD/thùng, góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ tăng sản lượng.
Phạm TT
Theo: Oilprice.
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí