Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Mười ngày rung chuyển thế giới

18:46 | 05/11/2011

Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười đã chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Chính từ đây chủ nghĩa xã hội không chỉ còn là lý tưởng, là học thuyết mà là hiện thực cụ thể.

Petrotimes xin giới thiệu tới bạn đọc chùm bài viết về cuộc cách mạng long trời lở đất đã xảy ra cách đây 94 năm, những diễn biến và thời khắc quan trọng, những nhân chứng, vật chứng lịch sử và những gì còn lưu lại cùng sử sách, vinh danh cùng thời gian… nhân kỷ niệm 94 năm Cách mạng tháng 10 Nga (1917 – 2011). Tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, một tư tưởng phản ánh khát vọng của loài người về một thế giới tự do, bình đẳng, cùng phồn vinh và tương hỗ, về một xã hội trong đó người với người là bạn, dân tộc với dân tộc là anh em mãi mãi vẫn là tư tưởng tiến bộ và chói sáng.

Trong lịch sử nước Nga có hai cuộc cách mạng xảy ra vào năm 1917 mà đỉnh điểm là cuộc Cách mạng tháng Mười lật đổ chính phủ lâm thời lúc đó, thành lập ra Liên bang Xô Viết (USSR).

Lãnh tụ Lenin ở Quảng trường Đỏ

Sau Cách mạng Tháng Hai xóa bỏ chế độ chuyên chế của Nga hoàng Nicolas II, ở nước Nga xuất hiện tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Sau khi nắm được Chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề đã hứa trước đó như vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực và nhất là quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng.

Trước tình thế đó, nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của đảng cách mạng do Lenin đứng đầu đã tiếp tục cuộc cách mạng lật đổ chính phủ tư sản lâm thời, giành chính quyền về tay các Xô-viết đại biểu cho nhân dân.

Chiến hạm Rạng Đông (ảnh chụp năm 2002)

Chiếm Cung điện Mùa Đông 1917

Ngày 25/10, các chiến sĩ cách mạng từ chiến hạm Rạng Đông đã nã pháo vào Cung điện Mùa Đông và sau đó bắt giữ toàn bộ chính phủ lâm thời. Đêm 25/10 tại Điện Xmôn-nưi, Đại hội II các Xô viết đã họp và tuyên bố cách mạng thành công, toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết.

Với thắng lợi này lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga một chính quyền của công-nông và những người lao động được thiết lập. Trong những ngày đầu chính quyền đã thông qua những sắc lệnh khẳng định và thể hiện rõ bản chất của một chính quyền vì dân. Đó là Sắc lệnh về hòa bình, Sắc lệnh về ruộng đất; đồng thời công bố nhiều chính sách ưu việt như ngày làm việc 8 giờ, bảo hiểm xã hội, giáo dục không mất tiền, tự do tín ngưỡng, nam nữ bình đẳng… Những lý tưởng về một xã hội công bằng, dân chủ, một xã hội xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên trên thế giới đã hiện thực hóa.

Ban đầu, cuộc Cách mạng tháng Mười chỉ được xem như một cuộc Nổi dậy tháng Mười hoặc cuộc Nổi dậy ngày 25 nhưng theo thời gian, Cách mạng tháng Mười trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX, là sự kiện đầu tiên trong một loạt những sự kiện đã "gieo những hạt giống” cho cuộc đấu tranh anh hùng xảy ra giữa Liên Xô cùng các nước đồng minh xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản phương Tây, bao gồm cả Mỹ, được biết đến dưới cái tên "Cuộc chiến tranh Lạnh”.

Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại là tên chính thức của cuộc Cách mạng tháng Mười kể từ buổi lễ kỉ niệm 10 năm cách mạng thành công năm 1927. Ngày nay, Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn sử dụng tên này.

Những thời khắc lịch sử

Lều cỏ nơi Lenin ở sau khi từ Phần Lan trở về nay là di tích lịch sử

Ngày 7/10, V.I. Lenin từ Phần Lan trở về Nga để trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng.

Ngày 10/10, Ban chấp hành trung ương họp khẩn cấp, đưa ra quyết định sẽ khởi nghĩ vũ trang.

Ngày 24/10, V.I. Lenin viết cho Ban chấp hành Trung ương Đảng: "…vô luận bằng cách nào cũng không được để chính quyền nằm trong tay Kerensky và bè lũ đến ngày 25 tháng 10. Việc đó phải tuyệt đối quyết định ngay trong chiều hoặc đêm nay. Lịch sử sẽ không tha thứ những người cách mạng hôm nay có thể thắng (và nhất định sẽ chiến thắng hôm nay) mà lại để chậm trễ, vì đợi đến ngày mai không khéo họ lại gặp tổn thất nhiều, không khéo họ lại bị mất hết cả”.

Kerensky, Tổng thống chính phủ lâm thời

Vào buổi chiều, V.I. Lenin cải trang đến điện Xmôn-nưi để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. 5h chiều, các đơn vị Cận vệ đỏ theo lệnh của Ủy ban Quân sự, chiếm được trung tâm điện báo. 8h tối chiếm nhà ga Baltic, các cây cầu bắc qua sông Neva, cắt đứt đường tiếp viện cho chính phủ từ phía tây.

Nhà ga Nikolayevsky

Ngày 25/10, vào lúc 2h sáng, lực lượng của Ủy ban Quân sự chiếm nhà ga Nikolaievsky và nhà máy điện thành phố, sau đó là cây cầu Nikolaievsky. Vào 6h, chiếm Ngân hàng Nhà nước và 7h là tổng đài điện thoại. Vào lúc 8h, họ chiếm được bến tàu hỏa cuối cùng ở Warsaw. Vào lúc 9h45, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt súng lệnh báo hiệu tấn công, hàng người bảo vệ cung điện rối loạn và lợi dụng điều đó, thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng tràn vào cung điện. Vào lúc 11h, trước tình hình không thể cứu vãn được ở thủ đô, Kerensky đã trốn thoát khỏi thành phố với mục đích tập hợp lực lượng trung thành nhằm nghiền nát các cuộc nổi dậy. Quân nổi dậy giành chiến thắng ở Petrograd.

Hiện chứng của lịch sử

Cung điện Mùa Đông

Cung điện Mùa Đông được xây dựng ở St. Petersburg, Nga là nơi ở chính thức của Nga hoàng. Cung điện này nằm ở giữa đại lộ Dvortsovaya Naberezhnaya dọc theo sông Neva và Quảng trường Cung điện, gần Cung điện Mùa Đông nguyên thủy của Peter Đại đế. Các cung điện Mùa Đông đầu tiên đều được xây dựng trong triều đại Peter Đại đế: Cung điện thứ nhất do kiến trúc sư Georg Mattarnovi trong năm 1711, thứ 2 trong năm 1716-1719.

Trong thời gian Nữ hoàng Anna Loannovna trị vì, năm 1732 khởi công cung điện Mùa Đông với quy mô lớn hơn, do Bartolomeo Francesco Rastrelli thiết kế, nhưng cung điện này cuối cùng cũng không thích hợp với ý định của hoàng gia. Cung điện Mùa Đông ngày nay là cung điện thứ tư được xây dựng và được tu sửa lại nhiều lần vào cuối những năm 1730 và 1873. Cuộc tấn công vào cung điện năm 1917 đã biến nó thành một biểu tượng của cuộc cách mạng Nga.

Cung điện Mùa Đông

Đây là một công trình có quy mô vô cùng hoành tráng, với mục đích quảng bá sự vĩ đại và sức mạnh của Đế quốc Nga, dành cho Nữ hoàng Elizabeth, là tác phẩm của rất nhiều vị kiến trúc sư tài giỏi, trong đó nổi lên là Bartolomeo Rastrelli. Trước kế hoạch xây dựng một cung điện thứ 4 cho Nữ hoàng Elizabeth vào đầu thập niên 1750, năm 1753 ông Rastrelli đã nộp bản dự án thiết kế sửa đổi, có kết hợp với cấu trúc Cung điện Mùa Đông thứ 3 do ông thiết kế lúc trước nhằm tạo ra một công trình có quy mô lớn hơn, cả về kích thước lẫn phí tổn, chưa từng thấy ở St. Petersburg.

Năm 1754 dự án này bắt đầu được thực hiện trên khuôn viên rộng 90.000m². Và ông Rastrelli đã thành công trong việc mang vào công trình này phong cách Baroque theo yêu cầu của Nữ hoàng Elizabeth. Cung điện mang màu xanh và trắng, có hình dáng một hình chữ nhật dài, có 1786 cửa ra vào, 1945 cửa sổ, 1500 phòng và 117 cầu thang. Mặt tiền chính dài 150m, cao 30m. Vẻ bề ngoài của cung điện không có gì thay đổi, nhưng mảng nội thất lại được thiết kế lại rất nhiều theo một loạt các phong cách và thị hiếu khác nhau, do đó người ta đã mô tả cung điện này là "một cung điện của thế kỷ XIX lấy cảm hứng từ một phong cách xưa”.

Năm 1905, Cung điện này chính là sân khấu của vụ thảm sát "Ngày Chủ nhật đẫm máu (1905)”, cũng chính là sự khởi đầu của cuộc Cách mạng 1905. Ngày 9/1, cố đạo Gapone dẫn đầu đoàn biểu tình ôn hòa gồm 30.000 công nhân không mang vũ khí, cầm cờ xí, tượng thánh, hình ảnh hoàng đế tiến đến Cung điện Mùa Đông. Cố đạo Gapone chỉ đệ trình một đơn thỉ nguyện cải cách chính trị và xã hội lên Hoàng đế Nikolai II nhưng vị Hoàng đế này đã hạ lệnh cho bắn vào quần chúng, làm hơn 1.000 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương khiến nhân dân thủ đô St Petersburg căm phẫn. Đây được coi là "cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất” của Cách mạng tháng Mười năm 1917.

Nơi xảy ra chủ nhật đẫm máu

Sau cuộc cách mạng tháng Hai 1917, trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 11/1917 nơi đây được lấy làm sảnh họp của Chính phủ lâm thời, dẫn đầu là Alexander Kerensky. Cuối năm đó, cung điện bị lực lượng Hồng quân tấn công, chính là thời điểm xác định sự ra đời của một nhà nước Xô Viết.

Năm 1922, toàn bộ cung điện đã được trao cho Bảo tàng Ermitazh. Cung điện Mùa Đông và Quảng trường Cung điện là hai hạt nhân của thủ đô St. Petersburg và là một trong những điểm thu hút rất nhiều khách du lịch nội địa cũng như quốc tế. Cung điện Mùa Đông ở St. Petersburg là một trong những công trình mang tính chất bước ngoặt trong lịch sử, và ngày nay cung điện này là Bảo tàng Nghệ thuật St. Peterburg, nơi trưng bày 3 triệu tác phẩm nghệ thuật của thế giới.

Chiến hạm Rạng Đông

Tuần dương hạm Rạng Đông (Chiến hạm Rạng Đông, Chiến hạm Avrora), ra đời và hạ thủy năm 1900 dưới thời Sa hoàng đang thống trị nước Nga, là chiến hạm đầu tiên kéo cờ cách mạng, phát tin "Công bố thư của công dân Nga” do Lãnh tụ Lenin soạn thảo.

Ngày 7/11/1917, chiến hạm thuộc Hạm đội biển Baltic của quân đội Nga thời Sa hoàng này, đã khai phát súng đầu tiên vào, mở đầu cho cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Chiến hạm này đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Nga – Nhật. Và hiện nay, Avrora đã vĩnh viễn neo lại trên sông Neva, cạnh bức tường Học viện Nakhimov ở St Petersburg, trở thành một kỷ vật đón nhận sự chiêm ngưỡng và thán phục của mọi người.

Rạng Đông là chiến hạm thứ ba và cũng là chiến hạm cuối cùng được sản xuất trong loạt 3 tuần dương hạm thuộc lớp Pallada được sản xuất tại St Peterburgo để phục vụ ở Thái Bình Dương. Cả ba chiến hạm này đều đã phục vụ trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật. Chiến hạm Pallada bị quân đội Nhật Bản đánh chìm vào năm 1904 tại cảng Arthur (cảng Lữ Thuận). Còn chiến hạm thứ ba, Diana, đã bị giữ lại tại Sài Gòn sau trận chiến ở biển Hoàng Hải (Biển Vàng).

Tuần dương hạm Rạng Đông thuộc thành phần Hạm đội Thái Bình Dương, rút ra từ Hạm đội Baltic, được gửi từ biển Baltic tới Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của Phó đô đốc . Trong cuộc hành trình, do gặp phải hỏa lực bắn nhầm từ đồng đội trong trận chiến Dogger Bank nên đã bị thiệt hại nhẹ.

Tháng 5/1905, Rạng Đông, dưới sự chỉ huy của Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky đã tiến vào eo biển Tsushima để tham gia vào trận hải chiến Tsushima nhưng đã bất ngờ gặp phải mai phục của hải quân Nhật Bản. Sau trận chiến ngày 15/5, chiến hạm đã bắn hơn 2.0000 quả đạn nhưng Hạm đội Nga cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề: 15 người chết, trong đó có chỉ huy chiến hạm – đại tá Egorov, chỉ có Rạng Đông cũng với hai tàu tuần dương khác đã phá được vòng vây, rút lui về cảng Manila, Philippines, nhưng tại đây họ lại gặp phải sự bao vây của Hải quân Philippines và bị giữa lại hơn 1 năm. Đến năm 1906, Rạng Đông được thả trở về Kronshtadt, một cảng xa xôi ở Nga. Một lần nữa, chiến hạm này lại trở về và ẩn mình trong Hạm đội Baltic hơn 10 năm.

Ngày 7/11/1917, vào hồi 10h00, từ đài phát thanh trên tuần dương hạm Rạng Đông đã phát tin "Công bố thư của công dân Nga” do Lãnh tụ Lenin soạn thảo, kêu gọi Sa hoàng đầu hàng và giao lại chính quyền cho Ủy ban Quân sự Cách mạng nhưng quân địch đã lấy Cung điện Mùa Đông làm địa điểm cố thủ, nhất quyết chống lại. Khi kim đồng hồ điểm 21h40′, Rạng Đông đã đánh tiếng chuông cách mạng – bắn quả đạn pháo xé tan màn đêm, vào Cung điện Mùa Đông, mở màn cho cuộc tấn công như nước triều của đội quân khởi nghĩa.

Từ 1922, Rạng Đông được đưa vào hoạt động trở lại, dùng làm tàu giảng dạy, huấn luyện cho Hạm đội Baltic và thực nhiều chuyến đi thăm một loạt nước Scandinave.

Ngày 2/9/1927, Rạng Đông được trao tặng Huân chương Cờ đỏ cho công lao cách mạng của nó.

Năm 1941, chiến tranh thế giới nổ ra, tuần dương hạm Rạng Đông cùng các thủy thủ đoàn đã tích cực tham gia phòng thủ Leningrad. Ngày 30-9-1941, trước sự tấn công tàn bạo của quân đội Đức, trong khi chiến hạm một mình đỗ ở hải cảng, vì thế chiến đấu đơn độc, không đủ sức chống lại sự điên cuồng của quân Đức, được lệnh của ban chỉ huy, tàu tự đánh chìm trong hải cảng, nằm yên tĩnh dưới nước sâu.

Ngày 22/7/1944, Rạng Đông với thân mình đầy thương tích được vớt lên tu sửa. Công việc tu bổ này kéo dài từ năm 1945 đến 1947. Sau 3 năm tu bổ, chiến hạm thánh của cách mạng này đã neo lại bến đỗ vĩnh cửu trên sông Neva tại Leningrad (ngày nay là St Petersburg) như một tượng đài lịch sử của cuộc Đại Cách mạng tháng Mười, thuộc Bảo tàng Quân sự Trung ương.

Ngày 22/2/1968, Rạng Đông được trao tặng Huân chương Cách mạng tháng Mười.

Từ đó, “bảo tàng sống” Rạng Đông vẫn tiếp tục là một biểu tượng của cách mạng cộng sản, một đóng góp vào lịch sử nước Nga, và đã trở thành một trong những điểm thu hút du lịch chính của Leningrad. Năm 1961, trước nhu cầu muốn xuống thăm tàu của những người yêu lịch sử và của những cựu chiến binh, Bảo tàng Hải quân Trung ương Liên Xô quyết định cho ngừng các hoạt động đào tạo của trường Nachimov tại đây để dành toàn bộ bảo tàng sống này để phục vụ cho khách tham quan. Từ năm 1984 đến 1987, con tàu tạm thời rời bỏ vai diễn "tàu bảo tàng” của mình để đưa đi phục hồi hoàn toàn tại nhà máy đóng tàu Admiralty.

(Còn tiếp)

Khổng Hà (tổng hợp)